Ngày 22/10, trao đổi với Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, ngay khi TP Hồ Chí Minh công bố ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ, địa phương đã chủ động lên kịch bản, phương án ứng phó nhằm kiểm soát tốt tình hình, tránh bị động.
Tại các bệnh viện, ngành y tế Bình Dương đề nghị chủ động tổ chức khám sàng lọc, phân luồng, cách ly và thu dung, điều trị trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương sẵn sàng phương án mở rộng các khu tiếp nhận điều trị bệnh khi ca bệnh tăng cao, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế khác phòng, chống dịch và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, kỹ thuật viên, điều dưỡng để có thể phát hiện sớm trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ. Triển khai tập huấn, đặc biệt cho các bác sĩ Khoa Khám bệnh để khi xuất hiện bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, như: Có các bọng nước, bọng mủ trên cơ thể, nhất là với bệnh nhân có tiền sử đi về từ các vùng có dịch sẽ nhanh chóng được giám sát.
Với ca bệnh chưa rõ ràng có thể cần hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện để phối hợp các đơn vị chuyên khoa khác kịp thời xét nghiệm khẳng định chính xác ca bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, phòng ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng.
Bình Dương chủ động ứng phó dịch đậu mùa khỉ trong bối cảnh khó khăn do thiếu vật tư |
Ngoài ra, các bệnh viện phối hợp cơ sở y tế đầu ngành về bệnh lý truyền nhiễm để có kế hoạch phối hợp chuyển bệnh phẩm đến các đơn vị làm xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định hoặc chuyển bệnh nhân nếu là ca bệnh nặng.
Sở Y tế Bình Dương đã chủ động ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trong 3 tình huống: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh; xuất hiện trường hợp bệnh và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Những tình huống này nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kịp thời điều tra thu thập bệnh phẩm, xét nghiệm xác định, không để dịch lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong.
Ngành y tế Bình Dương đang gặp khó
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất… đang gặp khó. Các gói thầu mua sắm rơi vào tình trạng “đóng băng”. Đối với gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc y học cổ truyền cho các cơ sở y tế công lập gặp vướng mắc trong việc thẩm định và phê duyệt dự toán.
UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế nhưng đến nay địa phương chưa nhận được phản hồi.
Nhằm xử lý tình huống cấp bách, trong thời gian chờ đợi các bộ hồi âm, Sở Y tế Bình Dương vừa đề xuất 4 phương án. Cụ thể, phương án 1: Không thực hiện việc thẩm định và phê duyệt dự toán gói thầu mua thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Bình Dương, phương án này có khả năng vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.
Đối với phương án 2, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Y tế thẩm định và ký quyết định phê duyệt dự toán các gói thầu mua thuốc theo như đề xuất của Sở Tài chính, việc thẩm định và phê duyệt dự toán không thuộc thẩm quyền của Sở Y tế.
Phương án 3, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Y tế thực hiện thẩm định dự toán và trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt dự toán các gói thầu mua thuốc. Việc thẩm định dự toán sẽ không đúng chức năng quản lý tài chính của Sở Y tế.
Phương án 4, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Tài chính thẩm định dự toán và trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt dự toán các gói thầu mua thuốc. Sở Y tế thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Với phương án này bảo đảm tính khách quan, giám sát và độc lập các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh.