Bí kíp con tàu vô địch làng chài

Tàu QNg 98214 quây lưới thành hình vòng tròn.
Tàu QNg 98214 quây lưới thành hình vòng tròn.
TP - 21 năm vô địch làng chài về sản lượng đánh bắt, con tàu QNg 98214 được ngư dân ở cửa biển Mỹ Á, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vừa thán phục, vừa đặt câu hỏi: “Thật kỳ lạ!?”. Một đêm rong ruổi để khám phá bí ẩn của con tàu này, tôi phát hiện thuyền trưởng Nguyễn Văn Mai đã dùng tàu vẽ những vòng tròn như dùng compa xoay trên mặt biển.

Dụ cá về tàu

Tàu cá QNg 98214 nhảy chồm lên trên ngọn sóng, mũi tàu chao đảo như muốn hất văng mọi thứ trên tàu xuống biển. Đó là màn xuất bến rất khủng khiếp. Cửa biển Mỹ Á bị cạn nên mỗi khi sóng hơi lớn, các tàu cá khi rời bến đều phải “làm xiếc” vài phút mới thoát được ra tới cửa. Cách con tàu không xa là 6 chiếc tàu khác mang biển số Quảng Ngãi cũng chạy nối đuôi để mong được hưởng lộc từ tàu của anh Mai.

“Qua trái 200 số, đi lên 120 số…”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Mai ngồi trên nóc ca bin và liên tục điện đàm với tàu cá khác để chia sẻ luồng cá. Đó là mật khẩu công khai, nhưng có khi được anh Mai và ngư dân thống nhất tự cộng thêm bao nhiêu số để quy ra tọa độ mà 2 bên đã ngầm thỏa thuận.

Mặt trời đã ngả về phía đường chân trời, rải xuống mặt biển màu vàng rộm. Tàu thả neo cách đất liền chỉ vài hải lý. Vì sao thả neo ở tọa độ này? Thuyền trưởng Mai vui vẻ và không giấu sự lựa chọn: “Chỗ này đáy biển sạch, cát mịn, không có bùn và rác rưởi thì đàn cá sẽ tụ về quanh năm. Còn nơi nào đáy biển có bùn, cuộn nước bẩn thì cá bị cay mắt nên bỏ đi”.

Đi biển, nếu gặp thuyền trưởng giỏi thì hàng chục ngư dân đi bạn trên tàu thường không bàn tính gì, chỉ im lặng và để cho thuyền trưởng quyết định về tọa độ, thời gian đánh lưới. Anh Mão, ngư dân đi bạn, cho biết: “Ông Mai giống như thần cá. Nếu chọn chỗ nào thả neo thì cá tự tìm tới tàu. Xưa nay ổng có bao giờ thua người ta. Vì vậy bạn đi trên tàu cả chục năm vẫn chung thủy, không bao giờ rời sang tàu khác”.

Bí kíp con tàu vô địch làng chài ảnh 1

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Mai.

Trời sập tối, 30 bóng đèn led trên tàu bật sáng để thu hút cá. Tiếng máy cọc cạch nổ chậm rãi khiến cả giàn đèn phập phồng như đang hít thở. Chỉ sau 15 phút, từng đàn cá bắt đầu kéo đến gần tàu, chạy vòng tròn rồi lại biến mất. Chú cá bò giấy to như chiếc mo cau cứ đủng đỉnh lượn lờ đến gần tàu và nhanh chóng bị ngư dân thò tay bắt. Loại cá này được đặt tên rất đúng, vì nó giống như con bò, thấy xe nhưng vẫn đủng đỉnh băng qua đường.

Vòng compa bí ẩn

Nghề lưới vây, các ngư dân sử dụng chiến thuật dùng ánh sáng từ tàu để thu hút luồng cá. Khi cá đã tập trung nhiều đến gần tàu thì ngư dân chuyển sự chú ý của đàn cá sang một chiếc thúng chở theo một giàn đèn đang thả trôi. Lúc đó tàu tắt phụt điện, không ai trên tàu được phép bật đèn pin. Con tàu lặng lẽ chạy thả lưới và bao tròn quanh chiếc thúng chở đèn nghi binh. Tàu của anh Mai đánh một mẻ lưới rất nhanh, trong khi các tàu cá khác vẫn đang phải chờ cá.

“Ông Mai giống như thần ca. Nếu chọn chỗ nào thả neo thì cá tự tìm tới tàu. Xưa nay ổng có bao giờ thua người ta. Vì vậy bạn đi trên tàu cả chục năm vẫn chung thủy, không bao giờ rời sang tàu khác”.

 Người dân Mão

Chỉ sau 2 phiên lưới, khoang tàu đã ngập đầy cá nục. Tiếng cá giãy xào xào trên sàn tàu là âm thanh vui nhất của mỗi chuyến biển đêm. Thỉnh thoảng bắt được chú cá to, trên tàu lại có thêm âm thanh bồm bộp. Tiếng cá nhảy mạnh như ai đó cầm chày giã xuống sàn tàu. Sau 2 mẻ lưới, tôi quyết định xuống thúng để quan sát toàn bộ vòng cua đầy ma lực của con tàu. Con tàu đã chạy ra sao để gom hết sạch cá vào lưới, trong khi những tàu bên cạnh vẫn than thở “chưa có cá”?

Mẻ lưới thứ 3 nhanh chóng được thực hiện. Tôi nhủ thầm “có phải bí quyết của con tàu là đây?”. Khi thuyền trưởng Mai cầm lái và tàu chạy vòng tròn để buông lưới, con tàu đã tạo ra một vệt nước tròn, rất nhanh và chuẩn xác trên mặt biển. Vòng tròn vẽ trên mặt nước vừa xong thì cũng là lúc 2 đầu lưới được khớp mí. Một sự chuẩn xác như được lập trình.

Điều ngạc nhiên là dù tàu tăng tốc, nhưng tiếng máy không gầm gào làm đàn cá giật mình tản ra khỏi khu vực ánh sáng nghi binh từ chiếc thúng neo chính giữa tâm vòng tròn. Con tàu như chiếc bóng nhẹ nhàng lướt trên mặt biển đêm. Âm thanh cọc cạch của máy nghe mơ hồ tựa như tiếng gió thoảng.

Cứ đánh một phiên lưới, tàu lại chạy đến tàu cá QNg 4482 của ngư dân Trần Hoa là em rể ông Mai để cùng phối hợp. Và tàu của ông Mai vẫn làm nhiệm vụ vẽ vòng tròn như compa để quây gom hết đàn cá. Cá vẫn tiếp tục được kéo lên tàu và phát ra âm thanh lao xao như trận mưa xuân.

Các ngư dân kỳ cựu ở cửa biển Mỹ Á ngồi phân tích về nghịch lý của con tàu 21 năm đứng đầu làng chài, đó là tàu ông Mai được trang bị giàn lưới vây dài 200 sải, cao 40 sải. Trong khi cả đoàn tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi sắm lưới vây dài 300 sải và cao tới 60 sải. Các tàu trang bị 42 bóng đèn để tăng luồng ánh sáng thu hút cá. Trong khi tàu ông Mai chỉ có 30 bóng. Vậy nhưng các tàu đánh bắt vẫn cứ bị thua đậm “tỷ số”.

“Thần câu” trên tàu

“Có mé nước”, một ngư dân chỉ tay ra phía xa và la to. Mé nước như lỗ đen, sẽ hút tất cả rác trôi nổi trên biển, sau đó biến thành một luống dài và liên tục di chuyển. Cá thấy mé nước thì sẽ lặn mất tăm. Đến lúc đó, thuyền trưởng Mai mới chịu vặn nhỏ Icom, quan sát máy dò cá và nằm ngủ luôn trên nóc tàu, dưới làn sương giá lạnh.

Chiếc máy dò cá có màn hình nhỏ như bàn tay đặt trong ca bin được ví như mắt thần trên tàu cá. Chiếc máy dò cá bằng sóng thẳng khá cổ lỗ, trị giá khoảng 20 triệu đồng. Trong khi các tàu khác đã bỏ ra hàng trăm triệu để mua máy dò quét sóng ngang hiện đại. Dù có mắt thần tốt hơn, nhưng tàu cá ngư dân khác vẫn cứ thua về sản lượng.

Bí kíp con tàu vô địch làng chài ảnh 2

Ngư dân trên tàu QNg 98214

Dưới ánh đèn đêm, các ngư dân tranh thủ mang cần câu ra boong câu mực để kiếm thêm thu nhập. Lúc này trên tàu lại xuất hiện một “thần câu”. Đó là ngư dân Võ Văn Huỳnh. Chiếc lưỡi câu quăng ra xa, kéo lại gần tàu là dính một chú mực. Bình quân 36 giây ông Huỳnh câu được một con mực. Các ngư dân trên tàu cũng thừa nhận, ông Huỳnh là tay thiện xạ số 1 ở cửa biển Mỹ Á.

Chỉ trong một đêm đánh bắt, tàu QNg 98214 thu được 2 tấn cá, trong khi hàng trăm chiếc cùng đánh trong đêm chỉ thu được vài trăm kilôgam. Bí quyết để con tàu này thành công suốt 21 năm, ngoài vận may còn là nhờ tay nghề thuyền trưởng, tàu có đội ngư dân giỏi, biết liên kết giữa các tàu.

Ông Võ Xuân Cẩm, cán bộ nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang nhận xét về con tàu này bằng sự thán phục: “Tàu 98214 cứ ra đánh là có cá. Mình đánh được 5 triệu thì tàu đó được 10 – 15 triệu. Tàu đó lạ kỳ, tàu đó chưa biết thua là gì”.   

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Mai năm nay 41 tuổi, quê ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Anh cho biết, năm 2015, mỗi ngư dân đi bạn được chia trên 90 triệu. Còn năm 2016 thì trên 100 triệu/người. Dù con tàu nhỏ và cũ, nhưng anh chưa bao giờ có ý định sẽ cải hoán thành tàu lớn.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.