Mắc cùng lúc bệnh cao huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mỗi tháng bà Lan Hương (62 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) đều phải đến bệnh viện Nguyễn Trãi là nơi đăng ký khám bảo hiểm y tế ban đầu để thăm khám và lấy thuốc theo toa của bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, mỗi lần đi lấy thuốc, bệnh nhân đều phải mòn mỏi chờ đợi.
“Khi hết thuốc, tôi phải đi từ sáng sớm, xếp hàng lấy số thứ tự chờ gặp bác sĩ khám xong mới ra toa. Từ khi đến bệnh viện đến khi về nhà cũng mất cả buổi sáng vì bệnh viện quá tải nên bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Nếu trạm y tế gần nhà có thuốc bảo hiểm y tế, tôi sẽ đến trạm nhận thuốc để đỡ mất thời gian đi lại và chờ đợi”, bà Lan Hương nói.
Người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính tại TPHCM đang có nhu cầu được khám và nhận thuốc bảo hiểm tại trạm y tế |
Thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế là tình trạng đang tồn tại trong cả hệ thống trạm y tế trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng. Tại TPHCM hiện nay, mạng lưới 312 trạm y tế trên địa bàn danh mục thuốc bảo hiểm y tế chưa có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây (huyết áp, tiểu đường…). Thực tế trên đang gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.
BS Lê Thanh Tuấn, Trưởng Trạm y tế phường 5, quận 8, TPHCM, cho biết, theo lộ trình, thành phố đang mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân về tuyến cơ sở. Tuy nhiên, trạm đang thiếu cả trang thiết bị, nhân sự lẫn danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Hiện nay tại trạm, thuốc bảo hiểm chưa được đáp ứng đủ, đặc biệt là những loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường... Điều đó khiến người bệnh không muốn đến thăm khám tại trạm y tế vì có đến trạm khám xong thì cũng phải lên bệnh viện tuyến quận mới nhận được thuốc.
Đề xuất thí điểm mở rộng danh mục thuốc…
Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đang chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cho tuyến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Theo PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trạm y tế bị “co hẹp danh mục thuốc” là bất cập đang tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh cho cộng đồng. Nếu không sớm được giải quyết, tình trạng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây sẽ tiếp tục lên tuyến quận, huyện hoặc tuyến thành phố điều trị sẽ gây áp lực quá tải kéo dài.
Mới đây, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam làm việc với Sở Y tế TPHCM về kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật triển khai hoạt động chăm sóc và quản lý bệnh không lây nhiễm với trọng tâm là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Vấn đề cung ứng thuốc bảo hiểm y tế được xem là trọng tâm để điều trị các bệnh mạn tính không lây tại y tế cơ sở, đại diện WHO tại Việt Nam đồng tình và ủng hộ phương án đấu thầu tập trung cấp địa phương, bổ sung danh mục thuốc những bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế tương tự danh mục thuốc của các bệnh viện tuyến quận, huyện Sở Y tế TPHCM đang chuẩn bị triển khai.
PGS Tăng Chí Thượng chỉ ra, với các trường hợp điều trị cấp, sau khi bệnh nhân ổn định sức khỏe, bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên có thể chỉ định tiếp tục điều trị lâu dài tại trạm y tế gần nhà nhất. Điều này vừa thuận lợi cho bệnh nhân, vừa giảm áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có bệnh viện tuyến trên (tuyến quận/huyện, tuyến thành phố) mới có thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây. Do đó, cả bệnh nhân cần điều trị cấp lẫn điều trị lâu dài về bệnh mạn tính không lây đều phải tìm đến bệnh viện.
Để sớm giải quyết bất cập trên, Sở Y tế TPHCM đang khẩn trương trình UBND thành phố, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về phương án cho phép ngành y tế thành phố được triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở (được quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT). Cụ thể, ngành y tế thành phố sẽ đề xuất bổ sung cho trạm y tế 50 loại thuốc có danh mục thuốc của tuyến 3 (theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT) sử dụng cho các bệnh viện tuyến quận/huyện trong điều trị các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh xương khớp mạn tính, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phế quản tắc nghẽn mạn tính...
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng sớm trình UBND TPHCM và Bộ Y tế cho phép thí điểm mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, bên cạnh 129 hoạt chất theo quy định, còn nhiều thuốc thiết yếu khác rất cần cho y tế cơ sở (do nhu cầu ít nên khó tiến hành đấu thầu riêng lẻ). Trong đó có 50 loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính không không lây.
Thiếu thuốc tê điều trị nha khoa
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 19/9, PGS.TS Trần Xuân Vĩnh, giảng viên Khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, với bác sĩ răng hàm mặt, hầu như thuốc tê được sử dụng hằng ngày. “Với khả năng làm mất cảm giác đau hay nóng, lạnh tạm thời của thuốc tê nên một can thiệp đơn giản như nhổ răng cho em bé cũng rất cần thuốc tê. Ngoài ra, thuốc tê còn quan trọng trong điều trị thông thường như trám răng, chữa tuỷ, phục hồi răng mất hay nhổ răng đều dùng thuốc tê”, ông nói.
Theo bác sĩ Vĩnh, nếu một ngày không có thuốc tê là một ngày rất khó khăn cho bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt. Theo ông, nếu không đáp ứng đủ thuốc tê, người bệnh vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.
L.N