Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Đánh giá toàn diện vướng mắc
Chiều 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, dự thảo luật đã bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng áp dụng “thỏa thuận khung mở” để tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu.
Cùng với đó, dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất (ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi) để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách. Qua đó, dự thảo quy định với mặt hàng thuốc, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc được thực hiện theo hình thức đàm phán giá. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.
“Một số đơn vị của Bộ Y tế quá tập trung vào phòng chống dịch. Trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi việc thì nhiều”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.
Thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến vấn đề đang được xã hội rất quan tâm, là tình trạng đấu thầu tập trung mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn. “Cần làm rõ hơn về việc này. Có vấn đề gì mà tổ chức thực hiện khó như thế, dẫn đến Thủ tướng cũng phải chỉ đạo quyết liệt, nhưng vẫn khan hiếm?”, ông Thanh nêu.
Nhấn mạnh yêu cầu thống nhất trong các dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lưu ý, quá trình đấu thầu, tuy lựa chọn được giá rẻ, nhưng lại không lựa chọn được nhà đầu tư tốt. Vậy lần sửa đổi này có xử lý được vấn đề này không? Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng băn khoăn trước tình trạng đấu thầu thiên về lựa chọn giá rẻ mà không mấy coi trọng đến việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, với dịch vụ y tế, đòi hỏi phải có tính kịp thời. Tuy nhiên, khác với các sản phẩm hàng hoá khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể xác định được chính xác mức độ sử dụng, dễ xảy ra thiếu, nên phải được tính toán trong luật.
Giảm giá, rút ngắn thời gian và ngăn chặn tiêu cực tham nhũng trong đấu thầu là ba vấn đề lớn được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải hết sức lưu ý khi sửa đổi Luật Đấu thầu.
Liên quan đến mặt hàng thuốc, trang thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải lý giải được tình trạng như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói về bất cập khi quy định “giá lần sau phải thấp hơn giá lần trước”, do luật hay do nghị định, thông tư của Bộ Y tế?
“Chị Phạm Khánh Phong Lan nói cũng có lý khi bảo, nếu cứ thế thì cuối cùng giá sẽ xuống bằng không. Giá năm sau phải thấp hơn năm trước thì sẽ dần về bằng không. Thế thì do luật, hay do nghị định và thông tư?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn |
Bộ Y tế “sẵn sàng chuyển giao cho BHXH”
Giải trình, làm rõ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong đấu thầu tập trung, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan. Trước tiên, theo ông Thuấn, Bộ Y tế phải mất nhiều thời gian tổng hợp lại số liệu. Rồi sau dịch, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt, thống kê so với cùng kỳ tăng 40 - 60%, nên việc dự tính, dự trù không sát với nhu cầu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Y tế cũng cho rằng, khi diễn ra dịch bệnh trên toàn thế giới có xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, ở đâu đó cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là người đứng đầu một số đơn vị. “Một số đơn vị của Bộ Y tế lại quá tập trung vào phòng chống dịch. Trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi việc thì nhiều”, ông Thuấn cho hay, đồng thời cũng đề cập đến nguyên nhân do một số quy định trong Luật Đấu thầu nên kéo dài thời gian thực hiện.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, ông Thuấn cho biết, Bộ Y tế, cụ thể là Trung tâm mua sắm tập trung đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung; đàm phán được 19/65 thuốc biệt dược.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa thông tư, đặc biệt là Thông tư 15, theo đó phân cấp nhiều hơn cho cấp dưới, danh mục cũng dự kiến thu hẹp lại, thay vì 106 loại thuốc thì thời gian tới chắc chỉ tập trung vào vài chục loại, sẽ khả thi hơn, còn lại phân cấp cho cấp dưới.
Đặc biệt, theo ông Thuấn, nếu có sự tham gia của BHXH Việt Nam trong thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế sẽ rất tốt, giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế. “Nếu BHXH Việt Nam đảm đương được việc này thì Bộ Y tế rất vui mừng, sẵn sàng chuyển giao”, ông Thuấn nêu.