Theo Bộ Tài chính, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và trong nước. Để ngăn chặn dịch bệnh, giải pháp được xem hiệu quả là tiêm vắc xin, Việt Nam cũng có các chính sách về sử dụng ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác để mua vắc xin.
Bộ Tài chính dẫn tính toán của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng.
Ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng. Khi dịch bệnh kéo dài, nhu cầu tiêm vắc xin hàng năm tăng cao, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch toàn dân.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 là rất cần thiết, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác để mua vắc xin. Qua đó đẩy nhanh việc mua, nhập khẩu và tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và sẽ chịu sự thanh kiểm tra theo quy định.
Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội; công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp; nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có)…