Cả nghìn hiện vật
Triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” khai mạc đầu tháng 10, hiện diện trên đất Đức cho đến hết tháng 1/2018. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, triển lãm này không đơn thuần là chương trình hợp tác, trao đổi văn hóa, nó còn là dịp để người dân Đức hiểu hơn về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam. Từ năm 2011, Viện khảo cổ học Đức và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thiết lập sự hợp tác như trao đổi nghiệp vụ và chuẩn bị cho trưng bày quy mô tại Đức, đánh dấu bằng bản ghi nhớ giữa Bộ VHTTDL và Đại sứ quán Đức năm 2012.
Một số báu vật khảo cổ được đem tới Đức trưng bày đến đầu năm 2018.
“Đây là triển lãm đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam tại Đức, bởi nó giới thiệu tổng thể về tiến trình lịch sử Việt Nam”, ông Cường nói. Để chuẩn bị cho triển lãm quy mô, các chuyên gia của bảo tàng cũng mất nhiều thời gian sang Đức để khảo sát các địa điểm trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học tại Herne, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz, các Bảo tàng Reiss-Engelhorn Mannheim.
Hàng nghìn hiện vật lần lượt có mặt tại các bảo tàng này không chỉ đến từ phía Việt Nam. Ông Cường cho biết, người Đức đóng góp một số lượng đáng kể đồ thủ công, trống đồng và hiện vật hiện đại họ sưu tầm để làm phong phú thêm cho trưng bày.
Trước năm 1945, một số nhà địa chất phương Tây tiên phong nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Việt Nam. Tuy nhiên từ sau 1954, các nhà khảo cổ học Việt Nam thực sự đưa khảo cổ vào giai đoạn mới, ứng dụng phương pháp khoa học tự nhiên.
Các nhà khảo cổ học Việt Nam dần lấp đầy khoảng trống trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam từ sơ kỳ Đá cũ đến hậu kỳ Đá mới, bằng kết quả nghiên cứu, khai quật nhiều di tích do phương Tây công bố trước đó. Nhiều hiện vật lần này được lựa chọn cũng đánh dấu sự hợp tác của chuyên gia khảo cổ Đức trong các chuyến khai quật như ở Yên Bái, Long An.
Báu vật kể chuyện
Tiến trình lịch sử từ thời Tiền sử cho tới thời kỳ phong kiến Việt Nam được kể lại qua các khu vực trưng bày. Chẳng hạn ở thời Tiền sử, người xem có thể khám phá công cụ đá điển hình: Rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa) thời Đá cũ.
Công cụ hình đĩa, rìu ngắn tìm thấy tại hang Muối, Hòa Bình năm 1965. Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Thanh Hóa) sưu tầm năm 1965. Công cụ chặt đập di chỉ Gò rừng Sậu (Sơn Vi-Phú Thọ). Mới đây, giới khảo cổ Việt Nam vui mừng với một bộ sưu tập rìu tay ở Gia Lai bác bỏ quan điểm phương Tây cho rằng chỉ họ mới có công cụ thể hiện sự năng động, tiến bộ của con người.
Điểm nhấn của khu vực trưng bày hiện vật khảo cổ thời Tiền sử Việt Nam chính là tổ hợp phương tiện phục vụ cho cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964. Tư liệu, phim ảnh chứng minh cuộc khai quật lớn này đánh dấu mốc đầu tiên trong sự hợp tác nghiên cứu khảo cổ giữa Việt Nam với Cộng hòa dân chủ Đức. Các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện nhiều hiện vật thuộc hậu kỳ đồ đá cũ-văn hóa Sơn Vi.
Hình ảnh kinh đô của Việt Nam từ Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Nam Kinh được tái hiện qua một số hiện vật như ngói trang trí uyên ương, gạch xây thành, hiện vật tìm được ở hai di sản thế giới Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long. Đồ gốm Chu Đậu, hiện vật khai quật được ở con tàu đắm ở Cù Lao Chàm năm 1997 cũng được đưa đến Đức đợt này.
Chiếc trống đồng Sao vàng Thanh Hóa cùng với thạp đồng, chuông đồng của văn hóa Đông Sơn, rồi chuỗi hạt bằng thủy tinh tìm thấy tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, vòng tay, khuyên tai và nhiều trang sức bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam thuộc văn hóa Óc Eo… hàng chục hiện vật kể lại lịch sử Việt Nam trong thời kỳ kim khí ở ba trung tâm văn hóa lớn: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Đồng Nai. Trong số này chiếc trống đồng Sao vàng thuộc loại trống đồng lớn nhất Việt Nam cho tới nay, có niên đại hơn 2 nghìn năm tuổi được đánh giá cổ nhất Việt Nam.
Các nhà khảo cổ vẫn nói về vùng trắng khảo cổ học của miền Nam trước năm 1975. Đợt trưng bày này cũng là dịp để khoe thành tựu suốt 40 năm qua để vẽ lên bức tranh tiền sử, sơ sử Nam bộ. Một loạt hiện vật được giới thiệu dịp này: Hiện vật ở di tích khảo cổ cấp quốc gia Giồng Cá Vồ như vòng tay, khuyên tai hai đầu thú bằng đá, mã não và thủy tinh, các loại chuỗi hạt, nhẫn, lá vàng và một số hiện vật bằng vàng sớm nhất ở Việt Nam. Hiện vật di tích Long Sơn Bà Rịa - Vũng Tàu, di tích Gò Ô Chùa (Long An) là di chỉ khảo cổ học tiền sử ở Nam bộ. Một số hiện vật văn hóa Đông Sơn phát hiện ở Bình Dương cũng góp mặt, chứng tỏ sự giao lưu rộng rãi giữa các trung tâm văn hóa thời kim khí ở Việt Nam.
Không chỉ kể chuyện lịch sử, hiện vật trưng bày dịp này còn gánh thêm sứ mệnh quảng bá di sản, du lịch. Tác phẩm điêu khắc đá thể khối lớn như sư tử đá, phù điêu tu sĩ, bia Ponaga, đặc biệt bức tượng Mukhalinga đá sa thạch phát hiện năm 2012 tại Mỹ Sơn-Quảng Nam giúp khách tham quan có hình dung ban đầu về di sản Chămpa và di sản thế giới thánh địa Mỹ Sơn. Thực tế, khách châu Âu rất quan tâm tới loại hình du lịch di sản, Mỹ Sơn là một trong điểm thu hút du khách quốc tế.