Biến đá thành đảo không đem lại chủ quyền

Các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma (ảnh chụp tháng 5/2015). Ảnh: Toan Toan
Các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma (ảnh chụp tháng 5/2015). Ảnh: Toan Toan
TP - Ngày 6/6, Bộ Ngoại giao cho biết, các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế tại Quảng Ninh đều nhấn mạnh rằng, việc xây dựng, bồi đắp mở rộng các thực thể trên biển (đá, bãi cạn…) thành các đảo nhân tạo không thể giúp nâng cấp các thực thể này thành đảo để được hưởng đầy đủ các vùng biển.

Hội thảo “Các vấn đề biển và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS): Chia sẻ cách tiếp cận của châu Âu và châu Á về các tranh chấp lãnh thổ” diễn ra từ ngày 4 đến 5/6 tại Quảng Ninh.

Một thực thể chỉ được công nhận là đảo và có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi là đảo hình thành tự nhiên, có thể duy trì sự cư trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng. Trong đó, đặc điểm hình thành tự nhiên được coi là điều kiện tiên quyết để xác định quy chế pháp lý đối với các đảo. Các đại biểu đều thống nhất rằng, một quốc gia xây dựng và mở rộng biến các bãi ngầm hoặc bãi cạn nửa nổi nửa chìm thành các đảo nhân tạo chỉ có thể tiến hành trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó hoặc tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của tất cả các nước.

Các đại biểu nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp biển cần thông qua các biện pháp hoà bình, trong đó bao gồm các biện pháp đàm phán trực tiếp và giải quyết thông qua toà án hoặc trọng tài. Đặc biệt, với các tranh chấp chủ quyền có lịch sử lâu dài và không thể đàm phán, các bên nên cùng giải quyết thông qua toà án hoặc trọng tài; còn với các tranh chấp biển, các bên nên đàm phán trực tiếp để đạt được thỏa thuận một cách phù hợp nhất, biện pháp đưa ra phân xử ở tòa án hay trọng tài là biện pháp cuối cùng. Luật quốc tế về phân định biển qua thực tiễn các quốc gia đã được thiết lập rõ ràng theo hướng mang lại công bằng cho các bên.

Tuy nhiên, triển vọng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp vào tranh chấp biển Đông đang bế tắc do nguy cơ leo thang tranh chấp và xung đột vũ trang từ hàng loạt vụ việc về nghề cá, thăm dò, khai thác dầu khí, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, xâm phạm quyền tự do hàng hải và hàng không. Trong bối cảnh này, một mặt, các bên cần tích cực áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có cơ chế của UNCLOS. Mặt khác, cần xây dựng các quy tắc để quản lý tranh chấp, kiểm soát xung đột, trong đó có việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao tổ chức với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Tham dự có hơn 140 đại biểu, trong đó có gần 30 chuyên gia luật quốc tế trong và ngoài nước, một thành viên Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế, một cựu Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án Luật biển Quốc tế, cùng nhiều học giả, chuyên gia phân tích chính sách đến từ châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. 

Theo Sputnik, tại hội thảo “Tranh chấp lãnh thổ và luật pháp quốc tế trong kỷ nguyên mới” diễn ra tại Mátxcơva ngày 5/6, các đại biểu (học giả Nga, nhà ngoại giao, nghiên cứu sinh nước ngoài) bày tỏ quan ngại nguy cơ bùng phát xung đột tại biển Đông do những hành động sai trái của Trung Quốc.

Hôm qua, báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa tin, dự kiến, tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G-7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển) diễn ra ngày 7/6 ở Đức, các lãnh đạo G-7 sẽ ra tuyên bố chung nêu quan ngại về các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các bên duy trì trật tự quốc tế trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.

MỚI - NÓNG
Kết quả xác minh vụ 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi
Kết quả xác minh vụ 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi
TPO - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, qua kiểm tra tất cả các mẫu từ đất, nước, phân bón, hóa chất... liên quan đến các lô sầu riêng phía Trung Quốc cảnh báo, cơ quan chuyên môn không phát hiện mẫu nào vượt dư lượng chất cadimi.