Người kể chuyện cổ vật hoàng cung

Cổ vật của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng được trưng bày tại Festival Huế 2016.
Cổ vật của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng được trưng bày tại Festival Huế 2016.
TP - Dịp Festival Huế 2016 vừa qua, nhiều người đến Bảo tàng văn hóa Huế cốt để xem một bộ trưng bày cổ vật về đồ ngự dụng triều Nguyễn. Chủ nhân của bộ cổ vật này là nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng và đằng sau chúng là cả một hành trình dài tìm kiếm và thu thập đầy gian nan.

Anh Hoàng (42 tuổi) quê ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Bên ngoại anh có mấy cậu họa sĩ, bên nội theo nghề võ. Ba của anh vốn là võ sư trưởng môn của võ đường Bạch Hổ do cụ Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập.

Danh gia vọng tộc

Xưa ở Huế gọi môn võ gọi là Bạch Hổ. Võ đường thờ tổ là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai phá Nam bộ. Ba của anh Hoàng là trưởng môn thứ 21. Anh Hoàng bảo, môn phái Bạch Hổ đào luyện ra nhiều quan võ đời Nguyễn. Theo lời Hoàng, ba anh là con cháu dòng Nguyễn Hữu, được bầu làm trưởng môn, nhưng đến đời anh thì tuy có theo học, nhưng không có duyên. “Ngẫm ra, tôi có duyên với cổ vật nhiều hơn võ thuật”, Hoàng bảo.

Trong nhà anh vốn có những chén xưa, đĩa xưa. Anh mê mẩn những món đồ cổ ấy từ bé. Năm mười bốn tuổi, Hoàng đã bày trò chơi đồ cổ, có đồ gì đem ra bày trong tủ. Mười tám tuổi, phụ làm nghề khảm với ông anh, có tiền lại đạp xe khắp các làng xã tìm mua đồ cổ.

Anh Hoàng kể, đang học phổ thông dở dang thì bỏ học theo nghiệp đồ cổ, vì thích sưu tầm quá nên bỏ cả học. Lúc ấy chưa hiểu biết nhiều, anh cứ tự tìm tòi mà mua,  mà xem.

“Ngẫm ra thì cổ vật có quyền chạy đến nơi có tiền và hiểu nó. Nhưng nếu chỉ vì tiền, ai trả cao thì bán, cổ vật sẽ tản mát hết đi, đó là điều mà người sưu tầm thực sự không đành lòng”.

Nhà sưu tập 

Nguyễn Hữu Hoàng

Bỏ học để sưu tầm đổ cổ, không phải không hoang mang. “Cổ vật đã vài ngàn năm, mình lớn lên mới có mười mấy tuổi. Tôi sống ở nơi mà đồ cổ có từ muôn phương. Cũng may gặp gỡ học hỏi, mới làm nghề được. Tôi nghiệm thấy khi gặp được người giỏi như nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì tay tôi nghề lên. Chơi đồ cổ không giao lưu gặp người bậc thầy thì khó giỏi lắm. Mà muốn vậy, lại phải chăm chỉ đi sưu tầm, chăm bán, khéo mua để có cái mà giao lưu học hỏi”.

Có duyên với trang phục cung đình

“Mình tự thấy mình có duyên với đồ cung đình. Có người đi cả đời, muốn gặp mà không gặp được. Mình tự nhiên mà gặp được”. Anh nghĩ rằng cổ vật đã chọn người chơi chứ người chơi không chọn được cổ vật.

Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng nổi tiếng với bộ sưu tập trang phục cung đình, chưa từng ai có, kể cả bảo tàng ở Huế, cũng như trong đại nội. Vậy điều gì đã giúp anh sở hữu bộ sưu tập có một không hai ấy? Anh Hoàng bảo, tất cả là chữ duyên.  Anh mua được áo hoàng bào nhà vua ở biên giới với Lào, áo bào của vua lại do người dân tộc thiểu số giữ. Áo các quan, có chức phẩm lại nằm ở trong dân gian. Họ biết là đồ quý nhưng không biết đó là áo vua. Áo đại quan thì họ thường mặc để cúng cấp. Việc bỏ công sưu tầm mua bộ trang phục triều Nguyễn kéo dài đúng 10 năm. Có lần anh cùng nhà sưu tầm trẻ Thái Lộc đi tìm mua áo của đại quan, đem theo cả trăm triệu đồng, mà người ta không bán, phải quay về. Rồi nhờ kiên trì, nên cuối cùng mua được chiếc áo ấy.

Chiếc hoàng bào, người ta đòi mấy cây vàng, anh phải góp tiền, vay mượn, cố mà mua lấy, vì sợ áo hư hỏng mất. Có áo đại triều, áo nhã nhạc, áo cung nữ, lưu lạc trong dân gian, mỗi nơi một chiếc, người ta bỏ trong hòm trong tủ. Trà dư tửu hậu, hỏi mới biết mà mua. “Trước kia tôi chưa bao giờ thấy đồ trang phục hoàng cung trong dân gian, nhưng sau khi mua được chiếc hoàng bào thì dễ dàng tìm thấy những chiếc áo của các quan, như thế chúng từ các ngõ ngách làng quê mà kéo nhau về mà quần tụ trong nhà tôi vậy”, anh Hoàng nói.

Trong bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế có áo tế giao của vua Khải Định. Áo bào của Nguyễn Hữu Hoàng sưu tập, có người đoán là của vua Hàm Nghi hoặc Khải Định vì vua Khải Định nhỏ con. Vua Hàm Nghi lên ngôi khi còn nhỏ, mà chiếc hoàng bào này rất lạ vì nó nhỏ. Địa danh sưu tập chiếc hoàng bào phù hợp với chủ nhân là vua Hàm Nghi vì được tìm thấy ở Quảng Trị, gắn với phong trào Cần Vương.

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng đã chuyển nhượng bộ trang phục cung đình gồm 41 chiếc và tặng thêm 9 chiếc nữa cho Bảo tàng lịch sử TPHCM. Anh nói chuyển nhượng không phải vì kẹt tiền mà có nhiều lý do. “Mình biết đó là đồ quá quý, áo quan dệt cài hoa nay kỹ thuật đã thất truyền. Tôi nghĩ bảo tàng nhà nước giữ tốt hơn. Chất liệu vải bảo quản rất khó. Khi chuyển nhượng cho bảo tàng, tôi chỉ lấy tiền công sưu tập thôi. Tôi nghĩ phải có trách nhiệm đưa chúng về vị trí trang trọng. Đúng ra phải chuyển nhượng cho Huế. Mình giới thiệu bảo tàng Huế, nhưng Huế không có tiền mua. Bảo tàng TPHCM ra xem, mua không trả giá. Từ đấy mà gìn giữ cho muôn đời”.

Tri ân các chúa

Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng nói anh thường chú ý tìm cổ vật gì của tổ võ đường dòng họ là ông Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng nhiều năm chưa tìm được gì. Anh bảo: “Chắc có lẽ cố Nguyễn Hữu Cảnh chỉ lo làm việc cho đời, không để lại gì. Hoặc giả như trong nhà có đồ vật nào thì do không ghi khắc chữ nghĩa để lại nên mình có cầm được cũng không biết”.

Nhà nghiên cứu này chuyển hướng sưu tập đồ của chúa Nguyễn Phúc Chu, là người đã cử ông Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược xây dựng đất Nam bộ. Anh nói: “Đồ cổ của chúa Nguyễn Phúc Chu thì có vẽ cảnh đất Thuận Hóa, có kèm bài thơ của chúa và bút tích của chúa, không ai chối cãi được”.  Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào miền Trung, trải chín đời chúa, chỉ có thời chúa Nguyễn Phúc Chu là đồ dùng, bát đĩa có đề thơ, vẽ tranh xứ miền Trung vô cùng độc đáo, không lẫn vào đâu được.

Ngay lúc mới vào nghề đồ cổ, nghe có cái tô vẽ cảnh đèo Hải Vân khắc thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Hoàng đã quyết mua cho được.  Lúc đó hai cây vàng, mua được mấy sào đất, hoặc mua được một cái xe máy Honda 67, là những thứ mà trai trẻ lập nghiệp ở đất cố đô ai cũng muốn. Khi đó, Nguyễn Hữu Hoàng đi xe đạp, gần 20 tuổi, chưa có vợ, tài sản chẳng có gì. Ấy vậy mà vay mượn cả cây vàng đi mua chiếc tô của chúa, đem về để trong tủ. Rồi lại cứ đi xe đạp, buôn bán để trả nợ lần lần. Sau gần 20 năm, chiếc tô ấy anh vẫn giữ, dù có lúc người mua trả tiền tỷ để có nó.

Nhà sưu tập tâm sự: “Chúa Nguyễn Phúc Chu mở mang lãnh thổ rộng rãi mà ít được nhắc tới. Ví dụ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, tôi thấy người ta nhắc đến Nguyễn Hữu Cảnh nhiều mà mấy ai nhắc tới ngài Nguyễn Phúc Chu, người đã cử ông Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lý Nam bộ?  Mình tìm được những vật phẩm ngài để lại, đem triển lãm, dù sao cũng giúp nhắc lại tên của ngài, từ đó nhắc đến công lao, như một nén nhang tưởng nhớ đến ngài vậy”.

Triển lãm cổ vật mà nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng trưng bày trong dịp Festival Huế 2016 có rất nhiều đồ ngự dụng thời các chúa, trong đó có chúa Nguyễn Phúc Chu, thu hút rất đông người xem. Các cán bộ của Bảo tàng văn hóa Huế cho biết: “Cổ vật hoàng cung và cổ vật các chúa mà nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hoàng trưng bày hết sức độc đáo, quý hiếm. Bản thân bảo tàng chúng tôi cũng chưa có nhiều ngân sách để mua, chưa có điều kiện để sưu tập. Vào dịp Festival Huế, chúng tôi đã trưng bày đồ anh Hoàng sưu tập được, để ghi nhận công sức của nhà sưu tập này và giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước thưởng ngoạn”.

Người kể chuyện cổ vật hoàng cung ảnh 1

Nguyễn Hữu Hoàng và chiếc hộp đựng mũ quan triều Nguyễn.

“Cầm máu” cổ vật hoàng cung

Tôi hỏi nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng về cái mà người ta thường nói là “chảy máu cổ vật”, liệu có xảy ra với cổ vật hoàng cung không. Anh Hoàng nói không gì mất mát nhiều như cổ vật hoàng cung. Ngoài số cổ vật mà nhà nước giữ được, sau khi triều đình phong kiến tan vỡ, cổ vật ngự dụng tản mát đi khắp nơi.

Trước kia, Bộ Lễ cất giữ đồ ngự dụng và theo lệnh nhà vua mà ban phát một số lượng nhỏ ra ngoài cho các công chúa hoàng tử, đại thần tùy theo danh phẩm, công trạng. Sách vở ghi chép đầy đủ. “Ngày xưa quý những vật phẩm ngự dụng là do đồ của vua ban, thể hiện gia phong của gia đình đó. Lắm khi nhà quyền quý kẹt tiền thì đem cổ vật cầm đồ vì nó giá trị hơn cả tiền vàng”- anh Hoàng nói. Những năm 1980, kinh tế khó khăn, người ta đem tô ngự dụng ra đổi mấy chục ký gạo về cho con cái có miếng ăn. Người đi bán gạo mà cuối cùng lại giữ những món đồ vua ban.

“Trước kia người có tiền không hiểu đồ cổ nên ngại không mua, người hiểu lại không có tiền, chỉ quanh quẩn anh em trong giới với nhau nên giá cả không cao. Giờ đây, đồ của vua người ta quý,  sẵn sàng mua cái tô cả tỷ đồng, những người sưu tầm thuần túy như chúng tôi ngày càng gặp khó khăn hơn” - nhà sưu tập nói. Đồ cung đình có giá nên bị làm giả cũng nhiều, có cả đồ giả từ Thái Lan, Trung Quốc - theo lời anh Hoàng.

“Thế hệ trước nhiều nhà sưu tập chuyên nghiệp hơn ngày nay. Thế hệ sau này thì bán nhiều hơn mua, thế hệ trước thì mua nhiều hơn bán”, anh nói. Hoàng lo ngại cổ vật ngự dụng triều Nguyễn có thể sẽ ngày càng bị buôn bán nhiều hơn và rời khỏi Huế, rời khỏi Việt Nam. “Ngẫm ra thì cổ vật có quyền chạy đến nơi có tiền và hiểu nó. Nhưng nếu chỉ vì tiền, ai trả cao thì bán, cổ vật sẽ tản mát hết đi, đó là điều mà người sưu tầm thực sự không đành lòng. Chính bởi vậy, khi có những bộ sưu tập quý, tôi đã chọn con đường chuyển nhượng cho bảo tàng mà không quan tâm đến giá cả, vì tôi thấy chuyển cho bảo tàng chắc thế hệ sau còn nhìn thấy được và cổ vật hoàng gia sẽ còn ở lại trên đất nước mình”, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng tâm sự.

MỚI - NÓNG