> Các tập đoàn lại giục EVN trả nợ
Nếu được các ngân hàng giải ngân đủ số tiền trên, EVN cũng mới chỉ đủ trang trải nợ nần (tiền mua điện) của hai chủ nợ là Vinacomin và PVN.
Cũng liên quan doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính vừa phải chấp nhận trả nợ thay cho 4 dự án nhà máy xi măng (trong tổng số 16 dự án đầu tư nhà máy xi măng mà Chính phủ có bảo lãnh vốn vay): Hoàng Mai, Tam Điệp, Thái Nguyên và Đồng Bành.
Nguyên do, nợ của 4/16 dự án xi măng đã đến kỳ phải trả mà các đơn vị này không có khả năng trả. Số tiền Bộ Tài chính trả thay cho 4 dự án này, theo kỳ hạn, chưa được công bố.
Nhưng chỉ riêng dự án xi măng Đồng Bành, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn, thì năm 2011, Cty CP Xi măng Đồng Bành thiếu 141 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi, trong đó phải trả nợ tiền gốc và lãi đến hạn cho Ngân hàng ANZ vào ngày 25-8-2011 đã là gần 3,5 triệu USD (khoản vay được Bộ Tài chính bảo lãnh). Và từ năm 2011 đến năm 2015, Cty này còn thiếu 607 tỷ đồng để trả nợ các tổ chức tín dụng và bù đắp nguồn tiền mất cân đối.
Trong khi đó, chỉ riêng EVN, con số lỗ năm 2010, hơn chục ngàn tỷ đồng. Cộng với khoản nợ trên 86.000 tỷ đồng của Vinashin... thực sự bức tranh lỗ và nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đang tác động mạnh đến bức tranh nợ công chung của Chính phủ.
Nếu coi các khoản tiền mà Chính phủ bảo lãnh để các DNNN triển khai dự án là một khoản đầu tư, thì việc vay nợ trong kinh doanh cũng là bình thường. Nhưng thông thường, không phải lĩnh vực nào Chính phủ cũng đầu tư, nhất là những lĩnh vực mà tư nhân có thể tham gia như xi măng.
Chưa kể, với các khoản bảo lãnh cho DNNN vay như vậy bị lỗ, thì vấn đề phân định trách nhiệm ra sao, cần phải được soi xét kỹ. Bởi không có ông chủ nào bỏ tiền ra, tới khi mất vốn lại không truy cứu trách nhiệm những người điều hành.
Còn nếu nói như tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, là nhà nước chỉ trả thay 3 kỳ, sau đó nếu doanh nghiệp không trả được sẽ bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ là xong thì thật quá dễ dàng.