Bình Thuận thừa biên chế sau sáp nhập, cán bộ được hưởng quyền lợi gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bình Thuận sáp nhập 5 phường để thành lập 2 đơn vị hành chính mới thuộc TP. Phan Thiết làm dư dôi 60 cán bộ, công chức và 30 người hoạt động không chuyên trách.

Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận vừa có thông tin về thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính và bố trí các cán bộ, công chức sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bình Thuận sáp nhập 5 đơn vị hành chính để thành lập 2 đơn vị hành chính mới thuộc TP. Phan Thiết.

Cụ thể, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 3 phường Lạc Đạo, Đức Thắng và Đức Nghĩa thành một đơn vị hành chính phường mới, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Bình Hưng và phường Hưng Long thành một đơn vị hành chính phường mới.

Đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính một số đơn vị hành chính cấp xã vào các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề để tăng quy mô, đảm bảo tiêu chuẩn đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển.

Trong 5 đơn vị thực hiện sáp nhập có 3 đơn vị được công nhận là đơn vị hành chính loại I (Đức Thắng, Lạc Đạo, Hưng Long), được bố trí 22 cán bộ, công chức (gồm 11 cán bộ cho 10 chức danh, 11 công chức cho 6 chức danh) và 11 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Bình Thuận thừa biên chế sau sáp nhập, cán bộ được hưởng quyền lợi gì? ảnh 1

Cán bộ phường Bình Hưng (TP. Phan Thiết) - 1 trong 5 phường bị sáp nhập giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: UBND TP. Phan Thiết.

Còn lại, 2 đơn vị được công nhận là đơn vị hành chính loại II (Bình Hưng, Đức Nghĩa) được bố trí 20 cán bộ, công chức (gồm 11 cán bộ cho 10 chức danh, 9 công chức cho 6 chức danh) và 10 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Như vậy, sau khi sáp nhập, Bình Thuận dự kiến sẽ dôi dư khoảng 60 cán bộ, công chức và 30 người hoạt động không chuyên trách.

Theo Sở Nội vụ Bình Thuận, việc bố trí công tác đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường dự kiến dôi dư giao UBND TP.Phan Thiết chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các phường sau khi sáp nhập đảm bảo cơ cấu, số lượng, chức danh theo quy định.

Trường hợp cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư có nguyện vọng thì giải quyết tinh giản, thôi việc, nghỉ hưu.

Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã dự kiến dôi dư nhưng không thể bố trí công tác khác hoặc có nguyện vọng thôi việc được thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ.

Cụ thể là Nghị định 29 năm 2023 về tinh giản biên chế, Nghị định 46 năm 2010 về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức. Bên cạnh đó còn có Nghị định 26 năm 2015 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, Nghị định 33 năm 2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Ngoài ra, cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư còn được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 12 ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh Bình Thuận quy định chế độ hỗ trợ thôi việc đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố dôi dư do sắp xếp lại tổ chức, nhân sự và chế độ trợ cấp bổ sung hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khu phố trên địa bàn tỉnh.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.