Tiếp loạt bài Dân nghèo sập bẫy “cò” ngân hàng:

Báo Tiền Phong “gây áp lực” cho tòa?!

Bị cáo Đoàn Thị Thu An tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Đoàn Thị Thu An tại phiên tòa sơ thẩm
TP - Bài báo đầu tiên mở đầu loạt bài Dân nghèo sập bẫy "cò" ngân hàng của báo Tiền Phong đã được trao giải Báo chí quốc gia năm 2010, tới nay bỗng bị một bị cáo kiến nghị đòi cải chính và… đòi thay PV dự phiên tòa phúc thẩm. 

Bị cáo “kiến nghị” báo chí

Đơn kiến nghị do bà Đoàn Thị Thu An ký ngày 25/7/2014, 1 tuần trước lịch xử phúc thẩm vào ngày 1/8/2014 theo thông báo của TAND Tối cao (sau đó tòa đã hoãn, nay vẫn chưa xử), gửi đến Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Bà An nguyên là thủ quỹ phòng Giao dịch Tân Lợi, trực thuộc Agribank chi nhánh Đắk Lắk, nơi xảy ra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị hại là hàng chục hộ dân nghèo.

Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Đắk Lắk, và phân tích của HĐXX phiên tòa sơ thẩm thì bà An là một trong 2 cán bộ ngân hàng tiếp tay đắc lực nhất cho “cò” Hoa lừa đảo, nên Tòa đã xử 2 bị cáo này đồng mức án 7 năm tù giam.

Trong đơn, bà An cho rằng báo Tiền Phong đăng không đúng sự thật ở chi tiết: “việc bà Oanh cho rằng tôi nói ngân hàng hết tiền và hẹn bà Oanh hôm sau lên nhận phần tiền còn lại là không đúng sự thật”.

Bà An còn đề nghị báo Tiền Phong không cử PV Hoàng Thiên Nga viết bài, đưa tin trong phiên tòa phúc thẩm sắp đến “để đảm bảo tính khách quan của dư luận, không tạo áp lực, tác động, gây ảnh hưởng đến tính công bằng nghiêm minh của pháp luật…”.

Không có căn cứ chấp nhận

Bài Dân nghèo sập bẫy "cò" ngân hàng đăng ngày 7/10/2010 là bài đầu tiên trong chuỗi phóng sự điều tra và các hồi âm tiếp theo kéo dài trên 20 kỳ, tới nay vẫn chưa dứt vì chưa tới kết quả xét xử cuối cùng. 

Báo vừa đăng tiếp kỳ 2 thì ngay trong ngày 8/10/2010, lãnh đạo Agribank chi nhánh Đắk Lắk đã ký công văn số 1527 gửi đến Tổng Biên tập báo Tiền Phong và tác giả bài báo, không phản đối một chi tiết nào, xác nhận hoạt động của cán bộ chi nhánh đã lộ rõ nhiều sai phạm, đồng thời cảm ơn “quý báo đã kịp thời có bài phóng sự phản ánh thực trạng trên, giúp chi nhánh NHNo&PTNT tỉnh Đắk Lắk đúc rút ra những bài học kinh nghiệm”.

“Để làm rõ tội trạng của các bị cáo trong vụ án này, HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã nghiên cứu hơn 1 vạn trang bút lục, đối chất, tranh luận cả chục ngày căng thẳng. Hình phạt 7 năm tù giam dành cho bị cáo An là có căn cứ. Cho rằng PV dự tòa có thể tạo áp lực, gây tác động đến tính công bằng là không hiểu gì về quy trình và tính nghiêm minh của quá trình xét xử”. 

Thẩm phán Lê Thị Vinh - Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ “cò” Hoa

Bản Kết luận điều tra của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã dành nhiều trang để mô tả hành vi lừa đảo móc xích giữa Nguyễn Thị Hoa (“cò” Hoa) với Đoàn Thị Thu An - thủ quỹ kiêm thủ kho phòng giao dịch Tân Lợi. 

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định các thủ đoạn tinh vi mà thủ quỹ An đã sử dụng để tiếp tay cho “cò” Hoa, như: Bị cáo An đã 6 lần giao tài sản thế chấp sai quy định, chi tiền khách hàng vay cho Hoa nhận, để bị cáo Hoa hoặc người làm cho Hoa tự viết chữ số vào bảng kê tiền chi của ngân hàng khiến các bị hại không tự kiểm soát được số tiền mình vay, nên bị Hoa lừa “vay ké” v.v… 

Kết quả điều tra và xét xử vụ án cho thấy các bài điều tra của PV Tiền Phong về vụ án này là có cơ sở. Công văn của Agribank chi nhánh Đắk Lắk cũng khẳng định báo Tiền Phong phản ánh đúng thực trạng xảy ra ở đây. Kiến nghị của bà An yêu cầu báo “cải chính” là không thể chấp nhận.

MỚI - NÓNG