Các y bác sĩ Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai kiểm tra mắt cho học sinh |
Năm 2024, chung tay cùng các trường học tại tỉnh Gia Lai trong kiểm soát các tật khúc xạ trong học đường, bảo vệ đôi mắt sáng cho học sinh, từ ngày 1/5 đến ngày 14/5/2024, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai (nằm trong Hệ thống Y tế GEM) triển khai chương trình hoàn toàn miễn phí về “Khám tầm soát, và kiểm soát cận thị học đường”. Qua đây, bệnh viện đã giúp tầm soát tật khúc xạ cho hơn 1.000 học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP.Pleiku.
Vừa qua, 285 học sinh trường Phổ thông Trung học Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai đã được đội ngũ bác sĩ giải đáp thắc mắc về cách chăm sóc, bảo vệ đôi mắt trong môi trường trường học; các biện pháp y khoa hiện đại, tối ưu nhất đang được triển khai để kiểm soát điều trị cận thị như phương pháp đeo kính mắt, công nghệ phẫu thuật Lasik, công nghệ kính áp tròng cứng định hình giác mạc Ortho- K,… Tất cả đều được giải đáp dễ hiểu, sinh động và đầy đủ, toàn diện dưới góc độ y khoa.
Với sứ mệnh của Bệnh viện chuyên khoa về mắt có chất lượng y khoa hàng đầu ở Tây Nguyên hiện nay, từ khi thành lập (năm 2018) tới nay, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai đã tầm soát điều trị, kiểm soát các tật khúc xạ cho trên 8.500 bệnh nhân. Trong số này, có 70% là học sinh cấp 2 và cấp 3 đang theo học tại các trường THCS và THPT tại tỉnh Gia Lai. Tất cả các em học sinh trong chương trình đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện còn nhiều khó khăn, bởi vậy việc đi thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám mắt đối với các em còn rất xa lạ.
"Em chưa đi khám mắt bao giờ nên hôm bữa nghe có chương trình khám miễn phí của Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai em tới khám mới phát hiện bị cận nặng, từ đây các bác sĩ hướng dẫn, điều trị sớm. Em thấy chương trình này rất ý nghĩa, sau này em cố gắng thăm khám mắt 6 tháng/lần như lời bác sĩ dặn”, em Vương Thị Hồng Hạnh (học sinh lớp 11A, Phổ thông Trung học Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai) chia sẻ.
Các nguyên nhân phổ biến dẫn tới cận thị học đường là di truyền và thói quen học tập chưa đúng cách |
Bác sĩ Bùi Thị Hải Hà-Giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai cho biết, hiện nay, ở nước ta có khoảng 5 triệu trẻ em mắc phải các tật khúc xạ ở mắt. Theo đó, ở độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi, có 20-40% trẻ em ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn có tật khúc xạ mắt, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng qua các năm. Các tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị. Trong đó, cận thị là phổ biến nhất.
Theo bác sĩ Hà, học sinh, đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ thường không hiểu rõ cận thị là gì nên không nói với bố mẹ, đến khi đi khám mắt thì phát hiện trẻ đã cận nặng. Một số trẻ lại có tâm lý sợ hãi nếu bố mẹ biết mình mắc cận thị nên giấu bố mẹ. Các nguyên nhân phổ biến dẫn tới cận thị học đường là di truyền và thói quen học tập chưa đúng cách và sử dụng các thiết bị công nghệ, áp tư thế ngồi học, bố trí ánh sáng ở nơi học tập chưa hợp lý trong thời gian dài dẫn tới cận thị.
“Khi mắc cận thị, các em học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt. Cận thị có ảnh hưởng nhiều mặt, như các em học sinh còn nhỏ tuổi đã phải đeo cặp kính rất to, nặng, bị hạn chế kết quả học tập vì do nhìn mờ chữ, viết chậm hơn so với các bạn cùng lớp, nhanh mỏi mắt. Đặc biệt, các em có thể bị hạn chế tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế vui chơi sinh hoạt một số lĩnh vực. Nếu không được đeo kính chỉnh mắt thì độ cận ngày càng tăng nhiều, có thể dẫn đến biến chứng thoái hóa sắc tố võng mạc, bong võng mạc gây mù lòa”, bác sĩ Bùi Thị Hải Hà nói.
Bác sĩ Hà nhấn mạnh, với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn cao, luôn tận tâm, tận tuỵ vì bệnh nhân và hệ thống thiết bị hiện đại dẫn đầu xu hướng tại tỉnh Gia Lai và miền Trung Tây Nguyên, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai hứa hẹn mang đến cho các em học sinh hiệu quả tối ưu về điều trị, kiểm soát tật khúc xạ.
Ngoài Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai, Hệ Thống Y tế GEM còn có Phòng khám Đa khoa SYSMED Phù Đổng (số 02 đường Phù Đổng, TP.Pleiku), Bệnh viện Mắt Kon Tum (33 Triệu Việt Vương, phường Thống Nhất, TP Kon Tum).