Một trận đánh lớn sắp diễn ra. Không khí “chiến trường” cực kỳ căng thẳng, khẩn trương. Hàng chục xe tăng nổ máy sẵn sàng, theo sau là xe bọc thép vũ trang. Các xạ thủ pháo tự hành, giàn phóng pháo, đại bác, súng cối các loại… sẵn sàng nhả đạn vào vị trí của địch. Bộ binh bố trí theo đội hình lăm lăm súng AK trong tay chỉ chờ đột phá khẩu mở toang là xông lên. Giờ G sắp điểm. Tại sở chỉ huy, các sĩ quan chỉ huy chiến dịch chăm chú thảo luận trước bản đồ tác chiến. Lệnh liên tục được ban ra…
“Không quân tới rồi” - ai đó từ sở chỉ huy kêu to. Từ xa, hai chấm đen xuất hiện, lớn dần, mắt thường khó nhận ra trong bầu trời đầy nắng, tiệm cận chiến trường rất nhanh. Đó là hai chiếc tiêm kích đa năng Su 30MK2 màu xanh cô ban hiện đại nhất của không quân nhân dân Việt Nam từ trên cao lao vút xuống với tốc độ cực nhanh, mỗi chiếc phóng 2 chùm bom rồi vọt lên. Từ xa có thể rõ tại mục tiêu đã bị đánh trúng, đất đá cùng khói trắng bắn tung cao hàng chục mét . Gần như lập tức, một biên đội hai chiếc tiêm kích bom “cánh cụp cánh xòe” Su 22M4 lao tới bổ nhào ném 2 quả bom vào mục tiêu. Ngay sau đó trên không xuất hiện biên đội 2 chiếc trực thăng Mi 8 phóng chùm rocket vào trận địa và 2 chiếc trực thăng UH 1 nã đại liên minigun xuống vị trí quân thù đang co cụm.
Khi vừa dứt loạt tên lửa, các loại pháo mặt đất, xe tăng đồng loạt khai hỏa, bộ binh bắt đầu lên khỏi chiến hào, xông lên chiếm lĩnh đột phá khẩu vừa mở…
Đó là không khí buổi diễn tập thực binh, sử dụng vũ khí phối hợp quân binh chủng hợp thành tại trường bắn TB 3 (Mây Tào, Đồng Nai) của Sư đoàn Không quân 370 tham gia. Những cuộc diễn tập này giúp cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là phi công nâng cao khả năng sử dụng vũ khí, khí tài kỹ thuật hiện đại, tăng khả năng hiệp đồng tác chiến đối với các lực lượng quân đội chủ lực khác trong các trận đánh có thể xảy ra.
Trực thăng Trung đoàn Không quân 917 phối hợp với Quân chủng Hải quân huấn luyện đổ bộ đường không, tiến chiếm mục tiêu
Không chỉ tập trận bắn đạn thật trên bộ, các phi công của Sư đoàn còn tham gia ném bom, phóng tên lửa thông minh, rocket… trên biển phối hợp với Hải quân và các lực lượng khác. Thường những “trận đánh” lớn đòi hỏi sự tham gia của phi công cả ba trung đoàn trực thuộc. Trung đoàn Không quân 935 đóng tại Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) điều phi công tiêm kích Su 30MK2 được ví như “rắn hổ” thuộc thế hệ hiện đại trên thế giới hiện nay. Những chiếc máy bay tiêm kích bom Su 22M4 của Trung đoàn Không quân 937 sẽ bay từ Sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận) tham gia chiến trường. Trực thăng Mi 8, Mi 171 và UH 1 của Trung đoàn Không quân 917 đóng tại Sân bay Tân Sơn Nhất vừa trực tiếp chiến đấu, tải thương, vận chuyển vũ khí đạn dược, chở quân hoặc trinh sát, phát hiện vị trí của địch, báo cho lực lượng mặt đất hoặc phản lực chiến đấu tới ném bom tiêu diệt.
Thử nghiệm vũ khí mới
Đại tá phi công Vũ Văn Kha, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370 cho biết: Đóng quân trên địa bàn phía Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng trời chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình biển đảo, nên cán bộ chiến sĩ sư đoàn tự ý thức tuân thủ kỷ luật, tăng cường luyện tập để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. “Sư đoàn Không quân 370 được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài mới hiện đại, thậm chí được giao thử nghiệm các loại vũ khí tân tiến. Sau quá trình tiếp cận, bảo quản, thử nghiệm, khai thác sử dụng thành thạo sẽ chuyển cho các đơn vị khác trong quân chủng” - ông Vũ Văn Kha chia sẻ.
Đến các Trung đoàn Không quân 935, 937 và 917 vào dịp cuối năm, phóng viên gặp khó khăn đáng kể khi muốn phỏng vấn sĩ quan chỉ huy. Không khí vừa dễ gặp nhất là ra thao trường, có thể gặp toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn, các phi công và anh em kỹ thuật. Thao trường của không quân hẳn nhiên là sân bay. Phi công được huấn luyện bay cả ngày lẫn đêm, từ đơn giản đến phức tạp, bay đơn hoặc bay đôi…
Trong những lần chứng kiến phi công bay huấn luyện, thực hành bắn ném bom, ngoài lực lượng tại chỗ, tại các trung đoàn, phóng viên có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều phi công, thợ máy…đến từ các đơn vị trong quân chủng tại miền Bắc, miền Trung vào học chuyển loại máy bay mới. Có thể gặp các phi công lái Mig 21 vào học chuyển loại lái Su 22M4 hoặc Su 27 tại Sân bay Thành Sơn hoặc phi công Mig 21, Su 22M4 học chuyển loại Su 30MK2 tại sân bay Biên Hòa… Tại khu vực sân đậu, cất hạ cánh của Trung đoàn Không quân 917 chúng tôi bất ngờ gặp năm sáu phi công hoàng gia Campuchia. Chia sẻ điều này, đại tá phi công Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917 cho biết, năm nay đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cho các phi công Lào, Campuchia lái chuyển loại trực thăng. Trước đây trung đoàn từng đào tạo, huấn luyện nhiều lớp phi công cho Lào, Campuchia.
Biên đội tiêm kích đa năng Su 30MK2 “rắn hổ” xuất kích tuần tiễu biển đảo xa
Không chỉ tiếp nhận phi công, thợ máy, sư đoàn còn cử nhiều sĩ quan không quân, kỹ thuật làm chuyên gia giúp đơn vị bạn về công tác huấn luyện tại Trung đoàn Không quân 925 ở Sân bay Phù Cát (Bình Định), Trung đoàn Không quân 923 ở Sân Bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Trường sĩ quan không quân… Đại tá Vũ Văn Kha khẳng định, năm 2015, sư đoàn sẽ tăng cường độ bay, giờ bay cao hơn để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của phi công, đủ khả năng bảo vệ vững chắc trời Nam.
Cứu hộ Hàng không biển đảo xa
Là đơn vị quân đội, nên nhiệm vụ chính của Trung đoàn Không quân 917 là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn hàng không, các biên đội trực thăng Mi 171 của Trung đoàn thực sự là đơn vị cứu hộ hàng không nổi bật tại phía Nam, nhất là cứu hộ biển đảo xa. Hằng năm, trực thăng trung đoàn tổ chức bay cấp cứu hàng chục chuyến bay cứu người bệnh là quân nhân hoặc ngư dân từ đảo Thổ Chu, Phú Quốc… tới quần đảo Trường Sa, góp phần không nhỏ giúp bộ đội, đặc biệt là nhân dân yên tâm bám biển, bám đảo bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Đại tá phi công Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng, từng trực tiếp bay hàng trăm chuyến tìm kiếm, cứu hộ, cho biết: Năm 2014 có nhiều sự kiện đáng nhớ đối với cán bộ, chiến sĩ trung đoàn. Như chuyến bay cấp cứu lính hải quân từ đảo Thổ Chu vào đất liền an toàn, kịp thời ngay trưa ngày 30 Tết. Những chuyến bay như con thoi chở bệnh nhân là ngư dân từ đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn… về đất liền. Mới nhất là chuyến bay ngày 10/11 tìm kiếm 8 ngư dân mất tích trên biển tại Cam Ranh do hai tàu cá và tàu thép đâm nhau giữa đêm. Nhưng đáng nhớ nhất là dịp bay tìm kiếm máy bay chở khách xấu số MH 370 của Malaysia nghi rớt trên vùng biển Việt Nam vào tháng 3/2014.
Nhận được lệnh bay tìm kiếm máy bay MH 370 nghi rơi trên vùng biển phía Tây Nam đúng vào dịp toàn đơn vị đang cơ động huấn luyện tại Sân bay Cần Thơ. Chiều 8/3, Trung đoàn điều hai tổ bay xuống Cà Mau. Các ngày tiếp theo, hai máy bay tìm kiếm nhiều lần tại tọa độ nghi máy bay rơi phía Tây Nam Cà Mau, bay rộng ra tới giáp ranh Malaysia nhưng không phát hiện dấu hiệu nghi vấn, đồng thời điều thêm một máy bay chở chuyên gia ra Phú Quốc và tìm kiếm tại đây. Cái khó của những chuyến bay này là bay xa căn cứ, khó bảo đảm sức khỏe, hậu cần của tổ bay và máy bay. Mặt khác, tổ bay phải bay nhiều giờ, liên tục nhiều ngày, bay trên biển ở độ cao thấp cùng với không quân và không quân hải quân của nhiều nước nên rất căng thẳng, mệt mỏi…
Tuy nhiên, các tổ bay trực thăng của trung đoàn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hết nhiệm vụ bay tìm kiếm, cứu hộ, các tổ bay lại trở về Sân bay Cần Thơ tiếp tục huấn luyện.
Trung tá Đặng Thế Điều, Trưởng ban tuyên huấn Sư đoàn, cho biết, tính đến ngày 26/11/2014, toàn sư đoàn đã bay được 9.156 lần/chuyến bằng 7.688 giờ, đạt 123% kế hoạch năm. Các khoa mục huấn luyện như bay biển xa, bay biển đêm, bay xa đêm, bắn ném đạn thật, tham gia huấn luyện phối hợp quân binh chủng hợp thành tại địa bàn… đều đạt điểm giỏi trở lên.