Bệnh nhân đột ngột liệt nửa người, bác sĩ phát hiện bệnh rất hiếm gặp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đột ngột bị liệt nửa người nhưng điều trị không mang lại kết quả khiến nam bệnh nhân phải ngồi xe lăn, tiểu tiện mất kiểm soát. Qua thăm khám và thực hiện các kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị dị dạng mạch máu tủy rất hiếm gặp.

Đó là trường hợp bệnh nhân V.V.P (31 tuổi, quê tỉnh Hải Dương) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ. Qua khai thác bệnh sử từ phía người bệnh ghi nhận, tháng 7/2023, bệnh nhân có biểu hiện đau lưng, tê 2 chân, tình trạng ngày càng tăng dẫn đến liệt nửa người. Bệnh nhân đã thăm khám, điều trị nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả nên quyết định bay từ Hải Dương và Cần Thơ tìm giải pháp cứu chữa.

Ngày 9/11, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S cho biết, qua các kết quả kiểm tra bệnh nhân được chẩn đoán bị dị dạng mạch máu tủy, đây là bệnh lý rất hiếm gặp. Bệnh nhân đã được chỉ định can thiệp để xử lý ổ dị dạng.

Bệnh nhân đột ngột liệt nửa người, bác sĩ phát hiện bệnh rất hiếm gặp ảnh 1

Dị dạng mạch máu tủy là nguyên nhân khiến người bệnh đột ngột liệt nửa người

“Sau hơn 2 giờ can thiệp, chúng tôi đã đưa được những ống thông siêu nhỏ đường kính chưa tới 1mm qua động mạch tủy vào tận búi dị dạng vùng tủy ngực và bơm keo gây tắc hoàn toàn búi dị dạng. Trong quá trình can thiệp bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không có cảm thấy đau đớn” – TS.BS Trần Chí Cường cho biết.

Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân bình phục tốt, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng yếu liệt, tự đi lại, tiêu tiểu kiểm soát tốt, có thể quay về với cuộc sống bình thường.

Phân tích chuyên môn của TS.BS Trần Chí Cường chỉ ra, dị dạng mạch máu tủy là căn bệnh bẩm sinh rất hiếm gặp, bệnh thường có diễn tiến âm thầm và có biểu hiện giống các bệnh thông thường của cột sống như đau lưng, tê yếu 2 chân, giảm cảm giác 2 chân. Bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm.

Những trường hợp nặng người bệnh sẽ tàn phế liệt 2 chân, tiêu tiểu không tự chủ. Việc chẩn đoán xác định bệnh mạch máu tủy chủ yếu dựa vào MRI có mức từ trường cao tối thiểu 1.5 Tesla và đôi khi cần phải bơm thuốc… Dấu hiệu điển hình trên MRI là các mạch máu giãn ngoằn ngoèo gọi là dấu hiệu “Flow void”.

Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phẫu thuật, phối hợp điều trị nội khoa chống phù tủy kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau khi đã kiểm soát được khối dị dạng.

Bác sĩ khuyến cáo khi bệnh nhân có dấu hiệu đau lưng kéo dài, tê yếu 2 chân, mất cảm giác, tiểu không kiểm soát, đặc biệt là ở trẻ em và người trẻ tuổi thì cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu để thăm khám, điều trị sớm.

MỚI - NÓNG