Chiều ngày 24/12, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho Tiền Phong biết, sau khi tiếp nhận tin báo từ người dân về vụ buôn bán rùa biển quý hiếm, đơn vị này đã chuyển đến Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Tây Ninh điều tra.
Công an địa phương sau đó tiến hành kiểm tra nhà bà N.T.P (sinh năm 1973, ngụ ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) và phát hiện đối tượng đang chuẩn bị gói tiêu bản rùa biển đưa đi tiêu thụ. Qua khám xét nhà, cơ quan chức năng phát hiện 39 tiêu bản rùa biển với kích thước lớn (40 – 50 cm cho mỗi cá thể) bị tàng trữ trái phép.
Theo ghi nhận ban đầu của ENV, chủ lô hàng 39 tiêu bản rùa biển bị tình nghi là một “trùm” buôn bán động vật hoang dã lớn, thường giao dich buôn bán sang Trung Quốc. Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng mở rộng điều tra.
Các loài rùa biển đều được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) và nằm trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, tàng trữ rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ cá thể, sản phẩm, bộ phận không thể tách rời sự sống của chúng (bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật) sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân.
Từ năm 2010 đến hết Quý 3/2020, ENV ghi nhận 760 hành vi vi phạm liên quan đến rùa biển, trong đó chủ yếu là các hành vi quảng cáo, rao bán, nuôi nhốt, vận chuyển và buôn bán trái phép rùa biển. Cơ quan chức năng các địa phương đã tịch thu tổng cộng 193 tiêu bản rùa, 245 cá thể rùa biển còn sống, gần 7,400 cá thể rùa biển đã chết, tiếp nhận 68 cá thể rùa biển còn sống được người dân tự nguyện chuyển giao, Tổng khối lượng mai rùa biển tịch thu được từ các vụ án cũng lên tới hơn 1,4 tấn.