Tại Nam Định hiện có 2 chợ Viềng là chợ Viềng Phủ nằm ở xã Quang Trung, huyện Vụ Bản và chợ Viềng Chùa nằm ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Tương truyền, chợ Viềng Phủ Dầy có trước, được hình thành khi vua Quang Trung thần tốc kéo quân Tây Sơn ra Bắc đánh quân Thanh. Khi đến giáp thành Thăng Long vào đêm ngày mồng 7 tháng Giêng, vua cho dừng quân ở khu vực xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hiện nay để khao quân, bước vào trận đánh cuối cùng.
Người dân địa phương nghe tin liền giết trâu bò, mang đồ đạc đến tặng và cùng mổ bò khao quân.
Từ chiều mồng 7 tháng Giêng, du khách đã tấp nập đổ về chợ Viềng - Ảnh: Hoàng Long
Sau đó, tưởng nhớ chiến công đánh bại 20 vạn quân Thanh, người dân lập nên chợ Viềng Phủ, hàng năm họp duy nhất một phiên vào đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8 tháng Giêng để cầu may. Cũng theo tương truyền, ban đầu người dân quanh vùng đến chợ chỉ mua thịt bòm, thịt bê và mang đồ đạc, cây cối, hoa màu và vật dụng đến đổi, bán để cầu may chứ không vì lãi lỗ nên tại chợ bán thịt bò, bê và các loại nông cụ, cây cối, vật dụng sinh hoạt gia đình.
Còn chợ Viềng Chùa có sau đó. Nhiều tài liệu để lại còn cho thấy, hai chợ cách nhau con sông Đào, do một năm nước sông dâng cao, người dân phía bên Nam Trực không sang sông họp chợ được nên về khu đất cao cạnh chùa Đại Bi họp chợ và từ đó chợ Viềng Chùa xuất hiện. Tại chợ Viềng Chùa cũng bán chủ yếu là thịt bê, bò và các loại cây, quả, vật dụng cầu may. Tuy nhiên, do chợ họp trên đất Nam Giang là vùng đất có truyền thống về sản xuất cơ khí nên chợ thiên về các vật dụng cơ khí như cuốc, xẻng, dao kéo. Đặc biệt, từ khoảng vài chục năm nay, chợ Viềng Chùa còn được biết đến là một điểm hẹn của giới chơi đồ cổ.
Tên gọi chợ Viềng Phủ và chờ Viềng Chùa xuất phát từ di tích nằm cạnh chợ. Gọi là chợ Viềng Phủ vì nơi đây là nơi có quần thể di tích Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, còn chợ Viềng Chùa là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Du khách muốn đi du Xuân, thưởng ngoạn được cả hai chợ Viềng thì phải di chuyển từ chợ Viềng Phủ vào giữa đêm, sau đó ngược sang Chợ Viềng Chùa cách chợ Viềng Phủ 30km, hướng đi theo Quốc lộ 21 sang tỉnh lộ 55 của Nam Định.
Chợ Viềng Phủ gắn với di tích Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Ảnh: Hoàng Long
Thông tin với Tiền Phong chiều ngày 31/1, ngay trước giờ khai hội chợ Viềng, ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch huyện Vụ Bản cho biết đã nhận được văn bản của Bộ VH-TT-DL về việc dựng tổ chức các lễ hội nếu cần thiết để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng viruts corona.
"Do chợ Viềng Phủ (còn gọi là chợ Viềng Vụ Bản) là lễ hội dân gian, do người dân bản địa xã Quang Trung tổ chức nên chúng tôi không can thiệp được. Huyện tổ chức tuyên truyền để người dân, du khách nắm được tình hình, có biện pháp bảo vệ bản thân".
Cũng theo ông Kỳ, năm nay lực lượng công an Nam Định huy động 600 cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại chợ Viềng Phủ. Lực lượng này sẽ đảm nhận cả công tác tuyên truyền, phòng chống dịch và tham gia xử lý sự cố phát sinh nếu cần thiết.
Tương tự, chợ Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực vẫn được tổ chức như thường.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định, ông Khương Thành Vinh, tại các điểm đầu, cuối của chợ Viềng Phủ, Viềng Chùa và Phủ Dày đều có chốt y tế và đội phản ứng nhanh trực trong suốt dịp lễ hội. Nhân viên y tế sẽ dùng loa tuyên truyền về phòng chống dịch, giám sát các diễn biến dịch và ứng phó với tình huống phát hiện có người mang triệu chứng dịch.
Lực lượng công an tổ chức các chốt chặn kiêm giám sát,xử lý tình huống liên quan đến dịch viêm hô hấp cấp do viruts corona - Ảnh: Hoàng Long
Có mặt tại chợ Viềng Phủ từ 15 giờ chiều ngày 31/1, PV ghi nhận tất cả các tuyến đường đổ về phía chợ Viềng và Phủ Dầy đã chật cứng người. Lượng người mỗi lúc một đông khiến nhiều đoạn đường tắc nghẽn. Đến khoảng 16h chiều 31/1, các phương tiện giao thông qua tỉnh lộ 56 đoạn đường chạy qua chợ Viềng và Phủ Dầy tăng cao chóng mặt. Đây là con đường chính để các người dân từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.... đổ về Nam Định đi chợ Viềng cầu may. Khu vực đoạn đường nằm giữa chợ Viềng xã Trung Thành và Phủ Dầy, xã Kim Thái, do hàng quán ken đặc hai bên đường nên bắt đầu xảy ra tình trạng ách tắc, các phương tiện tham gia giao thông xe máy, ô tô nối đuôi nhau hàng dài nhích từng tí một để được vào bên trong. Lượng người đổ về chợ Viềng đông, kết hợp với những người đi chợ về lưu thông ngược đường về làm cho nhiều đoạn đường chật cứng, các phương tiện không thể di chuyển được.
Đến khoảng 18 giờ tối, ngược ra thành phố Nam Định và đường 55 đi chợ Viềng chùa, dòng người vẫn tấp nập đổ về. Hàng quán tại thành phố Nam Định và khu vực gần chợ đông chặt du khách. Các khách sạn, nhà nghỉ tại thành phố Nam Định đều báo hết phòng.
Từ chiều mồng & tháng Giêng, các tuyến đường về 2 chợ Viềng đều đông chặt xe cộ - Ảnh: Hoàng Long
Đến khoảng từ 22 giờ đêm, các ngả đường vào 2 chợ Viềng đều nêm chặt người. Tại chợ Viềng Phủ, dòng người nhích bộ từng bước suốt đoạn đường dài gần 5 km dẫn đến chợ. Còn tại thị trấn Nam Giang thì đông đặc người, xe đến chợ Viềng Chợ. Bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp đang đe doạ và cảnh chen lấn, xô đẩy đến vã mồ hôi giữ tiết trời se lạnh, những khuôn mặt đến chợ vẫn rạng rỡ nụ cười vì được dự phiên chợ cầu may và vì mua được một món đồ lấy may trong dịp năm mới.
Dưới đây là những hình ảnh về phiên chợ đặc biệt "năm có một phiên" tại Nam Định: