Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị Ủy ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, ngày 30/12, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đề nghị, báo cáo của MTTQ cần bổ sung thêm vào nội dung nắm bắt tình hình dư luận xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, mua bán người.
Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam |
Theo bà Nga, trên thực tế, hiện nay các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng lên và có diễn biến phức tạp hơn.
"Trong năm nay, thông tin từ đường dây nóng của Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam đã nhận được gấp đôi số lượng cuộc gọi kêu cứu. Các cuộc gọi liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, đặc biệt các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em trên mạng xã hội có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp hơn. Bởi vậy cần bổ sung đánh giá tình hình chung, tâm trạng của dư luận xã hội trong báo cáo", bà Nga nói.
Về kết quả hoạt động, bà Nga cho biết, trong thời gian qua, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do hội phát động đã hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng 314 trẻ mồ côi do tác động của dịch COVID-19. Các em được chăm lo sức khỏe lẫn tâm sinh lý và tiếp thêm nghị lực để các em vươn lên trong cuộc sống.
Hội cũng phối hợp với MTTQ các cấp để giám sát chính sách hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, từ đó củng cố niềm tin và người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.
Cùng chung ý kiến, ông Trần Việt Anh, - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, đại dịch đi qua, rất nhiều trẻ em, nhiều gia đình đã mất đi người thân yêu của mình. Để hỗ trợ những đối tượng yếu thế này rất cần có sự đồng hành của MTTQ với doanh nghiệp bởi đây không phải việc làm 1 năm, 2 năm mà là việc làm kéo dài đến khi các em trưởng thành. Từ đó giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ xã hội của mình.
Trong khi đó, Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên quan tâm chăm lo người lao động bởi hiện nay, các khu công nghiệp, nhà máy, công xưởng là những nơi tập trung nhiều người lao động, nguy cơ lây nhiễm cao.
Do đó, vai trò của MTTQ Việt Nam cần được thể hiện mạnh mẽ hơn để phối hợp với các sở, ngành tại địa phương đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân; đồng thời cần tổ chức rà soát những người lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh để có chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn trong cuộc sống.