Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Philippines, thúc đẩy sáng kiến nhằm vào Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
Binh sĩ Philippines và Mỹ tham gia tập trận Balikatan hồi tháng 5/2018. Ảnh: AP.
Binh sĩ Philippines và Mỹ tham gia tập trận Balikatan hồi tháng 5/2018. Ảnh: AP.
TPO - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cuối tháng này thăm Philippines và hai nước Đông Nam Á khác để tăng cường quan hệ an ninh-quốc phòng song phương, thúc đẩy Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), kênh truyền hình Philippines One News đưa tin ngày 19/7.

Bộ trưởng Lloyd Austin, tướng lục quân đã nghỉ hưu, sẽ thăm 3 nước Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ muốn thúc đẩy chiến lược quốc phòng mới của mình nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trong khu vực, One News dẫn lời ba nhà ngoại giao châu Á.

Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương

Theo một nhà ngoại giao châu Á, đây là chuyến thăm đáng chú ý đầu tiên của một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Đông Nam Á - khu vực được cho là đang cảm thấy bị chính quyền Biden phớt là để tập trung cải thiện quan hệ với châu Âu và các đồng minh, đối tác lớn của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc…

“Đây có vẻ như là một chuyến đi tìm hiểu thực tế (của ông Austin) sau khi chuyến thăm dự kiến tới Singapore để dự Đối thoại Shangri-la thường niên bị hủy hồi tháng 6 vì dịch COVID-19. Tất nhiên là đã có một số cuộc gặp trực tuyến với những người đồng cấp trong khu vực, nhưng đây sẽ là cơ hội đầu tiên để có các cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt và xây dựng mối quan hệ gần gũi và hài hòa hơn”, nhà ngoại giao nói.

Một nhà ngoại giao châu Á khác, người là sĩ quan quân đội đang công tác tại một đại sứ quán ở thủ đô Manila của Philippines, nói rằng, chuyến thăm của ông Austin không chỉ mang tính biểu tượng vì Mỹ muốn tái khẳng định với các đồng minh cũ và các đối tác mới trong khu vực rằng, Mỹ cam kết duy trì an ninh, an toàn cho khu vực. “Một trong những lý do Bộ trưởng Austin tới thăm khu vực là để giải thích chi tiết về PDI và hy vọng tạo được sự ủng hộ cho chiến lược an ninh mới này”, nhà ngoại giao nhận định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Philippines, thúc đẩy sáng kiến nhằm vào Trung Quốc? ảnh 1

Máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye của Hải quân Mỹ hạ cánh xuống một căn cứ quân sự ở tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản hồi tháng 2/2017. Ảnh: AP.

Trước khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống hồi đầu năm nay, Lầu Năm Góc đã để mắt tới Trung Quốc, coi nước này là một “thách thức đang gia tăng” ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đề xuất Quốc hội Mỹ phê chuẩn ngân sách quốc phòng lên tới 66 tỷ USD cho năm tài khóa 2022 tính riêng cho khu vực này.

Gần 5 tỷ USD sẽ được chi cho PDI. Sáng kiến này được đưa ra nhằm tăng sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, bằng cách kết hợp giữa tập trận và huấn luyện, thiết lập các kho cung ứng và các vùng triển khai hoạt động khi căng thẳng trên Biển Đông leo thang.

Ông Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ-Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (một vị trí phụ trách nhiều khu vực ở châu Á và các vấn đề liên quan Trung Quốc), muốn lực lượng quân sự Mỹ nhanh nhẹn hơn, cơ động hơn trong khu vực, giảm phụ thuộc vào các căn cứ cố định ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Những căn cứ cố định này rất dễ bị tấn công.

Theo PDI, Mỹ có kế hoạch thành lập một mạng lưới radar để bảo vệ các lực lượng của mình ở đảo Guam và trong khu vực, chi ra 27 tỷ USD trong 5 năm tới. Ngoài ra, Mỹ có kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung ở nhiều nơi thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để có thể bắn trúng các mục tiêu trong chuỗi đảo thứ nhất (chuỗi đảo đầu tiên tính từ bờ biển lục địa Đông Á).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Philippines, thúc đẩy sáng kiến nhằm vào Trung Quốc? ảnh 2

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ấn Độ hồi tháng 3. Ảnh: ANI.

Vai trò của Philippines

Nhà ngoại giao châu Á thứ ba nói rằng, Philippines đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch răn đe của Mỹ vì Philippines là một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực. “Nhiều thập kỷ qua, Mỹ và Philippines đã cùng nhau huấn luyện và tập trận. Điều này sẽ tăng khả năng tương tác giữa hai lực lượng vũ trang trong trường hợp có bất kỳ biến cố nào xảy ra trong khu vực”, nhà ngoại giao này nói.

Philippines đang trông chờ ông Austin, từng là Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định các lực lượng thăm viếng (VFA) trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr.

Hồi tháng 2/2020, Philippines gửi thông báo cho Mỹ về việc chấm dứt VFA, nhưng sau đó Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có ba lần đình chỉ việc chấm dứt hiệp định này, gia hạn tới tháng 2 năm sau.

Philippines cũng có Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) với Mỹ, cho phép các lực lượng của Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines, nơi họ có thể lưu trữ vật tư, thiết bị. Trong số 5 căn cứ này, có 4 căn cứ dành cho máy bay chiến đấu và các loại máy bay khác, bao gồm máy bay tuần thám dùng để tuần tra trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Philippines, thúc đẩy sáng kiến nhằm vào Trung Quốc? ảnh 3

Một lính thủy đánh bộ Philippines vừa luyện tập trượt dây từ máy bay cánh xoay MV-22B Osprey xuống đất ở sân bay quân sự Basa của Philippines. Ảnh: US Marine Corps.

Bộ trưởng Austin cũng được dự đoán là sẽ trao đổi quan điểm về hiện trạng và triển vọng an ninh khu vực, tập trung vào vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng trên Biển Đông, bạo lực ở Myanmar và các vấn đề quân sự phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, thảm họa, ngoại giao vắc-xin COVID-19…

“Với Philippines, sẽ có thảo luận về việc Mỹ ủng hộ chương trình hiện đại hóa quân đội Philippines”, một trong ba nhà ngoại giao châu Á nói. Theo nhà ngoại giao này, trung bình mỗi năm, Mỹ cung cấp cho Philippines 50-60 triệu USD để hiện đại hóa quân đội. Kể từ năm 2015, Mỹ đã chuyển giao cho Philipines máy bay, tàu thuyền, xe bọc thép, vũ khí nhỏ và các thiết bị quân sự khác tổng trị giá 37 tỷ peso (728,6 triệu USD).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Philippines, thúc đẩy sáng kiến nhằm vào Trung Quốc? ảnh 4

Tướng lục quân Lloyd Austin (hàng đầu, bên trái) tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới thăm thủ đô Baghdad của Iraq hồi tháng 12/2011. Ảnh: Boston Globe.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Blinken chưa tới thăm khu vực Đông Nam Á, nhưng ngày 14/7 đã có cuộc gặp trực tuyến với các ngoại trưởng 10 nước ASEAN, bàn về tình hình Myanmar, vấn đề Biển Đông…

MỚI - NÓNG