Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN họp giữa lúc Biển Đông đang nóng

0:00 / 0:00
0:00
Các tàu Trung Quốc hiện diện trái phép ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Các tàu Trung Quốc hiện diện trái phép ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
TPO - Hôm nay, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN có cuộc họp trực tuyến nhằm thảo luận về vấn đề an ninh khu vực. Căng thẳng ở Biển Đông và những động thái gần đây của Trung Quốc dự kiến sẽ là những vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự.

Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN sẽ có cuộc họp mới rộng với các đối tác chính, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong ngày mai. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang băng giá, sự kiện này là dịp để hai siêu cường và các đối tác khác thảo luận về những vấn đề địa chính trị.

Nước chủ tịch Brunei ra thông báo ngắn về hai cuộc họp trên trang web của Bộ quốc phòng, trong đó không nói cụ thể về những chủ đề sẽ được bàn tới hay đại diện của mỗi quốc gia dự diễn đàn.

Hội nghị hôm nay có thể nói về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong hội nghị đặc biệt của các ngoại trưởng tuần trước, ASEAN và Trung Quốc đồng ý sẽ nối lại đàm phán về COC, sau thời gian phải hoãn lại vì đại dịch COVID-19.

Biển Đông luôn là vấn đề quan trọng trong các hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN trước đây.

Sau hội nghị vào tháng 12 năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng của 10 nước thành viên ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy “an ninh trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông”.

Tuyên bố cũng kêu gọi “tự kiềm chế hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”, nhưng không đề cập quốc gia cụ thể nào.

Nhưng căng thẳng tiếp tục gia tăng trong những tuần gần đây. Đầu tháng này, Malaysia điều máy bay quân sự ra xua đuổi 16 máy bay chiến đấu của Trung Quốc bị buộc vi phạm không phận của Malaysia. Philippines liên tục phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc.

Hôm qua, Philippines cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte một lần nữa dừng thực hiện kế hoạch huỷ bỏ Thoả thuận các lực lượng viếng thăm với Mỹ.

Đây được đánh giá là một giai đoạn thách thức với ASEAN. Nhiều thành viên của khối vẫn đang chật vật đối phó với đại dịch. Indonesia, Malaysia và Philippines tiếp tục báo cáo hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi việc tiêm vắc-xin diễn ra chậm.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang chịu áp lực phải xử lý cuộc khủng hoảng bạo lực ở Myanmar sau đảo chính.

Trong khi tiếp tục các hành động hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục lấy lòng các nước ASEAN bằng lời hứa cung cấp vắc-xin.

Theo Nikkei Asia
MỚI - NÓNG