Làng chài Việt giữa biển Ðông

Tàu QNa 91327 TS đang quây lưới ở Maclessfield.
Tàu QNa 91327 TS đang quây lưới ở Maclessfield.
TP - Một chuyến hải trình ra vùng biển quốc tế trên tàu cá QNa 91327 mang tên Quyết Tiến để lại cảm xúc khó quên về hình ảnh ngư dân chinh phục biển cả. Tàu vỏ thép 67 đã trở thành cơ hội vàng cho ngư dân các tỉnh miền Trung tiếp tục chinh phục biển Ðông, tại bãi ngầm Maclessfield nằm trên vùng biển quốc tế, đi lại và tự do đánh bắt.

Làng chài ở đảo ngầm

“Ầm… ầm!”, lúc 2 giờ sáng ngày 28/10/2016, bên mạn phải của tàu QNa 91327 bỗng vang lên tiếng đập dồn dập của sóng biển, làm vài ngư dân choàng tỉnh giấc. Một con sóng lớn hất ngang đưa vài chú cá chuồn bay từ mặt biển lên boong tàu giãy dụa. Sóng tung bọt trắng xóa và như con lăn nâng con tàu lên cao rồi lại thả tụt xuống thung lũng lấp lánh bí ẩn. Giàn đèn 50 bóng, công suất 1.000w/bóng nhưng cũng chỉ tỏa ra một quần sáng nhỏ và bị biển đêm hút đi độ lan tỏa. Cách tàu không xa là những chiếc tàu vỏ gỗ trong đêm đã dịch chuyển dần về phía tàu vỏ thép ở bãi ngầm Maclessfield.

Tàu cá QNa 91327 là tàu được đóng theo Nghị định 67, do ngư dân Nguyễn Văn Tiến ở cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng. Tàu hải trình ra khơi giữa mùa đông và đột thẳng hướng ra Maclessfield, trong khi đoàn tàu gỗ thì vẫn chưa rời bến vì phải trông chừng gió. Tàu hải trình 3 ngày 2 đêm thì ra tới bãi ngầm Maclessfield và thả neo ở tọa độ 15 độ 30 phút vĩ độ bắc - 113 độ 56 phút kinh độ đông.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường nhắc đến các địa danh Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng ít ai nhắc đến một nơi đã trở thành “làng chài” giữa biển Ðông của các ngư dân miền Trung suốt 25 năm qua, đó là bãi ngầm Maclessfield. Toàn bộ hòn đảo rộng lớn nằm chìm dưới mặt biển nên được xem là bãi ngầm. Ngư dân hải trình ra đến Bom Bay là hòn đảo cuối cùng của quần đảo Hoàng Sa rồi lấy đà  thẳng ra bãi ngầm 74 hải lý về phía đông bắc.

Nếu đặt thước đo từ bờ biển miền Trung Việt Nam đến bãi Cỏ Mây thì bãi ngầm Maclessfield nằm trên một trục, ở điểm giữa. Tên Maclessfield được ghi trong hải đồ quốc tế để đánh dấu sự kiện năm 1701, tàu Maclessfield của Anh đã khám phá ra hòn đảo ngầm này. Theo luật pháp quốc tế, Maclessfield là tuyến hàng hải tự do. Bãi san hô ngầm dài lên đến 75 hải lý, rộng khoảng 33 hải lý. Maclessfield là ngư trường phong phú, nhưng cũng là thử thách vì cách đất liền 300 -350 hải lý.

Làng chài Việt giữa biển Ðông ảnh 1

Ngư dân xúc cá nục và cá ngừ chuyển lên tàu.

Cá - người giằng co

Maclessfield nằm ngay giữa biển Ðông nên cá thường quần tụ về và trở thành ngư trường hấp dẫn nhất. Ðiều khá nghiệt ngã, đó là lúc trời trở gió thì cá càng nhiều. Ðêm 28/10/2016, tiếng sóng dội “ầm” vào thân tàu vỏ thép gây giật mình, nhưng cũng là tín hiệu như tiếng vỗ tay chào mừng. Ðó là đêm cá vào lưới dày đặc, ngư dân ở các tàu đều hò hét khản cổ để kéo lưới.

Cả một vùng biển Maclessfield rực sáng ánh đèn soi bóng cờ Tổ quốc. Thấp thoáng bóng các ngư dân trên các tàu cá kéo lưới. Tấm lưới vây nhấp nhô thành một cung tròn rộng trên mặt biển, sau đó duỗi ra như một chiếc túi dài khoảng 200m. Các ngư dân hì hục gom lưới buộc vào cột thép bên mạn tàu. Hai ngư dân đi thúng trong vòng lưới liên tục lặn ngụp để quan sát cá và giơ bàn tay ra tín hiệu. Khi thấy ngư dân Trần Tương giơ 10 ngón tay, báo hiệu mẻ lưới trúng 10 tấn cá, các ngư dân trên tàu hò reo khản cổ “1….2….3….10 tấn rồi!”.

“Cá nhiều, anh em ham làm, không biết mệt, không biết đói chi hết”. 

Ngư dân Trần Anh Tuấn

Những đàn cá lấp lóa trên mặt biển đêm, chạy tròn trong vòng lưới. Các ngư dân lặn coi cá dưới nước thông báo thêm một tin khá ngạc nhiên, đó là còn rất nhiều cá nằm ngoài và đang bu theo lưới. Ánh đèn thu hút cá trên tàu đã làm nhiều đàn cá tiếp tục kéo đến quần tụ bên mạn tàu. Máy dò quét cá Furuno 8L cũng bắt được tín hiệu những cụm cá xuất hiện ở gần tàu và liên tục di chuyển.

Ðể kéo một lúc 10 tấn cá nục và cá ngừ, 15 ngư dân phải làm việc cật lực không nghỉ từ lúc 3 giờ sáng đến gần 13 giờ chiều. Nếu gom cá một lúc thì lưới vỡ,  xổ cá ra biển. Các ngư dân phải thu hẹp vòng lưới để nuôi cá sống, giữ lưới nổi. Nếu cá chết là một thảm họa. Vì bọc cá nặng sẽ níu tàu chìm ngang như đã từng xảy ra. Ngư dân sử dụng một chiếc lưới được bện bằng sợi lớn và tổ chức “đánh lưới trong lưới”, chia thành nhiều mẻ cá để kéo lên tàu. Ngư dân Trần Anh Tuấn nói trong hơi thở hổn hển: “Cá nhiều, anh em ham làm, không biết mệt, không biết đói chi hết”.

Ở Maclessfield có nhiều câu chuyện lạ như: Cá bám theo bọc lưới, cá giành cá với ngư dân, cá bám theo phá đám…Vào đêm hôm trước, tàu cá QNa 91327 đang đánh ở mạn phải của tàu vỏ thép quây được gần chục tấn cá nục và cá ngừ. Bầy cá heo bám theo lưới nhảy múa như chia vui. Vậy nhưng khi gom lưới thành một bịch căng để xúc lên tàu thì mấy chú cá heo chuyển sang phá rối, cắn thủng lưới để giành cá ăn. Khi các ngư dân kéo được 3 tấn cá thì lưới bị cá heo đục thủng, toàn bộ cá xổ ra biển.

Làng chài Việt giữa biển Ðông ảnh 2

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến biểu lộ niềm vui khi tàu trúng đậm cá.

“Ðội Việt Nam mạnh lên”

Nhiều năm trước, bãi ngầm Maclessfield là nơi hội tụ của tàu cá các nước, và vùng lãnh thổ bao gồm: ngư dân Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Trung Quốc. Năm 1992, tàu cá vỏ gỗ của ngư dân tỉnh Bình Ðịnh và Quảng Ngãi xuất hiện, với những con tàu chỉ dài 17-18m, “đọ” cùng đoàn tàu hùng hậu kia được đóng bằng composite và thép. Còn hiện nay chủ yếu là tàu cá Trung Quốc và Việt Nam. Vào dịp sau tết, tàu cá của ngư dân Việt Nam cắm cờ đỏ rợp trời, như làng chài nổi ở Maclessfield. Do ngư dân khai thác quá mức nên Maclessfield không còn là “túi cá”. Nhưng nơi đây vẫn là ngư trường hấp dẫn nhất trên biển Ðông. Từ đêm 23 đến 29/11, tàu cá QNa 91327 TS đã đánh bắt được 16 tấn cá nục, cá ngừ và 1 tấn mực khơi. Sau chuyến biển, trừ đi phí tổn, các ngư dân đi bạn chia phần được gần 10 triệu đồng, trong đó có tiền dầu hỗ trợ theo QÐ 48.

Ở Maclessfield ngư dân thường ra boong tàu vá lưới vào những chiều vàng. Lúc không gian nhuốm màu sắc thanh bình, lão ngư dân Nguyễn Ðông (67 tuổi), cha của thuyền trưởng lại cất câu hò: “Ơ… Hòn Dứa, Hòn Ðụt, Hòn Mang khéo nước cản đàng/Ớ… chứ hiểm nguy Hòn Lựa, Mũi Rào nhớ ghi chỗ mô rạng đá ta thì…ơ…”. Lão cười khà khà và bảo, thời trước đi biển quá lạc hậu, ngư dân nào cũng phải thuộc bài hò để định vị đường đi, lối về.

Còn bây giờ ra khơi trên tàu vỏ thép, ông Ðông và nhiều ngư dân đều gật đầu, yên tâm, vui mừng với tàu vỏ thép trị giá 14,5 tỷ do nhà nước đầu tư. Tàu dài 26m, gồm 4 tầng, chạy máy Yangmar “đập hộp” 829 mã lực. Ca bin tàu luôn nhấp nháy ánh điện từ 7 chiếc máy, gồm Icom IC 710, 2 máy định vị Furuno và Hai yang smart 5, máy dò cá Furuno 8L hiện đại nhất ở thị trường Việt Nam trị giá 1,4 tỷ… Ngư dân phấn khởi và nói: “Ðội Việt Nam mình đã mạnh lên rồi!”. 

Ở Maclessfield 25 năm qua, những con tàu Việt Nam chong đèn hàng đêm để đánh lưới. Buổi sáng, tàu nổ máy chạy đi tìm cột cờ thả giữa biển Ðông. Ðó là chiếc neo cắm lá cờ Tổ quốc và tàu phải cắt dây mỗi khi vào phiên quây lưới. Hàng ngàn lá cờ thường ngày cắm ở Maclessfield.  

MỚI - NÓNG