Bổ nhiệm cán bộ: Cần quy trách nhiệm người tiến cử

TP - Từ vụ việc của ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và ông Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bị bắt chỉ sau 1-2 năm đảm nhiệm chức vụ, câu chuyện về việc bổ nhiệm cán bộ một lần nữa được đặt ra. Để khắc phục được những kẽ hở, nhiều người cho rằng, cần quy trách nhiệm đối với chính người tiến cử...

Không phải giới thiệu xong là thôi

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Sơn thì quy trình tương đối chặt chẽ. Ban cán sự Đảng các đơn vị có liên quan như Tập đoàn Dầu khí, Bộ Công Thương đều có ý kiến, thăm dò, bỏ phiếu, đề xuất…

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, khi bổ nhiệm thì những sai phạm xảy ra ở OceanBank chưa phát hiện ra, nên không thể “treo” việc bổ nhiệm của người ta được. Còn nếu có “án” rồi mà vẫn cố tình bổ nhiệm thì lúc đó mới bị coi là có khuyết điểm. “Bây giờ phát hiện thì sai thế nào, xử thế đó, chứ lại bảo sao bổ nhiệm cán bộ như thế, bổ nhiệm chưa đầy một năm đã bị bắt thì khó lắm. Đâu phải lúc nào chúng ta cũng có thể biết hết”, ông Phúc nói và cho rằng, trường hợp của ông Sơn khác hẳn với trường hợp của Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Bổ nhiệm cán bộ: Cần quy trách nhiệm người tiến cử ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Sơn.

Dù vậy, ông Phúc vẫn cho rằng, đây cũng là bài học để nhìn nhận, rút kinh nghiệm. Trong đó, phải đề cao trách nhiệm của người quản lý, cũng như cơ quan quản lý sao cho sâu sát. “Làm nhân sự phải như Luật Hồng Đức ngày xưa. Người giới thiệu, người đề cử đều bị liên đới, chịu trách nhiệm. Như thế để thấy rằng, không chỉ tiến cử, giới thiệu là xong mà người tiến cử còn phải có trách nhiệm theo dõi người ta. Đấy là kinh nghiệm của cha ông ta rất đáng để suy ngẫm, chứ cứ giơ tay tập thể thì hơi khó”, ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, trong việc đề cử, bổ nhiệm cán bộ thì các quan hệ, chế định phải ràng buộc để làm sao vừa giúp họ thể hiện được năng lực, trình độ, nhưng cũng là kiểm soát được họ. Nếu có biểu hiện vi phạm thì lập tức người đề cử, cơ quan đề cử, cơ quan làm nhân sự sẽ góp ý ngay để người đó chấn chỉnh, không mắc phải lỗi lầm. Đấy mới là cái quan trọng nhất mà chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm.

Nên tổ chức tranh cử?

Cùng đề cập đến vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay qua rất nhiều khâu, tiêu chuẩn đề ra cũng khá toàn diện chứ không hề đơn giản. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tại sao cả ông Dương Chí Dũng lẫn ông Nguyễn Xuân Sơn đều được bổ nhiệm vào những chức vụ cao như vậy nhưng chỉ giữ được chức vụ một, hai năm đã phát hiện ra vấn đề và bị bắt giam? Đó là kẽ hở trong công tác cán bộ của ta hiện nay.

“Làm nhân sự phải như Luật Hồng Đức ngày xưa. Người giới thiệu, người đề cử đều bị liên đới, chịu trách nhiệm. Như thế để thấy rằng, không chỉ tiến cử, giới thiệu là xong mà người tiến cử còn phải có trách nhiệm theo dõi người ta. Chứ cứ giơ tay tập thể thì hơi khó”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc  

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để bổ nhiệm cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, điều quan trọng nhất phải đánh giá được thực chất của cán bộ. Muốn làm được như vậy phải phối hợp cả ý kiến của tổ chức Đảng với ý kiến quần chúng. “Làm sao phải phát huy được dân chủ mới có thể lựa chọn được, vì quần chúng có thể đánh giá được chính xác ông nào có năng lực, ông nào không, ông nào có vấn đề, ông nào không có... Do vậy cần coi trọng việc thăm dò tín nhiệm, thậm chí nên tổ chức tranh cử, bầu chọn, chứ không nên coi lấy phiếu tín nhiệm là hình thức, cốt để hợp lý hóa ý định của cấp có thẩm quyền”, GS Thuyết nói.

Bên cạnh đó, theo GS Thuyết, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của người tiến cử. “Theo quy định hiện nay, người tiến cử không phải chịu trách nhiệm gì, nhưng tôi cho rằng cần quy định người tiến cử phải chịu trách nhiệm về người được tiến cử, như thế người ta mới thận trọng hơn trong việc đề bạt”. Ngoài ra, cần phải có quá trình sàng lọc; nếu thấy người giữ chức vụ làm không được việc hoặc “có vấn đề” thì phải thay ngay chứ không nên để đến sát nút mới thay.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.