Bình Dương phòng chống dịch ra sao khi trở về trạng thái bình thường mới?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Doanh nghiệp tái hoạt động, người dân đi ra đường đều phải đáp ứng các điều kiện phòng dịch khắt khe, lập Tổ chăm sóc và trạm y tế lưu động diện rộng làm “pháo đài” vững chắc xử lý khẩn cấp mọi tình huống… đây được xem là giải pháp tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Bình Dương sau khi trở về trạng thái bình thường mới.

Duy trì xét nghiệm xuyên suốt

Theo đó, sau khi trở về trạng thái bình thường mới, các công ty muốn tái tổ chức sản xuất, kể cả tổ chức theo mô hình “3 tại chỗ”, Bình Dương đưa ra những điều kiện bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động. Cụ thể, 100% công nhân, người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất phải được tiêm ngừa COVID-19 (đủ 2 mũi hoặc mũi 1 ít nhất 14 ngày).

Trước khi vào công ty, người lao động phải được xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng test nhanh, có kết quả âm tính vào ngày thứ 1 và ngày thứ 4. Sau khi vào công ty, người lao động phải được bố trí tại nơi cách ly tạm thời ít nhất thêm 3 ngày, xét nghiệm test nhanh có kết quả âm tính vào ngày thứ 3. Suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm 5K.

Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp phải thực hiện test nhanh hàng tuần (mỗi 7 ngày/lần). Nếu kết quả âm tính, được tiếp tục tham gia sản xuất. Nếu kết quả dương tính, cách ly ngay trường hợp này; báo cáo ngay cho cơ sở y tế. Nếu kết quả khẳng định (PCR) âm tính, tất cả trở lại sản xuất bình thường. Nếu kết quả khẳng định dương tính, tạm thời phong tỏa phân xưởng khu vực hay toàn công ty. Trước khi ra khỏi công ty, người lao động về nơi ở nơi trọ phải thực hiện test nhanh; nếu kết quả âm tính thì được về nơi ở nơi trọ.

Bình Dương phòng chống dịch ra sao khi trở về trạng thái bình thường mới? ảnh 1

Xét nghiệm và vắc xin là hai điều kiện để thông hành tại Bình Dương

Đối với người dân được phép ra đường trong điều kiện phải tiêm 2 mũi vắc xin hoặc tiêm mũi 1 sau 14 ngày hoặc F0 đã được xuất viện và hoàn thành thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Người dân được lưu thông trong phạm vi của một vùng (xanh, vàng, cam, đỏ) và từ vùng nguy cơ thấp vào vùng có nguy cơ cao hơn. Thực hiện nghiêm 5K, phải có giấy tờ, hồ sơ chứng minh mục đích lưu thông, giấy ra viện, xác nhận hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà; giấy xác nhận tiêm ngừa vắc xin. Sau khi trở về nhà phải thực hiện nghiêm 5K.

Xét nghiệm test nhanh theo định kỳ vùng xanh 7 ngày/lần; các vùng khác 3 ngày/lần. Khi di chuyển từ vùng nguy cơ cao đến vùng nguy cơ thấp hơn, phải có phiếu kết quả xét nghiệm test nhanh âm tính trong vòng 3 ngày (PCR càng tốt).

Lập Tổ chăm sóc và trạm y tế lưu động

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, để theo dõi, kịp thời xử lý nhanh tình huống khi bệnh nhân F0 cần và các bệnh thông thường khác, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập và đưa vào hoạt động các trạm y tế lưu động (hiện có trên 140 trạm y tế lưu động) ở các địa bàn dân cư và tại các khu, cụm công nghiệp. Các trạm y tế này được trang bị đầy đủ về phương tiện, nhân lực, vật tư y tế, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết để bảo đảm người dân, công nhân, lao động được tiếp cận y tế một cách nhanh nhất.

Bình Dương phòng chống dịch ra sao khi trở về trạng thái bình thường mới? ảnh 2

Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ theo dõi xử lý tình huống khẩn cấp F0 cách ly tại nhà trước khi đưa đến khu điều trị

Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết việc thành lập và đưa vào hoạt động các trạm y tế lưu động đang góp sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời ngay tại cơ sở; giúp phát hiện sớm những trường hợp biểu hiện nghi nhiễm như ho, sốt, khó thở… Các trạm đã can thiệp điều trị ngay, góp phần giảm tỉ lệ ca F0 tăng nặng, nguy kịch trong cộng đồng. Các trạm đồng thời còn khám, chữa bệnh thông thường ban đầu cho người dân khi cần thiết.

TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, UBND cấp xã, phường, thị trấn thành lập, chịu sự điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn y tế của Trạm Y tế cấp xã hoặc Trạm Y tế lưu động trên địa bàn. Các địa phương lập Tổ chăm sóc y tế với chức năng quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, triển khai xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại cộng đồng, hỗ trợ tiêm chủng vắc xin.

Các Tổ chăm sóc này quản lý chặt chẽ danh sách F0 trên địa bàn, danh sách người bệnh cách ly tại nhà được phân công chăm sóc; cấp phát thuốc cho các ca bệnh cách ly tại nhà; hướng dẫn, tư vấn, theo dõi sức khỏe ít nhất 2 lần/ngày và hỗ trợ chăm sóc người bệnh tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chăm sóc thường xuyên giữ liên lạc với các trường hợp F0 được giao để kịp thời tiếp nhận thông tin về diễn biến bệnh; phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm có diễn biến nặng hơn; phối hợp Trạm Y tế cấp xã, Trạm Y tế lưu động hoặc Đội cấp cứu lưu động hỗ trợ về y tế và chuyển F0 đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, vai trò của Tổ chăm sóc được thành lập ngoài việc theo dõi sức khỏe người bệnh còn tư vấn cho họ về dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, ổn định tâm lý để tăng khả năng chống đỡ bệnh; hướng dẫn phòng lây nhiễm COVID-19 trong gia đình, không để xảy ra lây nhiễm cho người cùng sống trong gia đình, cộng đồng xung quanh.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, Tổ chăm sóc được thành lập ít nhất 3 thành viên/1 tổ có nhiệm vụ quản lý từ 10 đến 20 F0 điều trị tại nhà. Trong đó, tổ trưởng là bí thư chi bộ, tổ trưởng dân cư, tổ phó là nhân viên y tế, các thành viên huy động từ đoàn thể hoặc F0 đã khỏi bệnh.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 183.214 ca mắc COVID-19; 1.724 ca tử vong và 150.578 bệnh nhân xuất viện về nhà. Toàn tỉnh hiện có 5.560 F0 và 6.799 F1 đang cách ly tại nhà. Bình Dương đã tiêm 1.986.249 liều vắc xin phòng COVID-19, gồm 1.920.551 mũi 1 và 65.698 mũi 2. Địa phương này đang tiếp tục chiến dịch xét nghiệm diện rộng tại các khu vực “vùng đỏ” và tiêm vắc xin các đợt tiếp theo.

MỚI - NÓNG