'Bịt mắt' chống dịch

Nhiều địa phương còn chủ quan, để lợn vứt ra kênh, nhương: Bình Phương
Nhiều địa phương còn chủ quan, để lợn vứt ra kênh, nhương: Bình Phương
TP - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Thú y công khai, minh bạch thông tin về dịch tả lợn châu Phi (ASF). Hiện nhiều địa phương gặp khó về quỹ đất, thiếu người… để chôn lợn chết, lợn bệnh trong khi dịch ASF nguy cơ tiếp tục lây lan rất mạnh.

Sẽ “nắn” Cục Thú y

Là địa phương có tổng đàn lợn 1,9 triệu con, đứng thứ 2 cả nước về số đầu lợn, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay số lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi (ASF) chiếm khoảng 7% tổng đàn.

Liên quan vấn đề “không được cung cấp thông tin” về dịch bệnh, ông Đăng cho rằng, với mức độ dịch lây lan như hiện nay, nếu không có thông tin dịch bệnh, việc quản lý sẽ vô cùng vất vả, bởi ngay ở Hà Nội chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu. “Thông tin không minh bạch là một trong những nguyên nhân làm cho quản lý khó khăn, từ đó việc ngăn chặn dịch không kịp thời”- ông Đăng nói.

Ông Đăng cho biết, đã đề nghị Cục Thú y công bố thông tin dịch bệnh kịp thời. “Nếu đưa lên mạng sợ dân hoang mang thì phải gửi thông tin cho các tỉnh thành, nhưng bản thân tôi cũng chưa nhận được thông tin từ Cục Thú y”- ông Đăng nói. Ông Đăng yêu cầu Chi cục Thú y Hà Nội hằng ngày phải trao đổi với chi cục thú y các tỉnh để nắm bắt, xem tình hình dịch các tỉnh ra sao, có tái phát không, việc tiêu hủy thế nào, tiêu thụ ra sao, cách phòng chống dịch thế nào. “Có tỉnh bị dịch nhiều, nhưng lợn được đưa đến địa phương khác tiêu thụ, thậm chí có cả lợn bệnh và nếu số đó được đưa về Hà Nội giết mổ, bán ra thị trường mà không nắm được thì rất đáng lo ngại”, ông Đăng nói.

“Vì sao Cục Thú y lại không công bố thông tin dịch bệnh trên website của Cục?”, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Từ khi còn Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, chưa có Luật Thú y, thông tin được cập nhật. Còn hiện nay, chúng ta phải làm theo luật, cũng như thông lệ quốc tế…chứ không phải giấu”- ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, các thông tin dịch bệnh sẽ có báo cáo các cơ quan chức năng, Tổ chức Thú y thế giới (OIE)…vào các cuộc họp, chứ không đưa hằng ngày, vì liên quan đến tình hình dịch, xuất khẩu...

Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, trong quá trình chống dịch, Bộ hết sức công khai, minh bạch đã công bố đến từng điểm, từng xã có dịch.
Còn vì sao Cục Thú y “chây ỳ” cung cấp thông tin về dịch bệnh, gây khó cho địa phương, người dân nắm bắt, ông Tiến cho biết: “Việc Cục Thú y còn chậm công bố, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo phải công khai, minh bạch, thông tin kịp thời. Đây là một trong những kênh, cùng với cơ quan báo thông tin kịp thời về tình hình dịch”.

Lo thiếu đất, thiếu người chôn lợn bệnh

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, một trong những vấn đề “đau đầu” của Hà Nội là lợn chết…không có chỗ chôn. “Nếu số lợn chết nhiều rơi vào vùng trũng như Phú Xuyên, Ưng Hòa thì rất căng thẳng vì không có đất chôn. Chôn cũng phải đảm bảo kỹ thuật vì liên quan đến nguồn nước”- ông Đăng nói.

Theo ông Đăng, Hà Nội đã tính đến kịch bản xấu, nếu lợn chết xảy ra ở các trang trại lớn và trang trại có đất rộng sẽ chôn tại chỗ, còn không sẽ chôn ở phần đất dịch vụ của xã, phường. Thậm chí có phương án đưa đến các nghĩa trang…

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, với các tỉnh bị dịch hàng loạt, đặc biệt là rơi vào các gia trại, trang trại cần phải có lực lượng quân đội tham gia. “Có những trang trại có tới 4.000-5.000 con, mỗi con nặng khoảng 1 tạ thì không thể chôn hết ngay được, phải mất mấy ngày…Với trường hợp như vậy, phải có lực lượng quân đội tham gia, chứ không rất khó”- ông Đăng nói.

Tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dù tổng đàn lợn đứng thứ 3 cả nước, dịch xuất hiện sớm, nhưng đến nay số lượng tiêu hủy chỉ hơn 5.400 con.
Theo ông Quyền, kinh nghiệm của Thanh Hóa là chống dịch như chống giặc, không chần chừ. “Chúng tôi tổ chức giám sát hàng ngày, cứ phát hiện có lợn chết là tổ chức tiêu hủy ngay và lập biên bản kiểm kê theo quy định”- ông Quyền nói.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tới đây sẽ có lực lượng công an, quân đội tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh để đảm bảo xử lý kịp thời. Về quỹ đất chôn lợn bệnh gặp khó ở các địa phương như Hưng Yên, Hà Nội… ông Tiến cho rằng: “Việc này, địa phương phải có bước chủ động, có phương án tùy cấp độ để xử lý. Việc chôn xác lợn như tổ chức FAO khuyến cáo là sâu 3-4 mét, có vôi bột, hóa chất, vừa xử lý mầm bệnh cũng như môi trường, kể cả chủ động về hỗ trợ tiền, lực lượng chôn lấp”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay dịch đã xuất hiện trên 29 tỉnh thành, tuy số tỉnh không tăng, nhưng số lượng đàn lợn bị dịch lại tăng. Việc lập nhiều chốt kiểm dịch ở các địa phương nhưng không kiểm soát được dịch, có nơi chỉ làm hình thức, tốn người, tốn hóa chất, không hiệu quả.

MỚI - NÓNG