Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 12/11, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba về thông tin và truyền thông. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

“Tôn trọng thực tại, cái đã vỡ rồi thì không thể lành được”

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua trong việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém chưa được xử lý. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới?

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Như Ý

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, vừa qua có nhiều dự án tồn đọng kéo dài, với 12 đại dự án, đến nay đã xin xong chủ trương của Bộ Chính trị, và được Bộ Chính trị đồng ý. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, còn lĩnh vực nào vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.

Nhấn mạnh kinh nghiệm này sẽ áp dụng cho những cái còn lại, người đứng đầu Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục rà soát lại, xem còn những dự án nào tương tự như thế.

“Tinh thần là tôn trọng hiện trạng, còn về thất thoát, mất mát, ai vi phạm đã xử lý rồi, còn vướng mắc về pháp luật sẽ rà soát, xử lý. Kể cả với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2… phải tôn trọng thực tại, cái đã vỡ rồi thì không thể lành được, chúng ta phải chịu sự mất mát này. Nguyên tắc là như vậy, và cho cơ chế, chính sách để xử lý”, Thủ tướng nêu.

Đối với 4 ngân hàng không đồng, Thủ tướng cho biết, vừa rồi đã chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng, còn lại 2 ngân hàng đang làm.

“Với ngân hàng SCB, tinh thần chỉ đạo là làm sao cho an toàn hệ thống, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, kiểm soát chặt chẽ tài sản, không để xảy ra thất thoát, có lộ trình thực hiện cho phù hợp”, Thủ tướng nêu rõ.


Phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt vấn đề chất vấn: Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành còn chậm; việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý của từng cấp, từng ngành…

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương trong thời gian tới?

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Như Ý

Trả lời câu hỏi về phân cấp phân quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, từ xưa tới nay đã được đề cập và đã được triển khai trên thực tế. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Chính phủ 14 luật liên quan, 9 nghị quyết, bổ sung thay thế 27 nghị định.

Nhưng theo Thủ tướng, trên thực tế vẫn còn vướng mắc, chủ yếu tập trung ở Trung ương. Để tháo gỡ nút thắt này, Thủ tướng nêu giải pháp rà soát lại các quy định pháp luật, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; rồi hoàn thiện quy chuẩn tiêu chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra…

“Phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp”, Thủ tướng nêu rõ.


Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng “tích cực, vượt trội”

Báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Trong đó, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát.

Về đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, giải ngân còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, người đứng đầu cũng cho rằng, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Trong đó, việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…


Bộ trưởng Công an: Xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng

Báo cáo thêm về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT), Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang khẳng định, hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa đến kinh tế xã hội.

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 5

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ảnh: Như Ý

Các hành vi vi phạm phổ biến trên mạng xã hội là tạo dựng, phát tán, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của tổ chức cá nhân…

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đặc biệt với thị trường chứng khoán, bất động sản, tài chính, nhà đất… Thậm chí, có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, trước hết phải nắm tình hình và đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên không gian mạng và mạng xã hội.

Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, tạo ra sức đề kháng với tin giả, tin sai sự thật, tuyên truyền, định hướng dư luận, ý thức cảnh giác của người dân, nhất là người dùng mạng xã hội để tạo ra sức đề kháng với tin giả, tin sai sự thật…


Xử lý mạnh tay đối với các đối tượng mê tín dị đoan

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) chất vấn: Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để hoạt động mê tín dị đoan. Mặc dù thời gian qua nhiều bộ, ngành đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng hiện nay dịch vụ tâm linh, dịch vụ bói toán, tử vi trực tuyến có dấu hiệu nở rộ, với lực lượng thầy bói online khá hùng hậu, gây ra nhiều hậu quả cho xã hội...

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 7

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang). Ảnh: Như Ý

Cho rằng, đây là không gian màu mỡ để kẻ xấu lừa đảo, khiến người dân tiền mất, tật mang, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết giải pháp căn cơ nhất để xử lý dứt điểm tình trạng này?

Trả lời chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ VHTT&DL phải vào cuộc xác định hành vi có phải là mê tín dị đoan, theo quy định hiện hành để xử lý hành vi này.

“Khi xác định hành vi rồi mà cần xác định danh tính, hoặc cần ngăn chặn thì cần phối hợp với Bộ TT&TT. “Chúng tôi làm cái này rất nhanh. Chúng ta đã có quy chế, có phối hợp và đã có công cụ để xử lý”, ông Hùng nêu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi có tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan bằng văn bản, bằng lời, bằng hình ảnh… thì căn cứ vào đó, Bộ TT&TT cũng có những công cụ để rà quét.

“Hiện nay các doanh nghiệp số của Việt Nam đã phát triển được công cụ phần mềm mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi, để xem những cái hoạt động này có phải mê tín dị đoan không, để báo sang Bộ VHTT&DL xử lý”, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho hay.

Bộ TT&TT đang làm việc với các mạng xã hội, để khi các tiêu chí về mê tín dị đoan nó rõ rồi thì cơ quan này sẽ yêu cầu các mạng xã hội, các nền tảng xã hội sẽ phải phát triển công cụ tự rà quét, tự hạ xuống.

“Đây là một bước tiến mới, trước đây là chúng ta phát hiện và yêu cầu họ hạ, còn bây giờ họ phải có trách nhiệm. Chuyện các nhà mạng, các mạng xã hội, các nền tảng lưới kinh doanh rất nhiều tiền, rất nhiều lợi nhuận thì phải có trách nhiệm làm lành mạnh hoá không gian mạng”, ông Hùng nói.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh giải pháp xử lý mạnh tay đối với các đối tượng mê tín dị đoan này, trong đó có biện pháp xử lý hành chính, xử lý dân sự, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng.


Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) chất vấn: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò “người lính xung kích” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 9

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên). Ảnh: Như Ý

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 10

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý

Đặc biệt, trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.


Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu chất vấn: Trong giai đoạn bùng nổ thông tin với sự hỗ trợ của các nền tảng mạng xã hội có tính năng chia sẻ cao, hiện tượng người người làm báo, nhà nhà làm báo để làm kênh riêng đưa lên mạng, kèm theo quảng cáo, có nhiều nội dung giật gân phản cảm, sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây bức xúc trong dư luận, nhiều nội dung quảng cáo sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền.

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 12

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre). Ảnh: Như Ý

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời có các giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí chính thống, cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, có thể nói là “lấy mất nghề của báo chí”. Nghề báo chí trong nhiều năm nay tập trung vào đưa tin, nhưng mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh hơn, mạng xã hội có hàng chục triệu “phóng viên” mà không mất tiền, họ ở khắp mọi nơi.

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 13

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn giữ vững “trận địa” của mình, phải làm khác mạng xã hội, quay về những giá trị cốt lõi của báo chí, tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, thay vì đưa tin thì kể câu chuyện dẫn dắt định hướng xã hội.

Trước đây, báo chí trong không gian thực mình là lực lượng chủ đạo, bây giờ lên không gian mạng, có thể về mặt số lượng mình không chủ đạo nhưng những thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng, chất lượng ở cả tin tức và nội dung.

Theo ông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đây là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí cách mạng.

“Chúng tôi cũng xác định cách tốt nhất để cạnh tranh với mạng xã hội là làm khác mạng xã hội và quay về với giá trị cốt lõi của mình. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo và coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện”, ông Hùng bày tỏ


Ba giải pháp mới ngăn chặn thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với vai trò quản lý Nhà nước, bộ trưởng sẽ có phương án như nào để quản lý mạng xã hội, đặc biệt đối với các loại thông tin giả, sai sự thật?

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 14

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). Ảnh: Như Ý

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.

Trong lần trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Hùng nêu ra ba giải pháp mới.

Trước tiên là việc hoàn thiện về mặt thể chế. Theo ông Hùng, trước đây mới chỉ xử lý cá nhân vi phạm khi đưa tin sai sự thật. Còn nghị định mới vừa được ký cách đây khoảng một tuần, đưa ra vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, trước đây hay nghĩ nhiều đến trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhưng theo ông Hùng, ở đây có trách nhiệm lớn đối với các nền tảng xã hội. Họ có không gian, thuê bao riêng với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng.

“Họ phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật”, ông Hùng cho hay.

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 15

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý

Giải pháp thứ ba là, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là công tác truyền thông, làm sao để khi lên một không gian mới, không gian số, mọi người có khả năng đề kháng. “Việc đào tạo không chỉ chúng ta mà cho thế hệ tương lai, tức là các em học sinh”, ông Hùng cho hay.

Ngoài ra, để người thân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, xấu độc, có nơi để phản ánh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào vận hành trung tâm chống tin giả, tin sai sự thật.


Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được thực hiện ngay sau phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế kết thúc. Trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội tập trung chất vấn 3 nội dung quan trọng, gồm:

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng;

Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng: Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng 'tích cực, vượt trội' ảnh 16

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quảng cáo trực tuyến với lợi thế áp đảo về công nghệ tiếp tục thu hẹp nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí, chiếm thị phần chi phối, trong khi nội dung không được kiểm duyệt và chịu trách nhiệm như các cơ quan báo chí.

Các vi phạm về nội dung quảng cáo chủ yếu như quảng cáo cho dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp (tín dụng đen, tiền ảo, game cờ bạc, cá độ…).

Đáng lưu ý quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.

Cơ quan chức năng đã đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới Facebook, Google, TikTok, yêu cầu chặn gỡ các quảng cáo vi phạm; đồng thời yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam về quảng cáo.

Thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Facebook đã chặn gỡ 539 tài khoản, 64 group, 664 fanpage, trang quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng, mua bán hóa đơn trái phép, giả mạo lừa đảo nạp tiền vào trò chơi…

(Tiếp tục cập nhật)

MỚI - NÓNG
Tạm dừng hoạt động cơ sở sản xuất bánh cốm nổi tiếng phố Hàng Than ở Hà Nội
Tạm dừng hoạt động cơ sở sản xuất bánh cốm nổi tiếng phố Hàng Than ở Hà Nội
TPO - Chiều ngày 2/1, Đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (số 11 phố Hàng Than, quận Ba Đình). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn liên ngành ghi nhận nhiều tồn tại về vệ sinh ATTP của cơ sở sản xuất bánh cốm nên đã yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục, xử lý.