Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tối 9/11, tại Hà Nội, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chính thức khai mạc.
Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 diễn ra từ ngày 9/11-12/11/2023 với 3 sự kiện chính: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; lễ khai mạc Festival và Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP với quy mô 300 gian hàng trưng bày được thiết kế đặc biệt.
Nhấn mạnh thông điệp “Cùng nhau, chúng ta nâng niu giá trị Việt-Cùng nhau, chúng ta nâng tầm làng nghề Việt-Cùng nhau, chúng ta kết nối tinh hoa Việt,” phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết hàng nghìn làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trải khắp đất nước, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.
“Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề, lan tỏa những nét đẹp, giá trị tích cực đến với cộng đồng, cùng bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng người dân nông thôn,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Dẫn câu nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định truyền thống yêu nghề, kính nghiệp kêu gọi mỗi cá nhân có trách nhiệm, bổn phận để các sản phẩm làng nghề, tinh hoa Việt càng ngày bay cao, vươn xa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ với đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo, sự cảm nhận tinh tế vẫn luôn tự tin và tự hào tìm kiếm, chăm chút, tạo dựng những giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa đa dạng, bản sắc văn hóa-xã hội độc đáo.
Hà Nội là địa phương có tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước và là địa phương phối hợp tổ chức lễ hội. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, nổi bật những sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ, mỹ nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm...
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến 2025, tầm nhìn đến 2030 đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thủ đô hiện nay.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục phối hợp đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề và làng nghề Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển nghề nông thôn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Trên cơ sở đó, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam.
Chương trình tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; qua đó từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề./.
Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP diễn ra từ 9/11-12/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long, số 19C Hoàng Diệu, Hà Nội. Hội chợ có trên 100 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia với trên 300 gian hàng trưng bày; trong đó có 42 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các gian hàng quốc tế đến từ Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga…
Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên...
Đặc biệt, gian hàng hội chợ được phân chia thành các không gian trưng bày riêng biệt như: Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội; không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ quốc tế; không gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ; không gian làng nghề di sản; không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực OCOP vùng miền...
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-va-phat-trien-cac-san-pham-lang-nghe-viet-bay-cao-vuon-xa/906949.vnp