Tác giả của những truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, kịch bản phim truyện, tản văn… Cái người viết luôn làm mới mình vừa mới trình làng cuốn sách tái bản. Cuốn dư địa chí có tên Ba Đồn mạn thuật (BĐMT).
Cuốn Ba Đồn mạn thuật. |
Người đọc đã quá quen với một phong thái một cung cách độc đáo Nguyễn Quang Lập. Biết rồi nhưng cũng phải nhắc lại, những năm vệ quốc gian nan, những người lính vào chiến trường qua vùng Khu Bốn, qua đất Quảng Bình đã thêu dệt, đã sáng tạo nên hình tượng Bọ!
Bọ, một người cha, người bố, một ông bác tầm tuổi năm, sáu mươi chất phác thật thà cả tin nhưng không kém phần ương ngạnh, ma mãnh và láu lỉnh. Thế rồi chả biết tự khi nào, bạn đọc Nguyễn Quang Lập đã liên tưởng, đã đánh đồng Nguyễn Quang Lập với một ông Bọ Quảng Bình với tính cách phong phú ấy. Và rồi cái tên Bọ Lập đã “ bắt chết” như thế…
Bất ngờ là Bọ Lập trưng ra thứ đồ chơi mới tinh mới toanh ở độ tuổi thất tuần! Một cuốn Dư địa chí!
Khai sách Ba Đồn mạn thuật (BĐMT), Bọ thành thực như này:
“Từ khi sang tuổi 60, tôi luôn đau đáu về một cuốn dư địa chí về đất Phan Long - Ba Đồn. Địa là đất, chí là sự ghi chép. Địa chí là loại sách ghi chép tất cả những gì xảy ra ở một vùng đất, tất tần tật từ những sự kiện lớn lao đến con tôm con cá không sót một thứ gì. Một cuốn sách như thế rất cần cho các thế hệ trẻ và con cháu đời sau một khi họ muốn biết quê cha đất tổ ra sao, tổ tiên ông bà đã sống như thế nào”.
Dư địa chí! Những năm lạ lẫm dò dẫm rồi hấp dẫn cuốn hút với thể loại này nhờ cái công dạy dỗ bày vẽ của các thày GS Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương… những chuyên gia về văn học cổ, tôi được tiếp cận với những cuốn Dư địa chí. Như Phương Đình dư địa chí là một trong 5 bộ sách của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu - một trong những bậc học giả danh tiếng của Bắc Hà, thời nhà Nguyễn. Tác phẩm này có thể coi là loại sách quý về tư liệu địa chí nước Việt Nam và cũng là tinh hoa trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Rồi những tập dày cộp Phủ biên tạp lục (PBTL) của cụ Lê Quý Đôn. Phủ biên là phủ dụ trấn an vùng biên thùy hay là chính sách trấn an vùng biên giới. Tạp lục là ghi chép những sự kiện đã xảy ra cùng những phương sách đối xử giải quyết trong thời gian ấy. Hoàn cảnh ra đời PBTL là do cụ Lê Quý Đôn vâng mệnh vua chúa đi trấn nhậm hai đạo Thuận Hóa và Quảng Nam. Lúc bấy giờ cương giới Việt giáp Chiêm Thành ở xứ ấy.
“Nay tôi xin chiếu theo việc họ Nguyễn đã chiếm cứ và phân - thiết hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam như thế nào. Đã đặt danh hiệu các phủ huyện, tổng xã thôn phường giáp ấp châu thuộc hai xứ ấy như thế nào tôi xin ghi chép đầy đủ, cụ thể. (PBTL - dẫn theo Quyển nhất trang 135. Bản dịch của Lê Xuân Giáo - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1972).
Bọ Lập có lẽ đã quá rành phép tắc của việc cấu thành một dư địa chí? Vùng đất Bắc Quảng Bình quê Bọ có tên là Phan Long (bay lên cùng rồng?) có xuất xứ từ cái tên Tam Hiệp, rồi Ba Đồn từng là lỵ sở của châu Bắc Bố Chính từ năm 1672. Cái tên Ba Đồn tồn tại đến đầu thế kỷ XX. Từ vua đến dân đều gọi là Ba Đồn và mặc nhiên coi sở lỵ phủ Quảng Trạch là thị trấn Ba Đồn. Rồi năm 1946 chính quyền bỏ phủ Quảng Trạch đổi huyện Bình Chính và Minh Chính (tức Tuyên Chính) thành Quảng Trạch.
Thử lần giở, coi xét cái lớp lang công phu tỷ mẩn, khoa học của Bọ Lập khi dựng BĐMT.
Cũng na ná cái “khung” như tiền nhân, những Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, những Lê Quý Đôn… khi dựng dư địa chí. BĐMT cũng có Phan Long ngũ chí. Đó là năm loại biên chép về đất Phan Long - Ba Đồn.
Thiên chí (khung cảnh, cầu cống, xóm làng khí hậu cùng các thứ gió…), Thủy chí (sản vật sông ngòi, ao hồ, bãi bến, lũ lụt…), Địa chí (các loại đồng đất, cồn bãi…), Thị chí (chợ Phan Long, chợ Ba Đồn, phố chợ), Nhân chí (người Phan Long Ba Đồn. Hình dáng tính cách, các dòng họ, miếu mạo đình đền…).
Lại có hẳn phần thiết chế dưới triều Nguyễn từ cấp tỉnh, cấp phủ, cấp huyện đến Tổng làng xã có ảnh hưởng dính dáng đến Phan Long Ba Đồn ra sao. Rồi phong trào Cần vương, cùng sự kiện Phan Bội Châu ba lần về Ba Đồn và Ba Đồn trong nạn đói Năm Ất Dậu 1945. Tất nhiên không thể thiếu Phan Long Ba Đồn trong thời kỳ giành chính quyền năm 1945. Rồi thời bình từ năm 1954-1964, thời chiến tranh 1964-1973...
Một Bọ Lập, người viết Nguyễn Quang Lập tài hoa, tác giả những tiểu thuyết truyện ngắn những vở kịch, kịch bản phim truyện và từng có hẳn một cuốn Để trở thành nhà biên kịch phim truyện. Nghe phong thanh để dựng, để hoàn thành BĐMT đâu như có 5 thành viên viết lách cũng thuộc hạng tay tổ định sẽ cùng xúm tay dựng sách. Nhưng một sự cố xảy ra. Cuối cùng trơ khấc còn mỗi Bọ! Đến nước này hình như đã phát lộ một phù thủy Nguyễn Quang Lập, tổng đạo diễn tập hợp đội hình âm binh để tạo lập tập đại thành Dư địa chí Ba Đồn Mạn thuật!
“Tất tần tật”? Thành thực bộc bạch như thế khi dựng BĐMT nhưng bột nào để gột nên hồ đây? Một nồi lẩu, một thứ tạp pí lù về Ba Đồn chăng?
Nguyễn Quang Lập đã vượt thoát những dằng dặc kê biên trong sách sử, chính sử cũng như tài liệu đã có và nhất thiết khi làm dư địa chí bắt buộc phải dẫn, trích. Chất sáng tạo đã làm cho những trang của chương, mục “chí” trở nên sinh sắc khi Bọ Lập tạo nên trên cái “giao diện” ấy những khung, những box, những trích dẫn với các “co” chữ màu sắc khác nhau. Cả những đoạn thơ minh họa thích hợp. Lại kèm theo cả hình vẽ, tranh ảnh… Những toát yếu sinh sắc ấy không thể tìm thấy trong dư địa chí của tiền nhân!
Tôi để ý đến chữ MẠN (chữ Hán, có bộ chấm thủy) mà Bọ Lập đã trưng ra ở bìa sách. MẠN này có hơn chục cách viết và ngữ nghĩa khác nhau. Mạn đây với nghĩa mặc tình, lan man buông tuồng, tản mạn… Mạn này quá hạp với tiêu chí mục đích của BĐMT như Bọ từng quảng cáo là “tất tần tật từ những sự kiện lớn lao đến con tôm con cá không sót một thứ gì”.
Nhưng vô sách, không có nghĩa là kê biên ôm đồm. PBTL của Lê Quý Đôn giá trị với những chương biên chép về sản vật bắt mắt người coi bởi sự liệt kê phong phú. Nhớ thêm, nhà bác học này trong những chuyến đi sứ Trung Quốc đã cất công tỷ mẩn sục vào nhiều thư khố ở Bắc Kinh. Ông dụng công khi tra cứu thưởng lãm cung cách phương pháp viết dư địa chí của nhiều học giả Trung Hoa.
Bút lực Bọ Lập từng tạo nên sức hút qua nhiều thể loại sáng tác, nay lại có dịp phát tác thứ ma lực ấy trong BĐMT. Những là Bọ Lập kể, Bọ Lập viết, Bọ đặt hàng cho nhiều tác giả na ná cái “gu” của mình. BĐMT sinh sắc hấp dẫn với chuyện về cá mè kè, tôm đất, cua, hàu, cá ngạnh, con chắt chắt, con rạm bè… Rồi những lươn, cá rô, cá thia thia, những giống cò những quạ. Và chao ôi, còn cơ man nào là những rượu Ba Đồn, thịt chó Cu Loe, cháo bánh canh, lòng bò Ba Đồn… Một thổ ngơi một vùng đất Ba Đồn cảnh sắc, phong tục tập quán sản vật sinh sắc phong phú, đa chiều đa dạng.
Bọ Lập đã khôn khéo đưa vô BĐMT một liều lượng vừa phải phần văn nghệ văn chương chuyên và không chuyên. Ba Đồn ký sự là những bài viết về người và đất Phan Long - Ba Đồn do người Ba Đồn, những cây viết Ba Đồn (trong đó có anh em Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Quang Lập), như Danh thần dưới thời Minh Mạng; Nhà giáo nhà viết kịch Phan Xuân Hải; Nguyễn Quang Mỹ, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam; Ba Đồn xưa có một Đoàn văn công; Người nấu cơm cho Bác Hồ; Cháo canh Ba Đồn; Ba Đồn có thày Thông Dư; Đi chợ bò; Một mình làm cả cái đình vv…
Nhà văn Nguyễn Quang Lập. |
Dựng nên một dư địa chí sinh động, phong phú thì người dựng phải có cái tài phóng sự! Tôi ngờ rằng phóng sự là thể loại rất gần với mạn thuật hoặc tạp lục? Chợt nhớ cụ Nguyễn Tuân từng bộc bạch rằng làm sao để viết ký cho nó hay và không nhạt. Cụ chả giấu rằng phải có vốn văn hóa, có kiến thức. Kiến thức lịch sử, thiên nhiên, địa lý. Người viết có nhiều dụng cụ thì đồ chế tạo nhất định phải tinh xảo hơn. Không có tài không viết ký được.
Lần tái bản BĐMT này hình như có chỉnh lại chút ít những địa danh, số liệu gì đó cho chuẩn. Và Bọ đã gia tăng cái phần ngôn ngữ (ngữ âm) hội chợ, hội làng cùng phong phú thêm vốn liếng sản vật ẩm thực sống động của xứ Ba Đồn.
Cách viết, cách thể hiện ấy như đương vượt thoát những giá trị dinh dưỡng sản vật xứ Ba Đồn “miếng ăn quá khẩu thành tàn” mà chấp chới thăng hoa chạm đến một tầng nấc văn hóa? Mà nó có sức lây lan đồng cảm với bao người vốn thường trực lòng sốt mến với quê kiểngViệt?
Và như đang thấp thoáng, ẩn hiện đâu đây cái cười tinh quái của lão phù thủy vừa dựng nên BĐMT. Với cả cách viết hư hư thực thực ma mị của Bọ Lập thời tiểu thuyết, kịch cùng tản văn.
Thiển nghĩ, vượt thoát khỏi những biên chép thống kê về lịch sử địa phương và vô số những dư địa chí dày rịt con số sự kiện để thăng hoa thành thứ như BĐMT của Bọ Lập cũng là ước mong của những người viết may mắn có một vùng đất nào đó để đi về?
Vậy mà rồi cũng xong 6 trăm rưỡi trang của BĐMT. Hơi nhọc. Nhưng cũng đáng đọc.