Đại biểu quốc hội chất vấn Thủ tướng về biển Đông

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
TP - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội (QH) sáng 4/6, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, sau khi lấy ý kiến các đại biểu QH (ĐBQH), 4 bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này đến từ Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT. Các ĐBQH đã gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề biển Đông.

Theo thông lệ, kỳ họp giữa năm Thủ tướng thường ủy quyền cho Phó Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn, còn kỳ họp này thì sao, thưa ông?

Tôi rất mong Thủ tướng trả lời chất vấn kỳ này, nhưng trong thiết kế chương trình có quy định, Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng trả lời chất vấn thay. Trong chất vấn lần này đã có sự đổi mới, yêu cầu các bộ trưởng không đi vào báo cáo thành tích của ngành. Bộ trưởng đọc báo cáo chỉ 5 phút, thời gian còn lại tập trung vào trả lời chất vấn trực tiếp. Báo cáo của Phó Thủ tướng cũng chỉ kéo dài trong khoảng 15 - 20 phút.

Tám câu hỏi các ĐB gửi chất vấn Thủ tướng tập trung vào lĩnh vực nào? ĐB có đề cập vấn đề biển Đông không, thưa ông?

Nhìn chung, các ĐB nêu rất rộng, liên quan đến tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, trong đó có vấn đề biển Đông, cụ thể, ĐBQH quan tâm, đề cập đến việc Trung Quốc tôn tạo, bồi đắp các đảo đá trong thời gian qua.

Một số ĐBQH kiến nghị, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về biển Đông nên có thảo luận, sau đó QH ra thông điệp, hoặc thái độ dứt khoát, ông thấy sao?

Vấn đề này hiện vẫn đang lắng nghe và chờ xem có ĐB nào có ý kiến như vậy không. Có thể ĐB trao đổi với anh nhưng chưa trao đổi với tôi, nên phải chờ xem như thế nào, các ĐB có phát biểu gì không. Trên cơ sở đó mới xem xét đưa ra quyết định được. Việc thảo luận về biển Đông phải trên cơ sở nghe báo cáo, nếu thấy đầy đủ mà ĐB không có ý kiến gì thì thôi.

Cảm ơn ông.

Việt Nam cử tàu cứu hộ ra Hoàng Sa là bình thường

Trước thông tin một tàu cứu hộ của Việt Nam bị tàu Hải quân Trung Quốc đe dọa khi đang giúp đỡ một ngư dân bị suy tim ở khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 1/6, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 4/6 thông báo: “Chúng tôi đang cho kiểm tra thông tin. Nhưng một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Việt Nam cử tàu tìm kiếm cứu nạn ra Hoàng Sa là hoạt động bình thường, hợp pháp, phù hợp với luật pháp Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ có điều khoản hai bên sẽ hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng ở Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết, hợp tác quốc phòng hai nước thời gian qua đạt được những nội dung thực chất, phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Chuyến thăm vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mở ra những nội dung hợp tác quan trọng nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ lên tầm cao mới, thiết thực và hiệu quả hơn.         

Bình Giang

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.