Đoàn trong tôi là:

'Bệ đỡ' cho tuổi trẻ sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không chỉ tạo môi trường để các bạn trẻ trưởng thành, hoàn thiện kỹ năng, tổ chức Đoàn còn là “bệ đỡ” cho những sáng tạo, sáng kiến, nghiên cứu của học sinh, sinh viên; góp hành trang để người trẻ viết tiếp ước mơ.

Chắp cánh nghiên cứu khoa học

Bén duyên với hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên từ khi mới “chân ướt chân ráo” trở thành sinh viên của trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Võ Anh Khoa (SN 1996, hiện là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ĐH Quốc gia Changwon, Hàn Quốc), dần trở thành một cán bộ Đoàn năng nổ. Từ cậu học sinh cấp 3 có phần nhút nhát, Khoa trở thành một sinh viên đầy nhiệt huyết, tự tin. Trong 5 năm học tại trường, không có chiến dịch Mùa hè xanh nào mà Khoa không góp mặt. Những mùa hè “vượt nắng, thắng mưa” ở các xã khó khăn, xã miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã giúp cậu dạn dày và trưởng thành hơn.

“Việc tham gia hoạt động Đoàn có lẽ là quyết định đánh dấu bước trưởng thành, làm thay đổi tư duy và nhận thức của tôi về mọi mặt. Nếu không, những năm tháng sinh viên của tôi chắc có lẽ đã trôi qua thầm lặng, đều đặn ngày ngày cắp sách lên giảng đường. Càng đi nhiều, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của người trẻ, cống hiến sức trẻ và tri thức để phục vụ cộng đồng”, Khoa chia sẻ.

'Bệ đỡ' cho tuổi trẻ sáng tạo ảnh 1

Màu áo Đoàn giúp Võ Anh Khoa - nghiên cứu sinh Tiến sĩ – ĐH Changwon, Hàn Quốc (bìa trái) tự tin, trưởng thành, dám dấn thân và dám cống hiến.

Tham gia các hoạt động phong trào giúp Khoa rèn giũa các kỹ năng, tự tin hơn, trưởng thành hơn để hoàn thành tốt việc học tập, nghiên cứu. Những cống hiến trong màu áo xanh giúp Võ Anh Khoa được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên và vinh dự trở thành đại biểu tham dự Chương trình gặp gỡ “Đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2019.

Năm 2019, Khoa cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện ý tưởng máy gom rác thủy bộ. Những khó khăn trong quá trình sáng chế, nghiên cứu có những lúc khiến nhóm sinh viên nản lòng. Nhưng mỗi khi khó khăn, “người bạn Đoàn” luôn ở bên đồng hành, cổ vũ. “Đoàn trường là đơn vị đầu tiên hỗ trợ cho nhóm kinh phí để nghiên cứu đề tài này. Đoàn trường cũng là cầu nối để nhóm có thể tìm kiếm những nguồn lực, sự hỗ trợ lớn hơn từ Đoàn Thanh niên ĐH Đà Nẵng, Thành Đoàn Đà Nẵng, T.Ư Đoàn… để chúng tôi có thể tiếp tục phát triển sáng chế này”, Khoa nhớ lại.

“Có thể nhiều người nhìn vào có ý kiến phiến diện, cho rằng hoạt động Đoàn thiên về bề nổi, phong trào. Nhưng các bạn trẻ hãy cứ dấn thân, hành động và cống hiến. Từ chính sự thay đổi, trưởng thành bản thân, tôi tin rằng Đoàn Thanh niên luôn là “bệ đỡ” cho mọi đoàn viên, thanh niên phát huy những thế mạnh, rèn giũa các kỹ năng để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, cống hiến sức trẻ cho xã hội”.

Anh Võ Anh Khoa (nghiên cứu sinh Tiến sĩ – ĐH Changwon, Hàn Quốc)

Khi sáng chế liên tục nhận được các giải thưởng nghiên cứu khoa học, ý tưởng sáng tạo cấp ĐH Đà Nẵng, cấp thành phố, cấp T.Ư, tổ chức Đoàn tiếp tục là “bệ đỡ” vững chãi để Khoa cùng nhóm nghiên cứu kết nối với các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành địa phương nhằm hiện thực hóa ý tưởng.

Nguồn cảm hứng cho tuổi trẻ rèn luyện

Bén duyên với hoạt động Đoàn từ những năm tháng còn là sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ra trường, trở thành giáo viên, anh Lê Mạnh Tấn (SN 1991), tiếp tục gắn bó với công tác Đoàn khi trở thành Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám khóa 47. Trong hành trình 14 năm làm công tác Đoàn, anh được trui rèn bản lĩnh để ngày càng hoàn thiện hơn.

'Bệ đỡ' cho tuổi trẻ sáng tạo ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy (bìa trái) trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024 cho anh Lê Mạnh Tấn - Bí thư Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng).

“Qua thực tiễn công tác, tôi càng tin tưởng rằng, tổ chức Đoàn thực sự là đội tiên phong trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đoàn viên, thanh niên, học sinh. Đây là phương thức hiệu quả để gắn kết tuổi trẻ, là môi trường lí tưởng để mỗi đoàn viên thực hiện được khát vọng của mình”, anh Tấn chia sẻ.

Là thủ lĩnh thanh niên, có hàng trăm đoàn viên, thanh niên là học sinh, anh Tấn luôn trăn trở về các mô hình, phong trào thiết thực để chuẩn bị hành trang, kỹ năng cho học sinh trong thời đại số. Các hoạt động tình nguyện, chiến dịch Hoa phượng đỏ liên tục được tổ chức qua các năm học để giáo dục cho học sinh về sự sẻ chia, cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.

Anh Tấn luôn duy trì Đội trí thức trẻ tình nguyện của quận Sơn Trà, hỗ trợ đội ngũ cán bộ Đoàn trường học trên địa bàn, tập huấn kỹ năng công nghệ, dạy học trực tuyến cho các Tổng phụ trách đội… Để tạo môi trường cho học sinh sáng tạo, anh còn triển khai và duy trì hiệu quả mô hình CLB Sáng tạo trẻ cấp trường với các buổi hội thảo và các cuộc thi Ý tưởng sáng tạo cấp trường… thu hút cả trăm dự án, ý tưởng tham gia.

Bản thân anh Tấn tiên phong trong các hoạt động chuyển đổi số tại trường với mô hình ứng dụng chuyển đổi số, thiết bị công nghệ để quản lý nề nếp học sinh; mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả văn hóa đọc… Mới đây, anh Tấn được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024.

Với anh Tấn, Đoàn luôn là tổ chức tiên phong dẫn dắt các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Giá trị đó thể hiện qua những phong trào cách mạng, chiến dịch, dự án thiết thực, hướng tới cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong suốt chặng đường lịch sử của Đoàn.

“Mỗi lớp đoàn viên trưởng thành sẽ là nguồn cảm hứng cho lớp đoàn viên kế cận trong quá trình phấn đấu và rèn luyện. Đoàn sẽ luôn là bệ đỡ vững chắc để đoàn viên, thanh niên học tập, tích lũy kiến thức, kỹ năng; đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước trong tương lai”, anh Tấn nói thêm.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.