Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):

Bệnh viện rút khỏi tự chủ vì chưa có tự chủ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại biểu Quốc hội cho rằng, từ các trường hợp Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ, cho thấy có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần sớm được tổng kết, đánh giá.

Luật hóa vấn đề tự chủ

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM), thời gian qua, ngay với những bệnh viện đầu ngành cơ sở khang trang nhưng cũng phải rút khỏi tự chủ vì thực chất chưa có tự chủ. Trong khi đó, nhiều năm nay vẫn chưa có một tổng kết, đánh giá chính thức nào về những mô hình này để đưa ra giải pháp hiệu quả. “Chúng ta chỉ chạy theo những sự cố, nay bị thế này, mai bị thế kia và hậu quả hiện nay chính là bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, … rồi nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu thực trạng, đồng thời đề nghị sớm có tổng kết, đánh giá.

Bệnh viện rút khỏi tự chủ vì chưa có tự chủ ảnh 1

ĐB Phạm Khánh Phong Lan

“Chúng ta chỉ chạy theo những sự cố, nay bị thế này, mai bị thế kia và hậu quả hiện nay chính là bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, … rồi nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ”.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cũng cho rằng, từ trường hợp của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ, cho thấy có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo ông, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, để cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề yên tâm, dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, gần đây, nhiều người thấy băn khoăn khi hàng chục ngàn cán bộ y tế xin nghỉ việc, bệnh viện công - nơi nhiều người ao ước về làm việc trước đây thì nay cũng bỏ việc. “Nhiều người ngỡ ngàng khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K - là những bệnh viện lớn lại xin thôi thực hiện tự chủ để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách”, ông Cường nói.

Từ thực tế trên, ông Cường đề nghị luật sửa đổi cần quy định về tự chủ của bệnh viện công. “Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách”, ĐB Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) yêu cầu cần phải quy định rõ trong luật như ĐB Cường nêu thì rất khó. Theo ông Trí, vấn đề này nên có nghị định để quy định sâu hơn, cụ thể hơn.

Cần đãi ngộ đặc biệt cán bộ, nhân viên ngành y

Theo ĐB Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình), chính sách “đãi ngộ đặc biệt” đối với ngành y cần được cụ thể hóa trong các điều luật. Theo ông, thời gian qua, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, tất cả đều ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của những cán bộ, lực lượng y tế. “Chúng ta cũng biết rằng thời gian gần đây có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc do đời sống khó khăn và những nguyên nhân khác. Do đó cần có sự quan tâm đầu tư cả về vật chất và tinh thần cho các lực lượng này”, ĐB kiến nghị.

Bệnh viện rút khỏi tự chủ vì chưa có tự chủ ảnh 2

ĐB Hoàng Văn Cường

“Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách”.

ĐB Hoàng Văn Cường

ĐB Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế. “Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao, bảng lương, hệ số lương phải khác. Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp thu hút và phụ cấp đặc thù. Nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế”, ĐB Diễm cho hay.

Tương tự, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng trăn trở về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong ngành y. Theo ông, chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa đảm bảo, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức công việc của ngành y tế.

MỚI - NÓNG