Biếm họa chống tham nhũng: Còn tiếc nuối

“Sự thật phũ phàng”, một trong ba giải nhì biếm họa đề tài chống tham nhũng
“Sự thật phũ phàng”, một trong ba giải nhì biếm họa đề tài chống tham nhũng
TP - Lần đầu tiên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát động, triển lãm tranh biếm họa phản biện xã hội với chủ đề Phòng, chống tham nhũng. Hơn 150 tác phẩm được chọn trưng bày, tuy thế vẫn còn chút lăn tăn.

Phản biện bằng tranh

Giới họa sĩ biếm đánh giá cao sự thay đổi nhận thức của Bộ VHTTDL, bởi đây là lần đầu tiên một cuộc thi, triển lãm tranh biếm họa về chủ đề nóng được xã hội quan tâm-Phòng, chống tham nhũng. Sau gần bốn tháng, Hội đồng nghệ thuật chọn từ hơn 500 tác phẩm ra 158 bức trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tới hết 5/12. Hội đồng nghệ thuật gồm: họa sĩ Vi Kiến Thành, họa sĩ biếm Lý Trực Dũng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Thành Chương, BTC mời cả ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ.

Không tìm được giải Nhất, hội đồng trao ba giải Nhì cho Sự thật phũ phàng của Trần Hải Nam (TPHCM), Tìm trách nhiệm của Hà Xuân Nồng (TPHCM), Dân chơi 4.0 của Lê Đức Hùng (Hà Nội).Và chọn 7 giải Ba, 20 giải Khuyến khích. Giải thưởng tác giả có tác phẩm trưng bày nhiều tuổi nhất được trao cho tác giả 87 tuổi Phạm Tấn Phú ở Hà Nội với cụm tác phẩm: Một người làm quan cả họ được nhờ, Tham nhũng bú ngân sách, Lộ nguyên hình và Cây tham nhũng phá hoại kinh tế Việt Nam. Giải thưởng tác giả có tác phẩm trưng bày ít tuổi nhất dành cho Trần Thị Bảo Nhi (Tây Ninh, sinh năm 1993) với Tẩu tán tài sản, Lợi ích nhóm.

Biếm họa chống tham nhũng: Còn tiếc nuối ảnh 1 Chưa có tác phẩm biếm họa xuất sắc về đề tài chống tham nhũng. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Tác giả giải nhì Lê Đức Hùng nói rằng phấn khích khi nhận lời mời thể hiện chủ đề nóng được xã hội quan tâm, nhưng cũng đầy trăn trở. “Tôi cũng thấy khó vì không biết vẽ thế nào để chuyển tải nội dung khá rộng. Biếm họa kiệm lời nên họa sĩ biếm khó khăn khi chọn hình ảnh đắt, lột tả tính chất tham nhũng”, anh nói. Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao bức Dân chơi 4.0-xưa rồi thú chơi chim, tay chơi ngày nay xách cả két công quỹ.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đánh giá tranh biếm trưng bày dịp này phát huy tốt ngôn ngữ đồ họa khi đề cập vấn đề thời sự, mang tính báo chí. “Nhiều vấn đề nóng trong xã hội được phản ánh trong tranh như xây nhà hát Thủ Thiêm, làm giàu bằng bán chổi đót, đường dây đánh bạc online nghìn tỷ”, ông Thành nói. Sự phản biện xã hội bằng tranh biếm ở chủ đề gai góc như thế nhưng Vi Kiến Thành đánh giá “phản ánh chủ đề nhạy cảm nhưng phê phán cái xấu, hướng thiện mang tính xây dựng, nhân văn”.

Chưa như kỳ vọng

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhắc lại quan điểm tại lễ phát động hồi tháng 6 rằng “không có vùng nào là vùng cấm”. Hội đồng nhận được hơn 500 tác phẩm, không bức nào bị loại vì “nhạy cảm”. Không đưa ra tiêu chí cụ thể, nhưng nguyên tắc của hội đồng rõ ràng về nội dung: Nếu sự kiện đó, con người đó chưa thành án, chưa bị tuyên án thì không được vẽ giống hoặc đề cập để tránh cầm đèn chạy trước ô tô.

Mạnh dạn phát động, triển lãm tác phẩm quy mô toàn quốc, tiếc rằng hội đồng không chọn được giải Nhất. Vi Kiến Thành cho biết: “Không tác phẩm nào xuất sắc tới mức các thành viên hội đồng phải tâm phục khẩu phục. Một lí do nữa có lẽ dân mỹ thuật rất khắt khe với nhau. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm mới có một lần nhưng cũng không trao giải Nhất”. Họa sĩ Lý Trực Dũng phân trần, không phải quá khó tính, tuy nhiên trong cuộc triển lãm quy mô toàn quốc nếu không có bức tranh mọi người xem đều thích thú, công nhận thì không nên gượng ép trao giải.

Vài chục năm vẽ biếm họa, Lý Trực Dũng có phần đồng cảm với đồng nghiệp. “Họa sĩ biếm họa vẽ không phải vì tiền, vì nếu vì tiền không ai vẽ cả. May ra có hai, ba người sống được bằng biếm họa. Nước ngoài họ dạy biếm họa rất nghiêm túc, ở ta họa sĩ biếm thường không chuyên - nhưng không vì thế mà xem thường họ. Họ đều là bác sĩ, nhạc sĩ, công nhân, kiến trúc sư… có những kinh nghiệm sống, có nhận xét và tứ tranh độc đáo”, ông nói.

Đồng quan điểm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận thế giới vẽ biếm có từ hàng thế kỷ, nhiều họa sĩ biếm xuất sắc với những tác phẩm đỉnh cao. Tranh biếm ở ta mới xuất hiện vài chục năm lại đây, thời kháng chiến mới chỉ có tranh đả kích. “Hiệu quả ngôn ngữ biếm họa Việt Nam chưa cao. Tiếng cười đã có cất lên ở tác phẩm này kia, hiệu quả thị giác hay ngôn ngữ tạo hình gây ấn tượng sâu đậm chưa có nhiều. Đây có thể xem là bước khởi đầu cho lộ trình mới, xã hội chắc chắn chưa dừng lại công cuộc chống tham nhũng, thậm chí phản ánh thói hư tật xấu của người Việt thời nay nữa”, ông phân tích.

Hoạ sĩ Thành Chương nói rằng khi Đảng, Nhà nước quyết liệt chống tham nhũng, các cấp ngành phía dưới hưởng ứng nhưng tưởng dễ hoá khó. “Dân tình ai cũng hiểu, nghĩ rằng quốc nạn là tham nhũng. Muốn tham nhũng phải có chức quyền, dân thường ai tham nhũng được. Chống tham nhũng cũng chính là tự đánh vào mình, nếu không đủ sự tỉnh táo, sáng suốt thì sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta không thể làm ào ào, nếu không lợi bất cập hại”, ông nói. Không né tránh nhưng cần làm với tinh thần tỉnh táo, giới mỹ thuật cho rằng mong muốn có tác phẩm mạnh mẽ, quyết liệt hơn là chính đáng nhưng cần lộ trình.

Giải thích việc tác phẩm đoạt giải chủ yếu rơi vào tác giả ở Hà Nội và TPHCM, Cục trưởng Vi Kiến Thành: “BTC không ưu ái tỉnh này tỉnh kia. Chúng ta phải quen chấp nhận trong nghệ thuật không có tính cào bằng”. Nói thêm về lí do chọn Bảo tàng Phụ nữ, đại diện BTC cho rằng ngoài khách quan tâm tới triển lãm tranh, có thể thêm lượng du khách đông đảo tới bảo tàng tham quan. Họa sĩ Lý Trực Dũng chứng kiến một nhóm khách Pháp cười phá lên khi xem tranh, chứng tỏ không cần lời người xem cũng hiểu phần nào thông điệp.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.