Cổ vật còn vẹn nguyên như mới
Ngay từ sáng sớm 22/4, cung Diên Thọ (Đại nội Huế) - nơi diễn ra trưng bày “Không gian tiếp khách của Hoàng thái hậu” - đông nghịt khách. Đêm trước, chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh đã được đưa về đây từ Hà Nội. Trước đó là một quãng hành trình dài vận chuyển bằng đường hàng không xuất phát từ nước Pháp xa xôi. Hàng trăm du khách, người dân Cố đô Huế háo hức chờ giây phút được tận mục cổ vật quý lần đầu tiên trong cả nước được đấu giá và đưa thành công về cố hương, sau hàng thập niên lưu lạc xứ người.
Đúng 9 giờ sáng, "Không gian tiếp khách của Hoàng thái hậu xưa" chính thức được khai trương tại nhà Tả trà - cung Diên Thọ. Tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người khi đến đây từ sáng sớm chính là chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh. Chiếc xe cổ có kết cấu cơ bản bằng gỗ, dài 230cm, cao 136cm, rộng 102cm; sản xuất khoảng năm 1890. Xe do xưởng Hoàng Hưng ở Hà Nội chế tạo (Đông Kinh Hà Nội Hoàng Hưng tạo).
Phần khảm xà cừ tinh xảo trên bản gỗ phủ sơn mài đen bóng của xe do những nghệ nhân làng Kinh Lược xưa (thuộc Hà Nội) đảm trách. Vành bánh xe làm bằng gỗ, vòng ngoài niền bằng sắt. Cuối hai tay vịn phần trước xe là hai chiếc đèn bằng kính, bên trong thắp nến, mang dáng dấp kết cấu của phương tiện chiếu sáng hiện đại. Dù trải qua hơn 100 năm lưu lạc tha hương, qua nhiều biến cố, với những lần đổi chủ, chiếc xe vẫn được bảo quản hết sức cẩn thận, trông như còn mới nguyên…
Tiền đề tốt để cổ vật quốc gia hồi hương
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chiếc xe kéo là hiện vật được tỉnh TT-Huế đấu giá thành công tại vùng Chateau de Cheverny (Cộng hòa Pháp) vào tháng 6/2014. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được giao nhiệm vụ tham gia cuộc đấu giá đầy gây cấn, khó khăn, kịch tính này. Cuối cùng, cổ vật quý đã thuộc về đất nước Việt Nam.
Ông Hải lưu ý, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, vì lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật về lại quê hương. Thành công này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh TT-Huế với Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao - trực tiếp là Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp.
Sự kiện này tạo bước đi đầu tiên rất đáng ghi nhận, đặt nền móng cho việc Việt Nam tham gia công ước quốc tế về trao trả cổ vật, mở ra triển vọng Việt Nam có thể đàm phán với các nước thành viên khác để tìm giải pháp đưa nhiều cổ vật hơn nữa về lại quê hương.
Những tấm lòng thảo thơm vì bảo vật quốc gia
Tiến sĩ Phan Thanh Hải nhận định, xe kéo của Hoàng thái hậu Từ minh không chỉ là một cổ vật quý mà còn gắn liền với nhân vật lịch sử nổi tiếng - một vị vua yêu nước là Hoàng đế Thành Thái, nên nó càng có giá trị. Đó là một tài sản vô giá của đất nước. Năm 1907, chiếc xe quý này buộc phải bán cho một người Pháp, sau khi vua Thành Thái không còn ở ngôi vị Hoàng đế triều Nguyễn.
Xe được chủ mới trân quý như báu vật. Sau hơn 100 năm lưu lạc, cổ vật quý nay đã trở lại cố hương, thuộc tài sản của toàn dân Việt Nam. Theo ông Phan Thanh Hải, thành công này còn có sự đóng góp tích cực về vật chất và tinh thần của cộng đồng bà con Việt kiều tại Pháp, của một số doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm trong nước.
Trong tổng chi phí đấu giá trị giá 55.800 euro, ngân sách tỉnh TT-Huế bỏ ra 45.000 euro, phần còn lại do những nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp. Có những tấm lòng thơm thảo chung tay đưa bảo vật đất nước hồi hương khiến nhiều người xúc động, như trường hợp một Việt kiều ẩn danh tại Pháp ủng hộ 2.000 USD, hay một gia đình ẩn danh hiện sống tại Huế hỗ trợ 500 euro (tương đương 13,35 triệu đồng) mà không cần nêu tên tuổi...
Chậm về Huế do "vướng" thuế VAT
Theo dự kiến trước đây, chiếc xe kéo về tới Huế vào ngày 18/4, sau khi quá cảnh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Tuy nhiên, do "vướng" vấn đề nộp thuế VAT khi thông quan, nên đến chiều 21/4, chiếc xe cổ mới được đưa về Huế. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế, từ trước đến nay, chưa có hiện vật nào từ nước ngoài được đưa về Việt Nam theo hình thức cơ quan nhà nước mua đấu giá để trưng bày.
Chiếc xe kéo này chính là trường hợp đầu tiên, nên có những lúng túng về thủ tục, trước mắt phải thực hiện đóng thuế VAT (10%), với mức nộp khoảng 130 triệu đồng. Như vậy, chiếc xe kéo này để về được Việt Nam đã phải chịu hai lần phí và thuế...
Những hình ảnh ngày đầu xe kéo cổ hồi cung:
Nhà Tả trà - “nhà chờ” trước khi diện kiến Hoàng thái hậu của quần thần xưa thuộc cung Diên Thọ - là nơi lưu giữ, trưng bày chiếc xe kéo cổ hiện nay. Ảnh: Ngọc Văn.