Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đang có tình trạng hỗn loạn trên thị trường thực phẩm chức năng.
Với hàng chục ngàn loại thực phẩm chức năng trên thị trường khó ai có thể đảm bảo chất lượng, với những vụ bắt giữ liên tiếp thực phẩm chức năng giả, có thể thấy “béo bở” và “bát nháo” là những từ ngữ phù hợp nhất để diễn tả loại thị trường này.
Vì sao báo chí liên tục đưa tin về tình trạng thực phẩm chức năng giả, nhái, kém chất lượng nhưng loại sản phẩm này vẫn có nhiều “đất sống”? Không thể phủ nhận một thực tế là khi cuộc sống ngày càng dư dả, một số không ít người có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Người trẻ thì làm đẹp, người già dùng chống lão hóa theo như những lời quảng cáo. Nhu cầu này là chính đáng. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo trong quy chuẩn về loại thực phẩm đặc biệt này cùng những ngộ nhận về thực phẩm chức năng khá phổ biến trong xã hội, dư địa cho thực phẩm chức năng giả, nhái, kém chất lượng là mênh mông. Nói cho đúng, không chỉ ở nước ta, nhiều quốc gia phát triển cũng tồn tại những ngộ nhận xung quanh các loại thực phẩm chức năng và vẫn có người thiệt mạng do dùng thực phẩm chức năng quá liều lượng.
Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam không chỉ là sự thiếu hiểu biết của khách hàng về thực phẩm chức năng, thứ phải tham vấn bác sỹ trước khi dùng, mà đó còn là chuyện hàng giả, hàng nhái. Ngay cả những cơ sở sản xuất nghiêm túc, tức là không làm giả, làm nhái, thì cũng khó có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm khi ngay cả giới chuyên gia trong ngành dược tại Việt Nam cũng phải thừa nhận trong việc sản xuất thực phẩm chức năng, Việt Nam chưa có chuẩn mực rõ ràng. Và đó là lý do có hội thảo kể trên ngày hôm nay. Loạt bài về thực phẩm chức năng mà Tiền Phong khởi đăng hôm nay mới chỉ là một lát cắt vào thị trường hỗn độn, nơi đủ loại “sản phẩm” mang danh ‘thực phẩm chức năng” được sản xuất chỉ bằng bột mì và đường. Với số “hàng hóa”mà giá bán ngoài thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng/ngày thì rõ ràng đây là ngành “sản xuất” siêu lợi nhuận.
Các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới đều nói: Chúng ta là những thứ chúng ta ăn vào, nghĩa là khỏe hay yếu hay tiêu vong đều đến từ đường miệng.
Chưa bao giờ cái ăn, cái uống, thứ ta đưa vào miệng lại ẩn chứa hiểm nguy như bây giờ.