Belarus bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Alexander Lukashenko vừa cho biết, Belarus đã bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, trong đó có những vũ khí mà ông nói rằng mạnh gấp 3 lần loại bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống 2 thành phố của Nhật Bản năm 1945.
Belarus bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga ảnh 1

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu với báo chí trong chuyến thăm khu tổ hợp công nghiệp quân sự ở Minsk ngày 13/6. (Ảnh: Reuters)

Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Nga đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi biên giới kể từ khi Liên Xô tan rã. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có tầm tấn công ngắn hơn và không mạnh bằng vũ khí hạt nhân chiến lược.

“Chúng tôi có những tên lửa và bom đã nhận từ Nga”, ông Lukashenko nói trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya-1.

“Những quả bom này mạnh hơn 3 lần so với loại đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki”, ông Lukashenko nói trong cuộc trao đổi với báo chí ngay cạnh một khoảng rừng được phát quang để lấy chỗ cho các xe quân sự đậu, và một số cơ sở dự trữ quân sự có thể được nhìn thấy trong bức ảnh được báo chí đăng tải.

Ngày 9/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ bắt đầu đưa vũ khí hạt nhân đến Belarus, sau khi cơ sở lưu trữ đặc biệt sẵn sàng tiếp nhận.

Tháng 3 năm nay, ông Putin cho biết ông đồng ý đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus, và Mỹ cũng đã đưa những vũ khí như vậy đến châu Âu trong mấy thập kỷ qua.

Mỹ chỉ trích quyết định của Nga, nhưng khẳng định sẽ không thay đổi quan điểm của mình về vũ khí hạt nhân chiến thuật, đồng thời cũng không nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sắp sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông Lukashenko, một đồng minh thân thiết của ông Putin, nói với đài truyền hình Nga rằng Belarus có nhiều cơ sở dự trữ hạt nhân vẫn còn từ thời Liên Xô và đã khôi phục 5-6 cơ sở như vậy.

Ông gạt bỏ ý tưởng cho rằng việc Nga kiểm soát những vũ khí này cản trở Belarus triển khai chúng một cách nhanh chóng nếu cần thiết. Ông khẳng định, ông và ông Putin có thể nhanh chóng gọi điện cho nhau “bất kỳ lúc nào”.

Belarus giáp biên giới với 3 quốc gia thành viên NATO, gồm Lithuania, Latvia và Ba Lan.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG