Biển của ta, đảo của ta, Bài 2: Gặp “đảo trưởng” trẻ nhất Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Tuổi trẻ ai cũng có niềm vui riêng, nhưng càng trẻ, mình càng phải có trách nhiệm. Ở đây phần lớn anh, em đều xung phong ra đảo nên đi qua khó khăn rất nhẹ nhàng. Đã khoác lên mình màu áo người lính, bọn em đều sẵn sàng chấp nhận hy sinh bảo vệ từng tấc đất biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị rắn rỏi.

Xung phong ra Trường Sa bằng được

Mặt trời vừa ló rạng, chúng tôi đã được Ban chỉ huy tàu KN390 báo thức sớm để chuẩn bị đến thăm đảo Đá Thị. Từ 5h sáng, tất cả đại biểu đã thức dậy vì hôm nay chuyến hành trình có nhiều sự kiện. Với đặc thù là đảo xa nhất trong số 21 đảo của Việt Nam tại Trường Sa, đảo Đá Thị được ví như pháo đài vững chắc giữa ngàn khơi.

Nằm chơ vơ giữa biển nước mênh mông, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên đảo là hình ảnh các chiến sỹ đã xếp thành một hàng thẳng tắp, khuôn mặt niềm nở hướng về chào đón đoàn đại biểu. Đứng tách rời ở phía cuối, vị chỉ huy trưởng Đại úy Đào Minh Quân xuất hiện với dáng người cao ráo, nghiêm trang chào. Dù rất trẻ nhưng trông Quân rất đĩnh đạc.

Biển của ta, đảo của ta, Bài 2: Gặp “đảo trưởng” trẻ nhất Trường Sa ảnh 1

Các chiến sỹ đảo Đá Thị giao lưu văn nghệ với đoàn Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương

Sau màn bắt tay với đoàn, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị báo cáo tình hình, nhiệm vụ của đảo. Khác với những lời báo cáo giọng đều đều thường nghe, lời báo cáo của vị chỉ huy này dõng dạc từng câu khiến đoàn công tác ai cũng ấn tượng.

“Lúc mới ra đảo, con em bắt đầu học nói. Ở ngoài này không có mạng internet nên không thể gửi ảnh để nhìn thấy con. Mỗi khi gọi điện, con cứ gọi bố ơi… làm em nhớ lắm. Nhưng ai cũng có gia đình riêng, tuổi trẻ mình phải xông pha, cống hiến nên đành kìm lòng gác lại nỗi nhớ”.

Đại úy Đào Minh Quân, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị chia sẻ

“Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ chiến sỹ trên đảo cũng đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, quán triệt và chấp hành nghiêm mọi chỉ thị của cấp trên. Xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường; phấn đấu xứng đáng người bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ hải quân, cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, Quân nói.

“Đồng chí Quân từng trong đội Tiêu binh của hải quân nên tác phong được đánh giá rất chỉnh chu, chuyên nghiệp, là chỉ huy trưởng trẻ nhất hiện giờ ở Trường Sa”, Thiếu tá Lại Văn Tung - Trợ lý Phòng công tác Quần chúng, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân giới thiệu thêm khi chúng tôi tò mò về vị chỉ huy trưởng đảo Đá Thị.

Quân kể, năm nay anh vừa tròn 29 tuổi, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân 1, anh được phân về công tác tại đội Vệ binh, Quân chủng Hải quân. Nhưng với tinh thần xung kích của người trẻ và mong muốn được đứng tuyến đầu canh giữ biển trời, anh đã chủ động viết đơn đề xuất cấp trên xin được ra Trường Sa. Sau nhiều lần đề xuất, năm 2020, ước nguyện của anh đã trở thành hiện thực khi được đơn vị điều ra công tác tại đảo Đá Tây.

Biển của ta, đảo của ta, Bài 2: Gặp “đảo trưởng” trẻ nhất Trường Sa ảnh 2

Đại úy Đào Minh Quân, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Thị - Ảnh: Ngọc Hà

Hoàn thành công tác xuất sắc tại đảo tròn 1 năm, Quân được chuyển về tại một đơn vị trong đất liền. Nhưng rồi nỗi nhớ biển đảo, nhớ đồng đội, nhớ những tiếng sóng, tiếng gió lại thôi thúc anh viết đơn xung phong ra Trường Sa lần nữa…

Trở thành lính đảo Trường Sa, cũng là lúc đứa con trai đầu lòng của Quân tròn 2 tuổi. Đó là trái ngọt của mối tình người lính trẻ với cô giáo mầm mon quê ở Hải Phòng thời “trang giấy trắng”. Quân kể: “Lúc mới ra đảo, con bắt đầu học nói. Ở ngoài đảo không có internet nên không thể gửi ảnh để nhìn thấy con. Mỗi khi gọi điện, con cứ gọi bố ơi…làm em nhớ lắm. Nhưng ai cũng có gia đình riêng, tuổi trẻ mình phải xông pha, cống hiến nên đành kìm lòng gác lại nỗi nhớ. Em lựa chọn ra đảo phục vụ”.

Nhận thấy tinh thần xông pha của một người trẻ, lần này Quân chủng Hải quân giao Quân đảm nhiệm “đảo phó” đảo Đá Thị. Bằng ý chí và sự nỗ lực không ngừng, vào tháng 3/2023 anh tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của Quân chủng Hải quân, giao đảm nhiệm vị trí chỉ huy trưởng.

Can trường giữa biển khơi

Dù có diện tích nhỏ, nhưng Đá Thị có vị trí rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn những hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, canh giữ sườn phía Đông cho cả quần đảo Trường Sa.

Biển của ta, đảo của ta, Bài 2: Gặp “đảo trưởng” trẻ nhất Trường Sa ảnh 3

Các chiến sỹ đảo Đá Thị chào đón đoàn đại biểu

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2023 có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Đá Thị từng bị phong tỏa gần 10 ngày sau khi Trung Quốc nổ súng chiếm đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 nên ở đảo đòi hỏi các chiến sỹ ở đây phải có tinh thần thép, ý chí chiến đấu và quyết tâm cao.

Cuộc sống ở đảo đã vất vả, ở những đảo chìm như Đá Thị còn khắc nghiệt hơn nhiều. Khó khăn nhất là nước ngọt. Các chiến sỹ thường phải rửa rau bằng nước biển trước rồi sau cùng mới dùng nước ngọt để tráng. Nước tráng này được dùng để vo gạo, nước vo gạo lại dùng để tưới rau. Đánh răng rửa mặt hay tắm rửa, anh, em phải rất tiết kiệm.

“Khó khăn là vậy, nhưng không một ai ngại khổ. Phần lớn các chiến sỹ ở Đá Thị đều xung phong đăng ký ra đảo nên tinh thần rất thoải mái, khó khăn thấy rất bình thường. Có chiến sỹ trẻ nhất sinh năm 2003, ra đảo được gần 6 tháng”, chỉ huy trưởng đảo Đá Thị giới thiệu về các chiến sỹ.

Trên khuôn mặt còn có in vết sạm nắng, chiến sỹ Nguyễn Anh Tú (21 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ: “Lúc đầu xa nhà, em vẫn còn nhớ mẹ. Nhưng ở đây anh em đều xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. Đồng đội là anh, em ruột thịt nên cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ. Trở thành lính đảo, được sinh sống và làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là quãng thời gian ý nghĩa nhất với em”.

Chiến sỹ Nguyễn Đình Bắc (21 tuổi, Nghệ An) cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ ra đảo để được cống hiến một phần sức trẻ, tuổi thanh xuân cho biển đảo quê hương.

Bắc chia sẻ: Ở đất liền, trước đây em thường ham chơi nhưng khi ra đảo được trực tiếp cầm tay súng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, được giúp đỡ bà con ngư dân yên tâm bám biển, em thấy công việc của mình rất thiêng liêng, ý nghĩa.

Khi được hỏi về việc có sợ vất vả khi công tác tại đảo chìm, Bắc đáp. “Không hề. Đã xác định mang trên mình bộ quân phục Hải quân dù phải hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biển, đảo của đất nước, bọn em sẵn sàng. Còn người là còn đảo”.

Mỗi sớm bình minh, ở hòn đảo tiền tiêu này, những chiến sỹ trẻ lại tiếp tục đổi ca tuần tra. Họ vẫn thể hiện một ý chí son sắt tiếp bước những cha anh đi trước. Đá Thị chưa bao giờ hết nắng gió, như bao đời nay những người trai đất Việt chưa bao giờ hết hiên ngang, đứng gác biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG