Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường kể nỗi khổ bị thủ tục hành chính 'hành'

Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường. Ảnh Như Ý
Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường. Ảnh Như Ý
TPO - “Tôi đã hai lần gọi điện thoại cho anh Trần Văn Túy. Anh ấy bảo sẽ tiến hành, nhưng chẳng thấy gì cả. Đến ngày đi tiếp xúc cử tri lại không biết tiếp xúc ở đâu. Chẳng lẽ Bí thư Đắk Lắk lại sang Gia Lai tiếp xúc cử tri?”, Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường bày tỏ.

Sáng 29/10, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội.

Từ thực tế vướng mắc vừa trải qua, tại phiên thảo luận tổ, ông Bùi Văn Cường quan tâm đến đề nghị sửa đổi nội dung đại biểu Quốc hội chuyển công tác.

Theo Bí thư Cường, quy định này có lẽ phải thêm từ “đương nhiên” vào, nếu không thì thủ tục hành chính rất dài dòng.

“Thời điểm chuyển công tác, tôi đã hai lần gọi điện thoại cho anh Trần Văn Túy (Trưởng Ban Công tác đại biểu). Anh ấy bảo sẽ tiến hành, nhưng chẳng thấy gì cả. Đến ngày đi tiếp xúc cử tri lại không biết tiếp xúc ở đâu. Chẳng lẽ Bí thư Đắk Lắk lại sang Gia Lai tiếp xúc cử tri? Mà bên Đắk Lắk thì chưa có quyết định, dù anh em vẫn đưa vào, nhưng chưa có quyết định thì không biết có đúng không?

Thế là cuối cùng phải làm đơn gửi ra cho hai đoàn đại biểu Quốc hội hai tỉnh. Thế là hai đoàn lại họp, rồi hai mặt trận tổ quốc hai tỉnh cũng họp, xong mới đưa ra ngoài này. Rồi Thường vụ Quốc hội lại họp. Thế là mất một kỳ không được đi tiếp xúc cử tri. Thủ tục hành chính ở chỗ này phải cải tiến”, ông Bùi Văn Cường cho hay.

Từ thực tế gặp nhiều khó khăn khi chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội từ Gia Lai sang Đắk Lắk, ông Bùi Văn Cường đề nghị sửa theo hướng: Trong nhiệm kỳ nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền đến tỉnh, thành phố khác thì “đương nhiên” chuyển sinh hoạt đến làm đại biểu nơi mình công tác.

“Như vậy thủ tục sẽ giảm đi, chỉ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định là xong. Còn trước đây, như em phải viết tới 5 đơn, hai đoàn đại biểu Quốc hội, rồi hai mặt trận hai tỉnh cho ý kiến với tổng số 4 cuộc họp… Không đồng ý chẳng lẽ Bí thư tỉnh này lại sang tỉnh kia tiếp xúc cử tri à? Cái này rất rườm rà, rất hành chính, phải cải tiến ngay lập tức”, ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bí thư Bùi Văn Cường, cũng phải tùy theo cấp thẩm quyền để quyết định, ví dụ với đại biểu làm doanh nghiệp ở Hà Giang chẳng hạn, nếu chuyển công tác thì không thể áp dụng “đương nhiên” được. Còn với những đại biểu điều động hoặc luân chuyển theo quyết định của cấp có thẩm quyền, theo ông Cường sẽ còn nhiều. Do vậy khi chuyển sinh hoạt đến địa phương mình công tác phải “đương nhiên” chuyển sinh hoạt đoàn, như thế rất gọn và cứ thế tiến hành thôi.

Đồng tình với quan điểm trên của ông Bùi Văn Cường, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, nếu đại biểu chuyển công tác về trung ương thì nên để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Còn khi chuyển công tác tới các tỉnh, thành khác thì “đương nhiên” chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.