Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói gì về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 8/7, đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã chính thức lên tiếng về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện ảnh hưởng tới quyền lợi khám chữa bệnh của người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT).

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán Đa tuyến (BHXH Việt Nam) cho biết, đầu năm 2019, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản xin hướng dẫn Bộ Y tế về trường hợp người bệnh phải mua thuốc ngoài dù thuộc quyền lợi bảo hiểm y tế chi trả. Trường hợp đó, Bảo hiểm Xã hội có thể thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc cho người bệnh được không? Tới năm 2021, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời: Không có cơ sở để thực hiện như trên.

Nhưng theo ông Đức, Nghị định 117 năm 2020 quy định, trường hợp bệnh viện thiếu thuốc nên người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế khi điều trị, cơ sở y tế đó có phải hoàn trả cho người bệnh. Nhà nước luôn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, bệnh viện có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, theo quy định, bệnh viện có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư cho người bệnh. Do đó, việc thiếu thuốc, vật tư thuộc trách nhiệm các bệnh viện. Theo Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế có quyền quyết định một số trường hợp đặc biệt thanh toán trực tiếp cho người bệnh.

“Chúng tôi đang chờ Bộ Y tế có ý kiến về trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế thanh toán do bệnh viện thiếu thuốc, có thể bệnh viện thanh toán trước cho người bệnh, sau đó Bảo hiểm Xã hội thanh toán cho bệnh viện. Hoặc Bảo hiểm Xã hội thanh toán trực tiếp cho người bệnh, nếu có hướng dẫn Bảo hiểm Xã hội sẽ thực hiện. Tuy nhiên, nếu người bệnh tự mua, khi thanh toán theo cơ sở giá nào, thuốc có đảm bảo hay không đều rất khó”, ông Phúc nói thêm.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói gì về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho người bệnh? ảnh 1

Cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế là trách nhiệm của các bệnh viện, nếu xảy ra thiếu, người bệnh bảo hiểm y tế phải mua ngoài, bệnh viện phải thanh toán cho bệnh nhân.

Về nguyên nhân thiếu thuốc và vật tư y tế, theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, do việc đấu thầu thuốc, vật tư chậm. Có 7 tỉnh thành hết hợp đồng cung ứng thuốc, vật tư từ cuối năm 2021, tới nay vẫn chưa mở được thầu cung ứng cho năm nay. Ở Nghệ An, TPHCM, Hà Nội... có chủng loại chậm đấu thầu 3 tháng khá phổ biến.

Các địa phương thiếu thuốc, vật tư số lượng lớn như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu...

Hồi đầu tuần này, Bộ Y tế, Tài chính và BHXH Việt Nam đã họp đánh giá nguyên nhân, chỉ ra vướng mắc và hướng giải quyết tình trạng trên.

Với vật tư y tế, theo đại diện BHXH Việt Nam, việc đấu thầu còn khó hơn, khi hầu hết vật tư được giao cho các bệnh viện trực tiếp thực hiện. “Tại cuộc họp mới đây, anh Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mang theo 2 bộ hút dịch mũi tới cuộc họp, mỗi bộ do 1 nước sản xuất, tiêu chuẩn như nhau, nhưng giá chênh lệch. Nếu theo giá, bộ giá thấp hơn sẽ trúng thầu, nhưng không dùng được, vì quá cứng, gây chảy máu mũi. Bộ còn lại mềm và hiệu quả hơn nhưng giá cao hơn, tiêu chuẩn lại như nhau, nên bộ tốt lại không được chọn. Rất khó cho các bệnh viện”, ông Phúc nói.

Thậm chí, có địa phương, như Bắc Ninh, hội đồng đấu thầu thuốc đã báo cáo UBND tỉnh kết quả đấu thầu, nhưng 2 tháng nay chưa được duyệt. Trong khi các gói thầu vật tư y tế không có đơn vị nào tham gia, hoặc sau khi mở hồ sơ chấm không đạt nên chưa có đơn vị cung ứng.

Về một số ý kiến nói rằng bảo hiểm xã hội yêu cầu giá thuốc, vật tư trúng thầu năm sau phải thấp hơn năm trước, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định không có việc này. Ông Phúc dẫn Nghị định 63, Thông tư 15 về đấu thầu thuốc, vật tư đã hướng dẫn giá tham khảo để xây dựng giá kế hoạch không cao hơn giá 12 tháng liền kề. Thông thường, bảng giá thuốc tham khảo sẽ trong khoảng nhất định, không cố định một mức. Vị này dẫn ví dụ thuốc có giá từ 10-15 đồng để tham khảo, các đơn vị có thể sử dụng giá dự kiến không quá 15 đồng.

“Thực tế, vừa qua có một số hội đồng sử dụng giá quá thấp, chỉ bằng giá trung bình hoặc thấp hơn, trong điều kiện giá cả hàng hóa tăng hiện nay, lấy giá quá thấp nên không có đơn vị trúng thầu, nên phản ánh như vậy. Thực tế không quy định nào buộc giá của năm sau phải thấp hơn giá năm trước”, ông Phúc nói thêm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.