Bỏ thai vì Rubella

Bỏ thai vì Rubella
Từ đầu năm 2011 đến nay, Rubella bùng phát mạnh khiến không ít sản phụ nhiễm bệnh, bị chỉ định phải bỏ thai.

Bỏ thai vì Rubella

> Vì sao tiêm vaccine vẫn mắc bệnh?
> Rubella tấn công thai phụ
> Thai nhi có ảnh hưởng khi mẹ tiêm vắc-xin Rubella?

Từ đầu năm 2011 đến nay, Rubella bùng phát mạnh khiến không ít sản phụ nhiễm bệnh, bị chỉ định phải bỏ thai.

Chị Mai Thị Hằng (27 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) phải bỏ thai ở tuần thứ 21 vì kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bị dị tật thông liên thất bẩm sinh. Chị Hằng có tiền sử nhiễm Rubella từ tuần thai thứ 17. Ảnh: N.Hà
Chị Mai Thị Hằng (27 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) phải bỏ thai ở tuần thứ 21 vì kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bị dị tật thông liên thất bẩm sinh. Chị Hằng có tiền sử nhiễm Rubella từ tuần thai thứ 17.
Ảnh: N.Hà.

Chị Trần Vân A. (30 tuổi, ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội) mang thai tuần thứ tám đột nhiên sốt nhẹ rồi mọc ban đỏ khắp người. Ban đầu vợ chồng chị không quá lo lắng vì thấy ban mọc rồi lặn rất nhanh mà không để lại vết thâm tím trên da.

Nhiều dị tật

Xét nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản trung ương mới đây cho thấy chị A. đã nhiễm Rubella. Chị được khuyến cáo nên đình chỉ thai nghén, tránh nguy cơ dị tật cho đứa trẻ sắp ra đời. Đáng buồn, vợ chồng chị A. bị hiếm muộn, đây là lần thụ tinh ống nghiệm thành công đầu tiên sau hai lần trước thất bại.

TS Trần Danh Cường - trưởng khoa sản bệnh lý, phó giám đốc trung tâm chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương - cho hay nhiều ngày qua, bệnh viện liên tục phải đưa ra những chỉ định đau lòng đối với sản phụ nhiễm Rubella khi số bệnh nhân tăng đột biến. Ba tháng trở lại đây, trong buổi hội chẩn mỗi tuần đều có 100-150 thai phụ được chẩn đoán nhiễm Rubella.

“Phân nửa trường hợp phải đình chỉ thai ngay do nhiễm bệnh trong vòng 12 tuần đầu tiên, quá nguy hiểm cho thai nhi. Các trường hợp còn lại tiếp tục được bác sĩ theo dõi suốt thai kỳ, kết quả chẩn đoán sau đó không khả quan cũng sẽ được khuyến cáo nên bỏ thai” - TS Cường cho biết.

Rubella là loại virut có khả năng lây truyền rất cao qua nhau thai, gây dị tật nặng nề cho em bé nếu người mẹ không may nhiễm bệnh, nhất là trong ba tháng đầu thai kỳ. Hội chứng Rubella bẩm sinh biểu hiện chủ yếu ở ba cơ quan đích: ở mắt, gây đục thủy tinh thể, nhãn cầu nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh; ở tim, gây ra các bất thường như thông liên thất, hẹp van tim; ở tai, gây tổn thương cơ quan nghe, là nguyên nhân gây câm điếc cho trẻ.

Người mẹ nhiễm Rubella ngay trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ thì nguy cơ virut nhiễm sang con lên đến 90%. Sau 18 tuần, các cơ quan đã hình thành, nguy cơ truyền bệnh rất thấp, nhưng thai phụ vẫn được theo dõi chặt, tìm dấu hiệu có thể gây bệnh.

Khám ngay khi bị sốt phát ban

Hiện tại hệ thống sản khoa nước ta chưa có khả năng chẩn đoán trước sinh chính xác em bé sinh ra có bị nhiễm trùng Rubella hay không. Việc chẩn đoán nguy cơ chủ yếu dựa vào thời điểm người mẹ nhiễm bệnh ở tuần thai thứ bao nhiêu. TS Cường cho hay siêu âm có thể phát hiện được dị tật tim, đục thủy tinh thể..., nhưng đều rất muộn.

Các biến chứng khác như tăng nhãn áp bẩm sinh, tổn thương tai lại không chẩn đoán được. Do đó, không thể chờ bác sĩ kết luận chắc chắn con có dị tật hay không rồi mới đình chỉ, mà căn cứ vào tuổi thai khi người mẹ nhiễm bệnh để có chỉ định hợp lý.

Tại trung tâm chẩn đoán trước sinh, tất cả trường hợp nhiễm Rubella trong 12 tuần mang thai đầu tiên đều được chỉ định đình chỉ thai.

“Trước đây mẹ nhiễm bệnh khi thai dưới 18 tuần sẽ đình chỉ thai ngay, nhưng hiện có nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại, nên nếu người mẹ mắc bệnh ở tuần thai từ 12-18 sẽ được thử phản ứng huyết thanh, siêu âm, tư vấn rất kỹ trước khi quyết định” - TS Cường cho biết.

Theo TS Lê Anh Tuấn - giám đốc trung tâm chẩn đoán trước sinh, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, số lượng phụ nữ mang thai sốt phát ban nghi ngờ nhiễm Rubella buộc phải chẩn đoán Elisa xác định kháng thể của virut trong máu quá nhiều nên bệnh viện thường xuyên... khan hiếm kit xét nghiệm! Đau lòng hơn, năm nay tại bệnh viện này đã có trên 10 trường hợp trẻ sinh ra mang hội chứng của bệnh Rubella do thai phụ không được sàng lọc, chẩn đoán kỹ trong thai kỳ.

“Phải khẳng định năm nay Rubella bùng phát rất mạnh, thai phụ cần thăm khám khi bị sốt phát ban để có chỉ định, khuyến cáo kịp thời từ bác sĩ. Hơn 10 trường hợp sinh con mang dị tật do mẹ nhiễm Rubella đều do chủ quan, thai phụ xem nhẹ biểu hiện sốt phát ban, thấy ban bay nhanh nên tưởng bệnh nhẹ. Nhìn những đứa trẻ bị câm điếc, bệnh tim bẩm sinh, hỏng mắt chào đời mà chúng tôi không kìm lòng được” - TS Tuấn ái ngại.

Nhiều thai phụ sốt phát ban, xét nghiệm huyết thanh âm tính với Rubella, an tâm mình miễn nhiễm với bệnh. Song thực tế, khi có nghi ngờ nhiễm Rubella, thai phụ vẫn phải tiếp tục được xét nghiệm 2-3 tuần/ lần cho đến tuần thứ 20-22 mới có thể khẳng định chắc chắn thai phụ có mắc bệnh và trở thành nguồn truyền bệnh cho thai nhi hay không.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin phòng Rubella. Hiện nay tại các trung tâm y tế dự phòng, mũi tiêm phòng tổng hợp Rubella - sởi - quai bị có giá 120.000-150.000 đồng.

Theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Phụ sản trung ương, trong nước cũng bắt đầu xuất hiện loại văcxin đặc hiệu phòng riêng bệnh Rubella, phù hợp cho việc dự phòng ở phụ nữ chuẩn bị mang thai.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo việc tiêm phòng ít nhất phải được thực hiện trước khi có kế hoạch mang thai khoảng ba tháng. “Rubella lây truyền qua đường hô hấp, cộng hưởng sự phát tán trong điều kiện độ ẩm cao của mùa xuân - hè khiến bệnh tăng mạnh.

Phụ nữ có thai nên chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang y tế (không phải khẩu trang chống bụi thông thường) khi đến chỗ đông người” - TS Cường nói.

Theo Ngọc Hà
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG