Tên: Nguyen Dac Tien, Email: <A href="mailto:tiennd@yahoo.com">tiennd@yahoo.com</A>

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay
(TPO) Việc dạy và học văn trong nhà trường bao giờ cũng hết sức quan trọng, nó giúp hoàn thiện tâm hồn và nhân cách đẹp cho các thế hệ học sinh.  Dạy và học sao đây để văn học thực sự là nhân học trong tâm hồn của mỗi học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên ĐH KHXH&NV

 - Tiến sĩ Ngữ văn Hà Bình Trị, chuyên viên phụ trách môn văn, vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT

 - Nhà thơ Dương Kỳ Anh, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Tiền Phong

 - Cô giáo Phạm Thị Nga, giáo viên Văn trường PTTH Việt Đức, Hà Nội

 - Thầy giáo Vũ Xuân Túc, nguyên Tổ trưởng tổ Văn trường Hà Nội – Amsterdam

 - Nguyễn Xuân Diệp Linh – Lớp 11 A 18 trường PTTH Việt Đức, giải Ba học sinh giỏi văn TP Hà Nội

 - Các sinh viên giỏi khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội.

Đúng 9h10, các vị khách mời của chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại trụ sở báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội để bắt đầu cuộc trực tuyến. Mở đầu bàn tròn trực tuyến, nhà thơ Dương Kỳ Anh nói :

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 1
TBT Dương Kỳ Anh
TBT Dương Kỳ Anh: Làm sao để học sinh rung cảm trước những bài văn hay? Cuộc toạ đàm này, chúng ta đưa ra những nguyên nhân và giải pháp để giúp các em học sinh có thể cảm nhận được sâu sắc những áng văn hay.

Có 3 lý do: Lỗi của nhà trường, xã hội và lỗi của gia đình. 3 lý do này tác động vào chính các em.

Tôi rất tâm đắc với bài viết của TS Nguyễn Thị Minh Thái. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một áng văn hay, tiếc là em Phi Thanh không cảm nhận được, dù em đã thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình. 

Xin hoi nha tho Duong Ky Anh: Có phải thời đại kinh tế thị trường đã làm cho tâm hồn con người trở nên khô cứng và chai sạn không? Ông có thấy thế nào về cách biện minh rằng không sinh ra trong thời chiến tranh thì không thể cảm thụ được văn học thời kỳ chiến tranh không? Đành rằng, việc dạy và học văn hiện nay vẫn chưa theo được vì thời cuộc, nhưng rõ ràng nếu 1 ngưòi không có tâm hồn thì sinh ra ở thời đại nào cũng không thể hiểu cảm thụ được văn học. Ông có đồng ý với quan điểm này không?(lan anh, 30 tuổi, Berlin, Duc)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng là kinh tế thị trường có ảnh hưởng một phần nhưng đó là điều không thể biện minh cho việc sinh ra trong hoà bình thì không cảm nhận được văn học thời kỳ chiến tranh. Đúng là phải có tâm hồn thì mới cảm nhận được những tín hiệu của tâm hồn. Phải yêu văn học thì mới cảm nhận được cái hay của văn học.

Nhưng yêu văn học vừa phải bắt nguồn từ truyền thống của gia đình, xã hội lại vừa có sự trau dồi của bản thân. Trong phần trau dồi của bản thân, theo tôi phải có hai yếu tố là sự giảng dạy văn học trong nhà trường và việc lựa chọn ra được những tác phẩm hay để giảng dạy. Điều này đang là điểm yếu của chúng ta, nhất là trong thời gian gần đây do tác động của các phương tiện nghe nhìn, các phương tiện giải trí đã cuốn hút giới trẻ và thứ văn hoá gọi là "mỳ ăn liền".

Việc quan trọng là phải chọn ra được những tác phẩm văn học hay thật sự để giới thiệu lên báo chí và các phương tiện truyền thông cũng như đưa vào SGK để giảng dạy và phương pháp giảng dạy của các thầy cô giáo trong nhà trường cũng rất quan trọng. Nhà trường hiện nay chủ yếu là truyền đạt kiến thức theo kiểu học để thi mà chưa truyền đạt được những xúc cảm chân thật, đắm say trước một áng văn hay. 

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 2
Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh
Chào em Linh, chúc mừng em vừa đoạt giải ba môn văn TP Hà Nội. Em có nghĩ rằng đề bài về Nguyễn Đình Chiểu là khó không? Em có thực sự xúc động trước Văn Tế Nghĩa sĩ Cần giuộc không?(Yến, 25 tuổi, Hà Nội)

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Theo em thì đề thi này không khó! Vì đây là một bài nằm trong chương trình nên hoàn toàn có thể đưa ra làm đề thi. Tuy nhiên, đề thi cũng gây nhiều bất ngờ cho chúng em bởi tác phẩm này chúng em đã học từ Học kỳ I, khá xa so với ngày thi học sinh giỏi. Nhưng nếu đã học kỹ bài thì chắc chắn bạn học sinh nào cũng có thể làm tốt đề thi này.

TS Nguyễn Thị Minh Thái phát biểu :

Tôi rất thích chủ đề này. Theo tôi, vấn đề bài văn lạ nên dừng lại ở đây. Chủ đề cần phải bàn tới là thiết lập mối quan hệ đối thoại giữa hai phía - người  học văn  và người dạy văn ở trường phổ thông, có thể cả ở trường đại học nữa. Đặt  vấn đề như vậy, tôi đang muốn nêu ra cơ sở của nó chính là vấn đề văn hóa đọc.

Văn hoá đọc được tạo ra từ cả hai  phía, nhưng quan trọng nhất không phải là từ phía người dạy, với tư cách là chủ thể duy nhất. Muốn rung động được trước áng văn hay, trước hết  học sinh phải tự trở thành một chủ thể đọc, hoặc tự thiết kế cho mình một "văn hoá đọc", bởi vì không phải đọc cái gì cũng trở thành "có văn hoá đọc", nhất là đối với tác phẩm văn chương được viết bằng tiếng Việt.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 3
TS Nguyễn Thị Minh Thái phát biểu
Mà đã là người Việt Nam, chắc chắn phải việc yêu tiếng Việt - thứ tiếng mẹ đẻ của mình, vì thế, cái mà tôi không hiểu nhất chính là " Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" được viết bằng tiếng Việt, hơn thế nữa còn là một tiếng khóc thương của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu - một tiếng khóc văn chương đầy cảm thương và xúc động. Và vì vậy, tác phẩm này hoàn toàn không xa lạ với bất kỳ một người Việt nào, nhất là người Việt ấy đã trưởng thành và lại là học sinh giỏi văn. Nếu quả là một học sinh giỏi văn thì phải có một tình yêu văn chương, một tình yêu đối với tiếng Việt, thì dù chưa hề được học, được dạy tác phẩm này, bạn vẫn có thể rung động như thường thông qua quá trình tự đọc, tự nghiền ngẫm.

Trong Đại hội Hội nhà văn VII vừa rồi, các nhà văn rất ít bàn đến vấn đề VH đọc của người đọc. Trong khi đó, tất cả các tác phẩm văn chương đều phải hướng đến người đọc. Và đương nhiên, phải được viết bằng một thứ tiếng việt trong sáng và chuẩn xác. Nếu người đọc không thích đọc văn chương tiếng Việt nữa, thì các nhà văn là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về sự tha hoá của Tiếng Việt trong các tác phẩm của mình, bởi vì chúng không được viết bằng một thứ tiếng Việt mà bản thân nó đã là một công cụ tuyệt vời của nhà văn Việt nam.

Tham luận của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến không được đọc ở đại hội, nhưng đó là tham luận duy nhất về việc " Viết Tiếng Việt của nhà văn VN hiện đại" mà tôi có trích lại một phần trong bài viết kết thúc đại hội của mình trên Thể thao Văn hoá: Nhà văn VN phải viết tác phẩm bằng thứ tiếng Việt như thế nào để người đọc có thể cảm nhận và yêu tác phẩm.

 Cho nên Văn hoá đọc, theo tôi là một yêu cầu từ cả ba phía: Người viết văn, người dạy văn chương và người đọc văn chương.

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Theo em thì đề tài :"Để học sinh rung động trước những áng văn hay" là đề tài hợp lý cần đưa ra vì hiện nay nhiều học sinh cho rằng khó có thể cảm nhận và yêu thích về tác phẩm văn học. Nhưng theo em điều quan trọng là ở chính những bản thân học sinh. Có nhiều người ngộ nhận rằng họ không thích, họ không muốn tìm hiểu về những tác phẩm văn. Tuy nhiên. nếu mỗi người học sinh biết kết hợp giữa việc tìm hiểu tác phẩm, nghe thầy cô giáo giảng bài và học bài thì chắc chắn họ sẽ rung động trước những áng văn hay. Khi đó, sẽ không có một bạn học sinh nào lại có thể nói là mình vô cảm trước những tác phẩm hay đến vậy...

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 4
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Thưa chú Dương Kỳ Anh, là một nhà văn, nhà báo, chú nghĩ sao nếu có nhiều cử nhân báo chí tuyên bố rằng học văn chỉ là thừa thãi, rằng họ không thích học văn học? (Hoàng Anh, 27 tuổi, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Quả thực, nếu có nhiều cử nhân báo chí tuyên bố như vậy, thì quả là đáng buồn và đáng lo ngại. Bởi vì văn học là nhân học. Nếu như người làm báo, làm văn mà không quan tâm đến giá trị nhân văn cuả con người, thì những nhà báo tương lai ấy chỉ là những cái máy sản xuất ra những con chữ vô hồn và bạn sẽ hình dung ra sao nếu một xã hội chỉ có những con người hoạt động như robot? Như vậy, trái đất khó mà tồn tại và phát triển được với tư cách là trái đất của những con NGƯỜI. 

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 5
Thầy Vũ Xuân Túc
Thầy Vũ Xuân Túc: Là một giáo viên dạy văn nhiều năm, tôi cũng suy nghĩ nhiều về vấn đề làm thế nào để học sinh rung động trước văn học. Vì vậy, việc báo Tiền Phong nêu chủ đề này chứng tỏ quý báo đã có sự đồng cảm với các thầy cô trong trường học. Đó là muốn vươn đến mục đích lấy người học làm trung tâm.

Văn học là môn khoa học đặc biệt, là tiếng nói từ trái tim đến trái tim. Tuy nhiên, trong quá trình từ trái tim thầy, cô đến trái tim của học trò có một khoảng trống. Nếu không có sự cộng hưởng giữa thầy và trò thì, sự rung động của trái tim của cả hai phía sẽ bị triệt tiêu ngay trong khoảng trống đó.

Tôi đặc biệt muốn nói, làm thế nào để trong giờ văn phải triệt tiêu được sự áp đặt một chiều thầy đọc, trò chép. Giờ văn không phải là nỗi khiếp sợ mà là sự giao hòa, sự đối thoại song phương giữa thầy và trò. Tất nhiên, để làm được điều đó, giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì phải kiêm nhiều "nhà": nhà giáo, nhà tâm lý, thậm chí là một diễn viên... 

Em là người học cùng Phi Thanh? Trong khi Phi Thanh thì không thích bài Văn tế còn em lại đoạt giải. Cô giáo của em đã dạy em bài văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc thế nào?(Lan, 30 tuổi, Nghệ An)

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Theo em vấn đề không phải là ở cô giáo! Mà ở chính bản thân mỗi học sinh. Cô giáo của em là một người rất yêu nghề và rất tận tâm với nghề! Cũng như các tác phẩm khác, " Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" đã được cô giáo em giảng rất kỹ ở trên lớp. Cô đã giúp chúng em cảm nhận được cái hay, cái đẹp và những điều mà tác giả muốn truyền đạt tới người đọc. Em cũng như rất nhiều bạn khác đã thật sự rung cảm trước tác phẩm này.

Kính gửi cô Nguyễn Thị Minh Thái !

Thưa cô, em là đang học sinh lớp 12. Vừa qua em có đọc bài viết của cô trên báo, em rất xúc động, ước gì cũng chúng em cũng có được niềm say mê văn học cổ như cô và những lớp người đi trước, song em cho rằng nếu chúng em cứ học văn học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì có lẽ đối với những học trò ở nông thôn như em thì hiểu và thấy văn học cổ hay và đẹp thật khó. Em ước ao có được một giờ giảng văn mà thầy cô giảng "có lửa" nhưng những gì bọn em được nghe trên lớp không ngoài những điều đã có trong sách giáo khoa. Theo cô, để có thể có học trò say mê văn chương, thì trách nhiệm đó thuộc về thầy hay về trò? Chúng em cần phải làm gì để thầy cô giảng truyền cảm hơn nên lặng lẽ chép bài hay mạnh dạn chất vấn? (Phạm Đức Công,lớp 12A14 THPT Lý Thái Tổ, Từ Sơn, Bắc Ninh)

 TS Nguyễn Thị Minh Thái:

Tôi nghĩ để có học trò say mê văn chương, trách nhiệm đó thuộc về cả người thày dạy văn lẫn người trò học văn. Nhưng trước hết, theo tôi, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về người học văn. Không thể trao cho bất kỳ một người nào, dù đó là người thầy, chuyện học văn của chình mình, vì đó là vần đề của sự say mê, của trái tim, của sự yêu thích "cái đọc". Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy khi yêu thích 'cái đọc" đến mức người dạy trên lớp chỉ dạy một, nhưng bằng tất cả sự đam mê, tưởng tượng và say đắm văn chương của mình, người học trò vẫn có thể đẩy tác phẩm đến "điểm mười" của nó.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 6
Các SV Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội
Em thấy có những bài giảng thơ rất khó học thuộc, mà không thuộc thì chẳng làm bài được. Em xin hỏi các chị sinh viên trường ĐH Sư phạm, kinh nghiệm học giỏi văn của các chị là gì? (Hà, 17 tuổi, Hà Nội)

Các SV Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội:

Trước tiên em phải hiểu nội dung tác phẩm bằng cách đọc kỹ, tìm hiểu những thông điệp của tác giả qua tác phẩm đó. Khi đã hiểu rồi thì tự khắc sẽ thuộc.

Đừng xem học thuộc tác phẩm là 1 điều bắt buộc mà cần phải tìm được mối giao cảm đối với tác phẩm đó.

Muốn học giỏi Văn, trước tiên phải yêu Văn. Mà muốn yêu văn em phải hiểu tác phẩm. Muốn hiểu phải đọc nhiều, phải suy nghĩ, không chỉ đọc tác phẩm trong nhà trường mà cố gắng đọc rộng ra bên ngoài.

Xin hỏi bạn Nguyễn Xuân Diệp Linh, bạn hiểu thế nào là một áng văn hay? (Nga, 21 tuổi)

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Theo em, thế nào là "một áng văn hay" còn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người! Đối với em, một áng văn hay phải là một tác phẩm hay cả về nghệ thuật lẫn nội dung, phải thực sự khơi gợi được ở người đọc những xúc cảm từ trái tim. Tuy nhiên, sự rung động trước một tác phẩm hay còn phải phụ thuộc vào sự khám phá của bản thân mỗi người!

Người ta nói nghề báo nuôi nghề văn. Điều đó đúng với cô hay không khi nhiều người nói rằng cô chỉ viết báo cho tờ báo nào có nhuận bút cao?(Huyền Linh, 28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 7
TS Nguyễn Thị Minh Thái trả lời bạn (Huyền Linh, 28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)
TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đúng vậy. Trong tình hình truyền thông đại chúng bùng nổ như bây giờ, nghề báo cực kỳ phát triển và chắc chắn nghề báo nuôi được nghề văn. Chúng ta vẫn thấy rất nhiều nhà văn sống bằng nghề báo chứ không phải bằng nghề viết văn. Tiền nhuận bút của một quyển sách có thể chỉ bằng tiền nhuận bút của 2,3 bài báo Tết. Nghĩa là vài nghìn chữ của vài bài báo có thể được đánh giá ngang bằng với một cuốn tiểu thuyết hai, ba trăm trang. Cho nên rất dễ hiểu khi nghề báo nuôi được nghề văn và nhiều nhà văn sống bằng nhuận bút của báo chí hơn là nhuận bút văn chương.

Còn chuyện chỉ viết cho những tờ có nhuận bút cao thì câu trả lời của tôi là : Tại sao không? Vì những tờ báo ấy đánh giá cao bài viết của tôi và bài viết của tôi cũng đáng được đánh giá như vậy. Hơn nữa, những tờ báo trả nhuận bút cao là những tờ có số lượng phát hành lớn, mà điều đó là một niềm vui tinh thần không thể tính được bằng tiền. Vì không một niềm hạnh phúc nào lớn hơn với một nhà báo khi có thật nhiều độc giả đọc và thích bài viết của mình. Vả lại, bài báo được trả nhuận bút cao thì càng tốt chứ sao? Theo tôi, nhà báo giỏi là  nhà báo sống được bằng nghề viết và nhuận bút của mình, một cách lương thiện. Hiện nay có rất nhiều nhà báo như thế, tôi chỉ là một trong số đó.

Nghe nói một bài thơ của nhà thơ Dương Kỳ Anh mới được đưa vào sách, nhà thơ có thể giới thiệu về bài thơ này không? (Thanh, 25 tuổi, Nha Trang)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đó là bài thơ "Giàn nhạc mùa hè" trong đó có những câu như: "Khép cánh màn nhung; Đỏ trời hoa phượng; Ve là nhạc trưởng; Giàn nhạc mùa hè". Nhưng đó là SGK cho học sinh đang tập viết thôi.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 8
Sinh viên sư phạm Linh và Huyền
Hỏi các chị SV Sư Phạm: Trong sách giáo khoa có những bài mà em không thích, ngày trước đi học, đi thi, các chị có gặp những bài đó không? Nếu có thì các chị làm thế nào để không thích mà vẫn học được? (Hằng, 15 tuổi, Hà Tây)

Các sinh viên Sư Phạm:

Chuyện không thích một số tác phẩm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, phải đảm bảo vốn kiến thức cơ bản về những tác phẩm được đưa vào chương trình. Phải coi việc học cũng là 1 nhiệm vụ, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào hứng thú và sở thích. Bạn thử đọc lại tác phẩm xem, biết đâu bạn lại thấy thích tác phẩm ở 1 điểm nào đó mà lần đọc trước bạn chưa phát hiện ra.

Em sẽ thi ĐH khối gì? Gần đây, nhiều người sợ khối C vì khó xin việc. Là một học sinh giỏi văn, liệu em có dám đi theo văn chương không?(Thanh, 25 tuổi, Nha Trang)

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Em sẽ thi Đại học khối A. Không phải vì em sợ gặp khó khăn trong cuộc sống tương lai. Lý do chính là bởi bên cạnh sự yêu thích văn học là em còn có những niềm đam mê riêng của mình. Thế mạnh của em là Toán - Lý - Hoá và đó cũng chính là những bộ môn mà em rất yêu thích ngay từ khi mới tiếp xúc với các bộ môn này. Là học sinh giỏi văn không có nghĩa là phải đi theo văn chương. Chẳng nhẽ trong xã hội ngày nay chỉ có những người theo nghề văn mới là người yêu văn chương hay sao? Em tin rằng mỗi người trong chúng ta dù đi theo con đường nào thì chỉ cần trong trái tim vẫn có chỗ cho văn chương thì vẫn đáng được trân trọng.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 9
Nhà thơ Dương Kỳ Anh trả lời bạn (Thạc Văn Long, Số 8 Phan Huy Chú (ĐT 9333525
Việc thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ về học văn của em Nguyên Phi Thanh trở thành "chuyện lạ" phải chăng là do các em học sinh thiếu "diễn đàn" để nói thật những suy nghĩ của mình? Xin cho biết ý kiến của báo TP về vấn đề này. (Thạc Văn Long, Số 8 Phan Huy Chú (ĐT 9333525)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng là hiện nay còn thiếu diễn đàn để học sinh nói thật những ý nghĩ của mình. Còn có hiện tượng khi học sinh phát biểu trái với ý người lớn thế nào những học sinh đó cũng sẽ bị chụp lên một cái mũ đầy sự suy diễn tai hại. Cho nên, nhiều em học sinh muốn nói mà không dám nói, không biết nói ở đâu. Nói ra sợ bị tai hoạ giáng vào đầu mình. Đó là điều đáng lo ngại.

Nhiều sinh viên chỉ dám nói thật khi tán tào lao với nhau chứ chưa dám nói ở những diễn đàn chính thức. Không gì tệ hại hơn là sự nói dối. Nói dối dần quen sẽ tạo nên sự dối trá trong xã hội, nói một đằng, làm một nẻo. Theo tôi nên có những diễn đàn để cho học sinh nói thật mà không bị "bắt tội".

Th­ua Tien si Nguyen Thi Minh Thai,co da noi rat chinh xac rang:"Van hoc la mot truong hoc am tham."Ngay nho chau da doc nhieu va cam thay may man dc lon len trong the gioi rong lon va tham sau ay, nhung co phai cuoc song bay gio qua gap gap va thuc dung cong voi mot bo phan nhung ban tre khong co kha nang thi cac khoi A,B,D danh chon khoi C de chua chay roi tot nghiep ra truong tro thanh thay co giao day van, ho khong thuc su co mot ty van chuong ma chi xem vhoc nhu mot muc dich cua nghe nghiep, vi the ma hoc sinh cang ngay cang xa la voi mon van chang?(Ngo Thuy Duong, 28 tuổi, 46-Tran Phu)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi xin sửa lại lời của tôi cho chính xác: "Đọc tác phẩm văn học là một cuộc đối thoại  âm thầm và đơn chiếc, rất cần đến những tình cảm nội tâm sâu sắc của người đọc." Cháu đã tiến hành được cuộc đối thoại đơn chiếc ấy, đúng như cháu tâm sự là đã lớn lên trong thế giới rộng lớn và thâm sâu (của văn học).

Và cháu cũng đúng khi nhận xét rằng cuộc sống bây giờ quá gấp gáp và thực dụng, một số bạn trẻ không thể thi được khối A,B,D nên đành chọn khối C để "chữa cháy". Vì thế, họ chẳng có một tý văn chương nào trong người và họ cũng rất xem thường văn học. Đúng! Nhưng đây lại là điều cực kỳ đáng tiếc cho họ, vì họ đã làm mất một thế giới mà chỉ có văn chương mới có thể đem đến được. Và họ đã mất một thứ văn hoá rất quan trọng mà thiếu nó, 'sẽ không lớn nổi thành người" (Thơ Đỗ Trung Quân), đó là văn hoá đọc

Tôi cũng là một người yêu văn và từng học chuyên văn, nhưng nói thật tôi không dám chọn nghề văn. Các bạn rất dũng cảm! Các bạn có sợ là mình sẽ khó xin việc hay vấp phải những khó khăn khi đối mặt với học sinh không thích học văn? (Hà, 25 tuổi, Hà Nội)

Các sinh viên Sư phạm:

Việc khó xin việc đối với nghề Văn là một sự thật. Nhưng chúng tôi đã lựa chọn nghề Văn để được sống với niềm yêu thích, đam mê của mình. Khi đi thực tập, nhiều học sinh của chúng tôi không thích môn Văn. Đứng trước khó khăn đó chúng tôi chỉ biết đem hết lòng nhiệt tình và niềm say mê để truyền cho các em lòng yêu Văn chương, xem Văn chương như là 1 phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Thưa anh Dương Kỳ Anh, quả thực là bài Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc là hay, nhưng với các em hiện nay các đề thi luôn buộc các em cảm nhận như vậy có hợp với xu hướng học văn hiện nay hay không khi mà xã hội chúng ta luôn thay đổi, các nhà văn thế hệ sau này luôn có nhiều bài văn hay tại sao một kỳ thi học sinh giỏi không đem vào đề thi? phải chăng hiện nay học văn còn đang học tủ, các em học sinh còn đang làm văn dựa vào bài mẫu thì kết qủa mới cao có đúng không?(Lê Hong Hà, 30 tuổi, Vinh- Nghệ An)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc đúng là một áng văn hay nhưng cảm nhận được cái hay ở đó không phải là dễ. Vấn đề là các thầy cô giáo phải làm sao để truyền được cái hay đó cho học sinh. Theo tôi, đề thi cho những học sinh giỏi nên để cho học sinh có sự lựa chọn bằng cách có 2-3 đề tài về 2-3 hoặc nhiều áng văn hay để học sinh tự chọn lấy đề tài phù hợp với bản thân mình. Đó là điều khác của kỳ thi học sinh giỏi với kỳ thi ĐH hoặc thi tốt nghiệp PTTH.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 10
TS Nguyễn Thị Minh Thái trả lời bạn (lê hùng, 22 tuổi, khoa Văn ĐH Tổng Hợp)
Xin hỏi cô Thái, cô sẽ làm gì khi một học sinh đứng lên trước lớp và nói: Thưa cô em không thích học môn văn? Cũng xin hỏi các bạn sinh viên sư phạm, những người sắp ra trường, bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? (lê hùng, 22 tuổi, khoa Văn ĐH Tổng Hợp)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi sẽ làm gì à? Em không thích học môn văn là đã tự chuốc lấy một khoảng trống rỗng trong chính tâm hồn của em, và người thiệt thòi chính là em. Và sau đó tôi sẽ hỏi lý do tại sao em không thích, và trong những điều kiện có thể, sẽ giúp đỡ em tìm thấy rung động với văn chương, sẽ 'quyến rũ" em bằng cách phân tích một tác phẩm văn học tiêu biểu, chẳng hạn như bài "Tràng giang" của Huy Cận.

Tôi tin rằng sau khi phân tích một cách truyền cảm bài thơ đó, chắc chắn em sẽ thích và từ đó em sẽ.. tự thích những tác phẩm khác, với tư cách là "chủ thể đọc" tác phẩm văn chương. Và Văn hoá đọc của em sẽ hình thành từ đó.

Em Diệp Linh thân mến,theo em để cảm thụ 1 áng văn hay thì vai trò của người giáo viên có quan trọng không ? Và cô giáo em có giúp được em nhiều trong việc cảm thụ những áng văn trong chương trình mà theo nhiều học sinh vẫn còn gây khó khăn cho học sinh trong việc cảm thụ ?(Việt Thy, 21 tuổi, Hà Nội)

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Theo em, để cảm thụ một áng văn hay thì vai trò của người giáo viên là rất quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là bản thân của mỗi học sinh. Như em đã nói, cô giáo em là người rất tận tâm với nghề. Trong những tiết học, cô luôn dẫn dắt và đặt ra những câu hỏi gợi mở để chúng em có thể nói lên những suy nghĩ của mình.

Qua đó mỗi học sinh đều có thể hiểu tác phẩm sâu và toàn diện hơn. Em tin rằng không chỉ có cô giáo em mà bất cứ thầy cô giáo nào cũng vậy, khi giảng một tác phẩm không chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà còn truyền đạt cho học sinh những dòng cảm xúc của chính thầy cô. Nếu mỗi học sinh không biết lắng nghe thì không thể cảm nhận tác phẩm một cách sâu sắc!

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 11
Nhà thơ Dương Kỳ Anh trả lời bạn (Trang, 20 tuổi, Hà Nội)
Thưa nhà thơ Dương Kỳ Anh, làm thế nào để cân bằng giữa tâm hồn của thi sĩ và bản lĩnh của một nhà báo? Em thấy nhà thơ viết thơ tình tuổi 40 rất hay, mà tại sao "Giàn nhạc mùa hè" lại trẻ trung đến thế? Bao giờ độc giả được đón nhận cuốn tiểu thuyết thứ 2 của nhà thơ?(Trang, 20 tuổi, Hà Nội)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đó là sự phân thân. Anh phải biết khi nào anh là nhà báo và khi nào anh là nhà thơ. Khi là nhà báo anh phải hết sức tỉnh táo. Khi là nhà thơ anh phải hết sức đắm say. Tôi đã có một câu thơ: "Một ngày anh có ngàn tâm trạng". Chính cái "ngàn tâm trạng" đó làm nên chất nghệ sĩ nên tôi vừa có thể làm thơ tình tuổi 40 lại vừa có thể viết những câu thơ cho trẻ nhỏ như "Giàn nhạc mùa hè". Về cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi, có tên là "Thổ địa", tôi dự định sẽ ra mắt vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2006.

Xin hỏi Bà Minh Thái : " Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc' là áng văn hay. Nhưng vì sao rất nhièu học sinh dù là học sinh giỏi văn vẫn không cảm thụ được cái hay của tác phẩm, thậm chí là học thuộc lòng cũng rất khó vào?(Hoang Thien Nhien, 22 tuổi, Da Nang)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Rất khó thuộc lòng bài "Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc", vì bản thân nó là một bài tế thường được đọc trong đám tang. Vì thế, không thể học thuộc lòng như một bài thơ thông thường. Học thuộc lòng khó vào, với em cũng là chuyện bình thường.

Nhưng điều đó không liên quan gì đến việc cảm thụ được cái hay của tác phẩm, mà cái hay ở đây chính là lòng thương cảm và những giọt nước mắt của Nguyễn Đình Chiểu đã làm cho áng văn này trở nên đặc biệt xúc động, vì Nguyễn Đình Chiểu khóc thương cho những người nghĩa quân áo vải Nam Bộ đã bỏ mình vì nước.

Không thể không cùng thương cảm hoặc khóc thương với Nguyễn Đình Chiểu khi đọc bài văn tế này. Nếu không cảm thụ được cái hay của tác phẩm thì chỉ có thể tự trách mình đã quá vô cảm mà thôi. Mà sự vô cảm đối với cuộc sống của bất cứ người nào cũng là điều khủng khiếp, vì nó biểu thị sự lạnh lẽo, dửng dưng với đồng loại.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 12
Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh trả lời bạn (Kim Phượng, 22 tuổi, Quốc Oai, Hà Tây.)
Xin hỏi Linh, nếu em có những suy nghĩ như em Thanh, em có dám nói lên những điều đó không?(Kim Phượng, 22 tuổi, Quốc Oai, Hà Tây.)

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Em nghĩ rằng nếu một học sinh tập trung nghe giảng, học bài và cảm nhận tốt về tác phẩm thì chắc chắn sẽ không có những suy  nghĩ như vậy.

Tại sao em không thấy rung động trước bài văn hay. Học văn không giỏi, nguyên nhân tại đâu?(Lê Vân Chi, Hà Nội)

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 13
Thầy Vũ Xuân Túc trả lời bạn (Lê Vân Chi, Hà Nội)
Thầy Vũ Xuân Túc: Trước hết phải nói rằng, học giỏi văn hay không là phụ thuộc vào em, vào tình yêu, vào nỗ lực của chính bản thân em. Nói cho cùng, em chưa cảm thấy rung động trước văn học là em chưa thật hiểu văn học. Nó cũng giống như tình yêu ấy em ạ, càng hiểu nhau nhiều, tình yêu sẽ càng bền chặt (cười).

Nhưng theo tôi, văn học là nhân học. Nếu em đến với văn chương chỉ với mục đích phải học giỏi môn học này, để được điểm cao là không đủ (mặc dù đó là nguyện vọng chính đáng). Chỉ khi nào em xác định rõ mục tiêu đến với văn chương một cách tự nguyện bằng tất cả niềm đam mê, đến với văn chương để cảm nhận được những giá trị nhân bản sâu sắc của xã hội, để học cách làm người thì chắc chắn khi đó, theo tôi, em sẽ học tốt môn văn.

Ngoài ra, em cố gắng nắm bắt được những vấn đề bức xúc của thời đại, từ đó cảm nhận được những giá trị mà văn chương mang lại, tất nhiên là theo cách của vă chương.

Đó là tôi mở rộng ra đối với học sinh - sinh viên nói chung nhân câu hỏi của em (chỉ có 10 tuổi). Còn với độ tuổi của em, tôi nghĩ em nên đến với những bài thơ thiết thực, gần gũi nhất trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh em, quê hương, làng xóm... Đó là cái gốc, là cơ sở vững chắc để em đến với tình yêu văn chương đích thực.

Thưa ông Dương Xuân Nam, ông vừa là báo, vừa là nhà thơ, nhà văn, đặc biệt là Tổng biên tập một tờ báo dành cho tuổi trẻ, trước tình trạng dạy văn và học văn đang được tranh cãi hết sức sôi nổi như hiện nay, với tư cách nhà báo, ông có kế hoạch để tuyên truyền phát huy văn hóa hóc đọc cho lớp trẻ không? (Phạm Đức Công, 17 tuổi tuổi, Lớp 12A4, THPT Lý Thái Tổ, Từ Sơn, Bắc Ninh)

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 14
Nhà thơ Dương Kỳ Anh trả lời bạn (Phạm Đức Công, 17 tuổi tuổi, Lớp 12A4, THPT Lý Thái Tổ, Từ Sơn, Bắc Ninh)
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Vấn đề văn hoá đọc đang là vấn đề mà báo Tiền Phong rất quan tâm. Ngoài những bài viết trên báo, chúng tôi còn tổ chức nhiều cuộc thi để khuyến khích thanh niên đọc sách. Điều đáng lo ngại hiện nay là thanh niên chỉ nghe, nhìn nhiều hơn là đọc. Người xưa nói: "Trung thư hữu kim" nghĩa là "trong sách có vàng", phải làm sao để thanh niên tìm thấy chất vàng mười đó trong sách.

Cho nên, 6 năm nay, báo Tiền Phong thông qua Công ty Tiền Phong đã xây dựng một hệ thống nhà sách ở Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, An Giang.... và bằng nhiều cách để thu hút thanh niên đến với việc mua và đọc sách. Báo Tiền Phong cũng thường xuyên giới thiệu những cuốn sách hay, nhất là sách văn học để giới trẻ có thể chọn lựa đúng bởi vì hiện nay sách hay và sách dở lẫn lộn rất nhiều.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 15
TS ngữ văn Hà Bình Trị, chuyên viên phụ trách môn Văn, Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT
TS ngữ văn Hà Bình Trị, chuyên viên phụ trách môn Văn, Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT phát biểu :

Tôi cho rằng đây là chủ đề rất thiết thực, nó đã động đến vấn đề cốt lõi của việc học văn và học văn.

Văn chương cần sáng tạo, mỗi người cần có một sự rung động riêng. Cá nhân tôi cho rằng: Học văn mà không rung động trước vẻ đẹp của tác phẩm thì không thể đạt yêu cầu.

 Để rung động cần nhiều yếu tố và tuỳ thuộc từng cá nhân HS. VD: Nếu không có sự thiết tha với vấn đề đặt ra  trong tác phẩm thì làm sao rung động được. HS phải có tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái hay cái đẹp của tác phẩm. Mà trước hết phải đọc kỹ tác phẩm trong SGK, nắm được phần tiểu dẫn, đọc kỹ để giải mã được những từ ngữ khó ghi ở phần chú thích. không thực hiện điều đó thì khó có thể hiểu được tác phẩm. Mà không hiểu tác phẩm thì không thể rung động cho dù đó là kiệt tác.

Thứ hai giáo viên cũng phải rung động, chỉ khi nào trong lòng anh có lửa thì mới có thể truyền lửa cho người khác. do đó GV phải chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp. Phải giảng dạy với tất cả tình yêu đối với thế hệ trẻ.

Chương trình của SGK phải chọn được những áng văn hay. Có thể nói còn những điểm cần trao đổi nhưng nhìn bao quát chương trình của SGK hiện hành đã chọn được những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy và trò rung động chân thành.

Việc thi cử và đánh giá trong một số năm gần đây cũng đã có những điều chỉnh theo hướng tích cực tạo điều kiện để HS thể hiện những rung động chân thành của mình, khắc phục tình trạng đồng phục hóa cách hiểu về tác phẩm. Chẳng hạn trong hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp môn văn Bộ GD&ĐT luộn lưu ý người chấm đánh giá cao những HS có những rung động chân thành độc đáo về tác phẩm, có những cách diễn đạt trình bày diễn đạt sáng tạo.

Việc góp ý với tinh thần xây dựng chương trình làm SGK, đổi mới cách dạy và học là công việc nên được tiến hành thường xuyên. Tôi được biết, những ý kiến xây dựng này luôn được những người có trách nhiệm biên soạn chương trình SGK, chỉ đạo chuyên môn,...hết sức trân trọng.  

Xin hỏi bạn Diệp Linh: Làm thế nào mà bàn có thể yêu thích và học giỏi rất nhiều môn như vậy?Bạn có phải đầu tư nhiều thời gian không?(Hà, 16 tuổi, Hải Dương)

Học sinh Nguyễn Xuân Diệp Linh: Thực ra thời gian mình dành cho học tập không quá nhiều. Mình vẫn có thời gian để giải trí như xem TV, nghe nhạc, đọc truyện, chơi đàn... Mình nghĩ để yêu thích và học giỏi nhiều môn không phải khó! Chỉ cần chúng ta sắp xếp thời gian thật hợp lý giữa việc học và chơi thì vẫn đạt được kết quả tốt.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 16
TS Nguyễn Thị Minh Tháin trả lời bạn (Lê Hồng Hà, 30 tuổi, Vinh- Nghệ an)
Chị Thái ơi, tôi tôi thấy có thể là em học sinh đó không cảm nhận được bài văn tế nhưng theo các bài tranh luận của chị tôi thấy chị còn nặng về định kiến với chính kiến của em học sinh này như vậy là không công bằng?(Lê Hong Hà, 30 tuổi, Vinh- Nghệ an)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Trái lại, tôi thấy mình không định kiến và rất tôn trọng chính kiến của em học sinh này. Ngay cả việc em không cảm nhận được bài văn tế, tôi cho rằng đó cũng không phải điều khó hiểu và không phải chưa xảy ra bao giờ. 

Em Thanh có quyền không thích tác phẩm này hay tác phẩm khác, và có quyền không tuân thủ theo cách dạy cơ học giáo điều, nhưng phải chăng em tự cho mình quyền dửng dưng, vô cảm  đến lạnh ngắt trước cái đẹp của văn chương đã được định giá và kiểm chứng qua thời gian như tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như cách viết, cách xây dựng hình tượng đầy tình thương cảm, lòng tri ân đối với những nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông?

Tôi bỗng nhớ câu nói của một hiền triết phương Tây: "Tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi". Như thế, tôi là người công bằng đấy chứ? 

Thưa nhà thơ Dương Kỳ Anh: Chúng ta vẫn nói:"Một tác phẩm hay tự nó đi vào lòng người". Văn Tế NSCG nếu làm một cuộc điều tra khách quan và công bằng trong HS, thì có sẽ có một tỷ lệ không nhỏ "sợ" (từ của các em) tác phẩm này. Theo tôi, Văn tế NSCG chỉ hay dưới cái nhìn của nhà nghiên cứu, phê bình văn học, và khi chúng ta đã trưởng thành, có đủ khả năng cảm thụ một nền văn học qua khứ. Như vậy, việc nói thẳng và nói thật của em Thanh có đáng bị chúng ta chỉ trích đến mức như thế hay không? (Nguyễn Cát Tường, 32t tuổi, Da Nang)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Ý kiến của bạn theo tôi chỉ đúng một phần. Người xưa nói: Hữu xạ tự nhiên hương. Cái hay tự thân đúng là cái hay đích thực. Nhưng những học sinh chưa có sự từng trải thì điều cần thiết là nhà trường phải truyền đạt được cái đẹp, cái hay trong văn chương nói chung và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng.

Theo tôi, điều chúng ta đáng biểu dương ở em Thanh là dám nói thật. Nhưng điều đáng trách ở em Thanh là nói thật không đúng chỗ. Báo Tiền Phong hoàn toàn không chỉ trích em Thanh mà chỉ muốn nói lên tính khách quan của sự việc để bạn đọc hiểu rõ và tự rút ra bài học cho mình.

Xin chào Thanh Nga, mình cũng đã từng là một học sinh chuyên Văn nhưng không học Lam Sơn, mình luôn ngưỡng mộ các bạn. Là một học sinh giỏi Văn và sẽ là một giáo viên Văn tương lai, Nga có ý kiến gì về vai trò của người thầy trong việc bồi dưỡng niềm đam mê văn chương? Hồi cấp 3 Nga có được học với một người thầy như vậy không? Thầy giáo cấp 3 của Nga đã giảng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc này như thế nào? Vì mình được biết ở các lớp chuyên nhiều thầy cô chỉ chú trọng dạy phần văn học hiện đại để đi thi mà luôn bỏ qua phần văn học cổ và trung đại hoặc dạy rất sơ sài? Xin cảm ơn bạn. Chúc bạn sẽ trở thành một cô giáo truyền được đam mê cho học trò. (Nguyên, 30 tuổi, Thanh Hoa)

Thanh Nga:

Theo mình, vai trò của người thầy giáo rất quan trọng trong việc truyền cho các em tình yêu Văn chương. Bản thân người thầy không thích, không yêu Văn chương thì rất khó khiến học trò rung động trước những tác phẩm. Rất may mắn cho mình bởi ngày cấp III mình đã được học 1 cô giáo tâm huyết và nhiệt tình với Văn chương.

Mình nhớ là hồi cấp III, khi giảng bài Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc, ấn tượng mà cô giáo đã truyền cho mình là những rung cảm trước hình ảnh bi tráng của những người nghĩa sỹ Cần Giuộc. Nhưng quả thật đây là 1 tác phẩm rất khó, phải chăng đó là lý do khiến nhiều người không thích?

Có một thực tế là thi tốt nghiệp và thi đại học thì phần Văn học cổ và Văn học trung đại bị bỏ qua, nên việc xem nhẹ mảng văn học này là có cơ sở. Nhưng mình nghĩ việc tìm hiểu các tác phẩm văn chương cổ và trung đại còn phụ thuộc vào bản thân mỗi người học. Không nên quá phụ thuộc vào chương trình nếu bạn là người thực sự yêu thích văn chương. 

Xin hỏi cô Phạm Thị Nga: Có thể nói xu thế của thời đại dẫn đến việc học Văn bị xem nhẹ, ngay cả phụ huynh học sinh cũng nghĩ như vậy. Là một giáo viên dạy Văn, cô sẽ làm gì để giúp học sinh tiếp nhận Văn chương một cách tự giác mà không bị câu thúc bởi thi cử? (Linh, 22 tuổi, Hà Nội)

Cô Phạm Thị Nga:

Nếu có điều kiện cô sẽ trao đổi trực tiếp về những giá trị đích thực chân- thiện- mỹ của văn chương đối với tâm hồn, với đời sống của mỗi người. 

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 17
Thầy Vũ Xuân Túc trả lời bạn(Thuỷ, 23 tuổi, TPHCM)
Xin hỏi thầy Túc, là một sinh viên sư phạm sắp ra trường, em được nghe rất nhiều về tình trạng học sinh hiện nay không thích học văn. Theo thầy thì nguyên nhân tại sao và chúng em, những giáo viên văn trẻ sẽ phải làm gì?(Thuỷ, 23 tuổi, TPHCM)

Thầy Vũ Xuân Túc: Tôi cho rằng, học sinh không thích học văn có rất nhiều lý do, trong đó có sự lấn át của khoa học tự nhiên. Mặt khác, khối lượng kiến thức các môn học của học sinh quá nhiều khiến thầy giáo dạy văn gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy.

Bên cạnh đó, khối lượng kiến thức học sinh tiếp thu lớn nên học sinh không có điều kiện toàn tâm toàn ý với môn văn...

Theo tôi, người thầy nên cố gắng tìm hiểu bài văn để tìm ra mối liên hệ với những vấn đề bức xúc của cuộc sống hôm nay. Mặc dù cuộc sống hiện còn bộn bề những sắt thép nhưng nhiệm vụ của người thầy trên bục giảng là phải thổi vào bài giảng văn những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội (nhưng không thoát ly khỏi áng văn cụ thể), đặc biệt là những vấn đề nóng hổi của trái tim. Khi đó, học sinh sẽ không có cảm giác văn học là cũ, xa lạ với thời đại hôm nay.

Là các giáo viên dạy văn trong tương lai, các em có ưu điểm có cùng chiều hướng tâm lý, cũng như dễ lĩnh hội khoa học kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, tôi mong rằng các em sẽ tìm ra cách giảng dạy cho riêng mình để làm thức dậy những áng văn hay trong sự rung động của học trò.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 18
Diệu Linh trả lời bạn (Nguyễn Đức Lợi, 22 tuổi, Khoa Toán ĐHSP HN)
Diệu Linh thân mến, bạn đến với văn học như thế nào? Sau đợt thực tập vừa qua, bạn có thấy mình đã sai lầm khi chọn ngành sư phạm không? Tương lai, bạn sẽ trở thành một cô giáo dạy văn, vậy bạn đã có định hướng gì để "học sinh rung động trước những áng văn hay"?(Nguyễn Đức Lợi, 22 tuổi, Khoa Toán ĐHSP HN)

Diệu Linh:

Mẹ mình là 1 giáo viên dạy Văn nên từ nhỏ mình đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tác phẩm văn học. Lớn lên mình được truyền niềm yêu thích văn chương từ các thầy cô giáo dạy Văn của mình. Mình không hề ân hận khi đã lựa chọn ngành sư phạm Văn. Và trong tương lai mình sẽ cố gắng truyền lại niềm đam mê Văn học cho những thế hệ học sinh của mình.

Chào chị Thái. Theo tôi, nếu em Phi Thanh cố tình làm bài văn này theo cách giảng của các thầy cô hiện nay thì có thể em vẫn đạt giải nhưng vì em không muốn nói khác với lòng mình hơn nữa có thể các em muốn đưa ra một chính kiến khác của mình tại sao các chị không đổi suy nghĩ và thừa nhận những chính kiến của các em là cần phải thay đổi cách học văn đi. Bài văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc là bài văn hay nhưng không phải là ở thời nào nó cùng là bài văn tiêu biểu chẵng nhẽ văn học sau này không có bài văn nào hay phù hợp với các em để ra đề thi hay sao(Lê Hong Nhung, 22 tuổi, Đức thọ- Hà tĩnh)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi chưa bao giờ nói là trước một trường hợp như em Thanh, chúng tôi không thay đổi suy nghĩ cũng như không chịu thừa nhận những chính kiến của học sinh.

Em phải có một kiến thức văn học nhất định thì mới có thể đưa ra được câu hỏi ĐÚNG. Sở dĩ tôi phải nói như vậy là vì nhận định của em, rằng "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bài văn hay nhưng không phải thời nào cũng tiêu biểu" là hoàn toàn sai. Đó là một tác phẩm vĩnh viễn tiêu biểu qua tất cả các thời kỳ lịch sử của văn học Việt Nam, là một "ngôi đền thiêng trong văn học"(Thanh Thảo). Em hãy cẩn trọng khi đụng vào ngôi đền thiêng ấy.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 19
Cô giáo Phạm Thị Nga, trường PTTH Việt Đức trả lời bạn(Hoàng Thị Thu Nga, 19 tuổi, SV trường Hoàng văn Thụ, Hoà bình)
Em xin phép hỏi tất cả các thầy các cô, đặc biệt là cô Nga: Thưa cô, theo cô trong 10-15 năm tới, sách giáo khoa có thay đổi? Cô nghĩ rằng khi nào thì bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc sẽ không còn nằm trong SGK nữa? (Hoàng Thị Thu Nga, 19 tuổi, SV trường Hoàng văn Thụ, Hoà bình)

Cô giáo Phạm Thị Nga, trường PTTH Việt Đức:

Theo cô, chắc chắn là SGK sẽ thay đổi theo yêu cầu của thời đại nhưng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vẫn sẽ nằm trong chương trình giảng dạy.

Vì đây là một tác phẩm trọng đại trong lịch sử văn học dân tộc

Thầy Vũ Xuân Túc: Theo tôi, trong những năm tới, SGK có thể có những thay đổi cho phù hợp nhưng những áng văn hay như "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" không bao giờ bị loại ra khỏi chương trình SGK bởi đó là tài sản tinh thần quý giá của dân tộc.

Có thể, những nhà soạn sách sẽ có sự điều chỉnh để học sinh dễ tiếp cận hơn với bài văn hay này nhưng ý kiến tôi cho rằng, "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" sẽ được đưa vào chương trình SGK bởi giá trị của tác phẩm gắn liền với

Chỉ có điều, thầy, cô phải có nhiệm vụ gắn kết với người học.

Thưa thầy Hà Bình Trị, tôi thấy văn thì mỗi người cảm nhận theo một cách khác nhau, vậy riêng môn văn có nên có một hội đồng chấm văn hay không, để nhiều thầy cô cùng cảm nhận bài văn của các em theo nhiều cách, khi đó sẽ đánh giá chính xác hơn điểm số của các em?(Quang Tùng, 47 Tuổi tuổi, Cầu Giấy - Hà Nội)

TS Ngữ văn Hà Bình Trị:

Như chúng tôi đã có dịp trình bày, việc cảm nhận văn học cần có sự độc đáo và sáng tạo. Được biết, trong các hướng dẫn chấm của bộ đều lưu ý giám khảo đánh giá cao sự cảm nhận độc đáo của thí sinh.

Như vậy cũng có nghĩa là khích lệ các em thể hiện chính kiến khác nhau. Tuy nhiên, sự cảm nhận mới chỉ được chấp nhận khi bám sát văn bản, có lý lẽ thuyết phục và làm tác phẩm sáng giá hơn. Thực tế rất ít học sinh lam được điều này.

Dĩ nhiên, trong nhiều kỳ thi tốt nghiêp THPT cũng như chọn HS giỏi quốc gia, chúng tôi được biết, hội đồng chấm đều có phần chú ý đến vấn đề này. Mỗi bài thi đều được ít nhất 2 người chấm độc lập.

Thuận lợi và khó khăn trong cách dạy và học của chúng ta hiện nay là gi? 2. Làm thế nào đễ học sinh thích thú với môn văn? Chân thành cảm ơn. (Viet Hung,Email: viethung.vu@gmail.com)

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 20
Thầy Vũ Xuân Túc trả lời bạn (Viet Hung,Email: viethung.vu@gmail.com)
Thầy Vũ Xuân Túc: Giáo viên dạy văn có thuận lợi là nắm bắt được những tâm tư của học sinh thông qua sự tiếp xúc trực tiếp trên lớp.

Khó khăn thì nhiều lắm! Đó là khó khăn về giáo trình, tài liệu tham khảo (thực sự có giá trị)... Trong đó, quan trọng nhất là làm sao cho học sinh tiếp cận trực tiếp được với những tác phẩm ở dạng tổng thể, chứ không đơn thuần là một đoạn trích. Bởi đó là tiền đề để tạo ra cảm xúc thật và sự sáng tạo của học sinh. 

Nếu chỉ là đoạn trích thì phần nào văn chương đến với các em sẽ phiến diện. Như thế sẽ ảnh hưởng đến tình cảm, niềm vui sáng tạo của người học đối với văn chương.

Đó là còn chưa nói đến áp lực của thi cử hiện nay là môi trường rất thuận lợi cho việc học tập thực dụng. Mà sự thực dụng luôn là kẻ thù của văn chương.

Về việc làm thế nào đễ học sinh thích thú với môn văn? Đây là vấn đề lớn và phức tạp. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất học sinh phải trả lời được câu hỏi, văn chương có cần thiết cho cuộc đời của mình hay không? Tức là ý thức tự giác về phía người học.

Về phía người dạy, thầy, cô phải tìm ra và bấm đúng cái "huyệt" của áng văn cụ thể. Việc chỉ giải quyết những vấn đề loanh quanh sẽ giết chết sự rung động trước cái đẹp của học trò. 

Thưa các thầy cô, theo em việc học văn là không thể thiếu để hình thành nhân cách con người; ban thân em cũng yêu thích các tác phẩm hay. Tuy nhiên theo em thì cần đổi mới cách dạy và học văn từ cấp tiểu học; để học sinh không phải làm văn theo bài mẫu, kết thúc là việc bày tỏ tình cảm với việc hoặc con vật, đồ vật mà bản thân em học sinh đó chả có chút tình cảm gì, thậm chí còn chưa biết. Cần tạo cho con trẻ thói quen cảm thụ một cách tự nhiên về tác phẩm văn học. Thưa cô Nguyễn Thị Minh Thái, cô có nghĩ như vậy không?(Dao Phuong Lan, 20 tuổi, Ha noi)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Em nghĩ hoàn toàn đúng về việc học văn đối với sự hình thành nhân cách con người. Em cũng rất "dễ thương" khi yêu thích các tác phẩm hay. Em cũng đúng đắn khi nghĩ cần đổi mới cách học và dạy văn từ cấp tiểu học. Theo tôi, hoàn toàn không nên bắt học sinh làm văn theo bài mẫu, với kết thúc là việc bày tỏ tình cảm với con vật, đồ vật mà bản thân các em chẳng có chút tình cảm nào.

Nhưng như thế, các thầy cô lại phải là người có một nền tảng văn hoá đọc rất vững chắc để tuỳ theo lứa tuổi mà có cách giảng dạy văn chương cho thich hợp. Theo tôi, cấp tiểu học rất nên cho học sinh học thần thoại, cổ tích, những bài thơ hay về tuổi thơ của Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ, cả những tác phẩm trong nước lẫn nước ngoài như Truyện cổ tích Andersen nữa... Tôi nghĩ như vậy chắc có thể chia sẻ được với em.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 21
Cô Phạm Thị Nga trả lời bạn (lê hùng, 22 tuổi, khoa Văn ĐH Tổng Hợp)
Xin hỏi cô Nga, cô sẽ làm gì khi một học sinh đứng lên trước lớp và nói: Thưa cô em không thích học môn văn? Cũng xin hỏi các bạn sinh viên sư phạm, những người sắp ra trường, bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? (lê hùng, 22 tuổi, khoa Văn ĐH Tổng Hợp)

Cô Phạm Thị Nga:

Thứ nhất cô sẽ rất buồn vì như thế tức là cô chưa thành công trong bài giảng của mình. Thứ hai cô cũng buồn vì học sinh đó chưa có chút nào cảm nhận.

Các sinh viên Khoa Ngữ Văn:

Trong trường hợp này chúng tôi sẽ hỏi em học sinh đó nguyên nhân nào khiến em không thích môn Văn. Tùy theo câu trả lời của học sinh chúng tôi sẽ có cách giải đáp phù hợp.

xin cho hỏi: Có thật không thich văn chương là một sự thiệt thòi? Có những người rất ghét, rất sợ môn văn, xong họ vẫn sống tốt và sống có ích? Ngay cả một số nhà văn, nhà phê bình đương thời cũng có khi nhìn nhận văn chương không còn ở địa vị thánh thần như ngày xưa(hoàng, 22 tuổi, hanoi)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Bạn phải hiểu đây là những tác phẩm văn chương có giá trị và có sức sống vượt thời gian. Có những người có thể rất ghét, rất sợ môn văn khi học trong nhà trường,  nhưng họ lại rất yêu các tác phẩm văn học và họ biết ơn các tác phẩm văn học đã làm cho họ sống tốt hơn, phong phú hơn và sâu sắc hơn. Còn các nhà văn, nhà phê bình khi nhìn nhận văn chương hiện tại  không còn ở địa vị thánh thần như trước nữa thì cũng là bình thường, nếu nó đang không ở địa vị ấy, vì không phải thời đại nào cũng có thể cho ra đời những tác phẩm hay mà  theo cách nói của bạn là "ở địa vị thánh thần", bởi đó là điều không tưởng.

Không phải học sinh nào ngồi ghế nhà trường cũng được trời phú cho một tâm hồn yêu cái đẹp, biết rung động và cảm thụ cái đẹp như các bạn ngồi đây. Nếu cứ đem môn văn là một môn chính, thưa các thầy cô, liệu có phải "ép dầu ép mỡ, sao nỡ ép văn?"

Thầy Vũ Xuân Túc: Không chỉ riêng môn văn đâu, mà ở bất cứ môn học nào cũng không nên ép buộc học sinh. Mà nhà trường phổ thông chỉ muốn cung cấp những hành trang cơ sở để vào đời. Vì thế, bất luận em có thích môn văn hay không, giỏi văn hay không thì văn học vẫn là một phần hành trang rất quan trọng trang bị cho học sinh trước khi vào xã hội.

Nếu như toán dạy học sinh các suy nghĩ logic thì văn học dạy con người biết bày tỏ ý kiến của mình, thể hiện tư tưởng của mình... Đó là chưa nói đến văn học dạy con người ta cách sống cao đẹp. Điều đó là hoàn toàn cần thiết cho học sinh đấy chứ?

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 22
TS Hà Bình Trị trả lời bạn (Văn Minh, 33 tuổi, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)
Xin hỏi Tiến sỹ Hà Bình Trị, liệu sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ có những cải cách, thay đổi gì trong với cuốn sách giáo khoa văn?(Văn Minh, 33 tuổi, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)

TS Hà Bình Trị :

Hiện nay Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn xong chương trình môn Ngữ văn Trung học phổ thông chuyên ban thí điểm. Sách giáo khoa ngữ văn cũng gần hoàn tất bao gồm hai bộ (thí điểm). Nếu không có gì thay đổi, một vài năm tới chương trình và GSK môn Văn sẽ được thay đổi, chương tình và SGK nói trên sẽ được thực hiện trên toàn quốc.

Thưa cô Thái, cô giáo nghĩ thế nào nếu gạt vấn đề kiến thức hay cách cảm thụ văn học của em Thanh sang một bên mà chỉ đơn giản là vấn đề em nêu ra chỉ là những vấn đề của người lớn chúng ta phải suy nghĩ?(Xuân Hương, 38 tuổi, Cầu giấy HN)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Thì người lớn chúng ta vẫn đang suy nghĩ đấy thôi. Nếu không, chúng ta đã không có cuộc trò chuyện trực tuyến ngày hôm nay với chủ đề "Để học sinh rung động trước những áng văn hay". Tôi đã nói rồi, chuyện của em Thanh đã khiến dư luận xã hội và công luận báo chí đặc biệt quan tâm.

Thưa thầy Túc, là một giáo viên dạy văn lâu năm, thấy có ý kiến gì chương trình văn trong sách giáo khoa hiện nay?(Thanh Tâm, 28 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội)

Thầy Vũ Xuân Túc: Theo tôi, nhìn chung chương trình trong SGK hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta nên đưa tác phẩm hay của những cây bút trẻ xuất sắc sau năm 1975 trở lại đây. Bởi lẽ, nó rất phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ trong nhà trường hôm nay. Chúng ta để trống mảng văn học đó là rất lãng phí.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 23
TS Nguyễn Thị Minh Thái trả lời bạn (Dao Phuong Lan, 20 tuổi, Ha noi)
Thưa cô Thái, có nên "giảm tải" chương trình văn học trong trường để học sinh có thể có đủ thời gian cảm nhận được cái hay cái đẹp trong các tác phẩm văn học? Và bài thi nên theo hướng "mở": cho học sinh lựa chọn chủ đề trong phạm vi nào đó mà mình yêu thích. (Dao Phuong Lan, 20 tuổi, Ha noi)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Rất nên giảm tải nếu chương trình học văn phổ thông đang quá tải. Nhưng nếu giảm tải có nghĩa là "văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc" chỉ được giảng trong 1 tiết học thôi, thì liệu em có thể "đủ thời gian cảm nhận cái hay cái đẹp" của bài văn tế này không? Em đang tự mâu thuẫn với mình đấy. Nếu em muốn giảm tải việc giảng văn tác phẩm này xuống còn một tiết, em sẽ phải đọc trước khoảng vài tiếng đồng hồ thì em mới có thể hiểu được những gì thầy cô chỉ giảng trong một tiết. Vậy em có làm được điều đó không?

Xin hỏi các bạn sinh viên, đều là những sinh viên có thành tích xuất sắc trong việc học văn, các bạn có những lời khuyên nào cho các em học sinh để các em có thể cảm thụ được văn học giúp các em học tốt môn văn? (Hoàng Tùng, 27 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)

Các sinh viên khoa Ngữ Văn:

Như nhà thơ Dương Kỳ Anh đã nói: "Phải có tâm hồn thì mới cảm nhận được những tín hiệu của tâm hồn. Phải yêu văn học thì mới cảm nhận được cái hay của văn học."

Như vậy để học sinh có thể cảm thụ được cái hay cái đẹp của 1 áng văn chương thì tình yêu thôi chưa đủ, cần phải có nền tảng kiến thức. Trau dồi kiến thức là cơ sở đầu tiên giúp học sinh cảm thụ văn học.

Tiến sỹ nghĩ gì khi thầy cô giáo đứng lớp không có chút cảm xúc nào đối với tác phẩm mình đang dạy. Trước đây, ngành sư phạm thường nhận Sinh viên không thi đạt các trường khác chuyển sang, nên chất lượng không đạt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giảng dạy. Theo TS giải quyết vấn đề này như thế nào?(LanDai, 35 tuổi, 148/47 Lý Tự Trọng Đà nẵng)

TS Hà Bình Trị

Trước hết, có thể nhận thấy không phải tất cả giáo viên dạy văn thiếu cảm xúc đối với tác phẩm mình dạy, Tôi được biết không ít bài giảng giàu xúc cảm nhờ đó thầy cô giáo đã truyền cho HS tình yêu văn chương. Nhưng đáng tiếc gần đây, nhiều người chỉ thiên nói về mặt nhược điểm mà không chú ý đầy đủ tới những thành tựu trong việc dạy và học văn khoảng hơn một chục năm qua.

Chính vì có phần ý thức được cái hạn chế như anh đã nêu ra nên các cơ quan chức năng đã nỗ lực tổ chức bồi dưỡng giáo viên một cách thường xuyên và có chất lượng để nâng cao kiến thức và phương pháp giảng dạy cho giáo viên tòan quốc. Đồng thời cung cấp thêm những tài liệu bổ ích để giáo viên tự nâng cao tay nghề.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 24
Nhà thơ Dương Kỳ Anh trả lời bạn (Xuân Hương, 38 tuổi, Cầu giấy HN)
Tôi cảm thấy thật buồn khi báo chí hiện nay đang ngày càng có nhiều bài chĩa mũi dùi vào việc đánh giá em Thanh là thiếu kiến thức, phiến diện, học tủ ... mà quên đi cái thông điệp chính trong bài viết của em Thanh đó. Trách nhiệm của người lớn chúng ta phải làm gì để cho thế hệ sau cũng biết rung cảm như chúng ta ngày xưa? Ông có chia sẻ với tôi điều đó không thưa ông Dương Xuân Nam? (Xuân Hương, 38 tuổi, Cầu giấy HN)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi chưa đọc hết các bài trả lời trực tuyến nên không biết được cụ thể nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không nên "chĩa mũi dùi" vào em Thanh. Chúng ta chỉ nên biểu dương em Thanh ở chỗ em dám nói lên sự thật song không nên khuyến khích các em học sinh hiện nay khi làm bài lại viết những cảm nghĩ kiểu như em Thanh.

Và theo tôi, trách nhiệm của những người lớn, trong đó có trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhà trường là điều không thể chối cãi khi các em học sinh của chúng ta chưa cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những áng văn hay như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Hiện giờ em đang làm cộng tác viên cho một số báo. Em thấy khả năng viết văn của mình cũng không đến nỗi. Nhưng hồi đi học cấp 3, em thường kém văn nhất lớp, liệu có phải do chương trình học trong sách giáo khoa quá xa rời thực tế và khiến cho học sinh không thể cảm thụ được văn chương và phát huy khả năng sáng tạo văn học của mình?(Tùng Lâm, 22 tuổi, Cầu Gỗ - Hà Nội)

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 25
TS Nguyễn Thị Minh Thái trả lời bạn (Tùng Lâm, 22 tuổi, Cầu Gỗ - Hà Nội)
TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi thấy em thật "tiện lợi" khi đổ lỗi cho "hồi học cấp III, em thường kém văn nhất lớp", khi em đặt câu hỏi trên. Hiện giờ em lại đang làm báo, và tự nhận rằng khả năng viết văn của mình cũng không đến nỗi. Thế thì em đang tự tạo cho mình một nghịch lý đấy. Em viết văn "không đến nỗi" một phần là do em được học ở trường, cho đến bây giờ văn chương mới ngấm vào em (!?!). Còn hồi cấp III em kém văn là vì văn chương chưa ngấm mà thôi.

Vì học văn có kết quả là cả một quá trình tự học, tự đọc và được dạy văn một cách "tử tế". Cho nên em đừng vội vàng phê phán chương trình học trong sách giáo khoa quá xa rời thực tế và khiến cho học sinh không thể cảm thụ được hay phát huy khả năng sáng tạo văn học của mình. Bằng cớ là có rất nhiều học sinh giỏi văn với những giải thưởng văn chương toàn quốc bên cạnh những người kém văn "nhất lớp " như em (cười).  

Theo em, một nguyên nhân khiến cho sự sáng tạo, tìm tòi suy nghĩ của học sinh bây giờ là một thị trường sách tham khảo và văn mẫu nhan nhản. Các thầy cô có đồng ý như vậy không ạ? Và làm thế nào để giảm bớt được tình trạng "ăn sẵn" này?(ha Trang, 20 tuổi, Email: anti0310@yahoo.com))


Thầy Vũ Xuân Túc: Tôi không cho rằng, việc có nhiều sách tham khảo sẽ  ảnh hưởng đến sự sáng tạo của học sinh. Bởi đối với văn học đọc càng nhiều là càng tốt. Nhưng quan trọng là phải biết lọc loại trên tinh thần tiếp thu những cái hay, phê phán cái dở. Mỗi lần như thế sẽ giúp học sinh lớn lên về bản lĩnh trí tuệ, cũng như nhanh nhạy trong cách cảm nhận khi tiếp cận với tác phẩm văn học.

Có hay không tình trạng thanh niên vô cảm trước các tác phẩm văn học, trong đó có các tác phẩm mang tính lịch sử của dân tộc. Nếu có, trách nhiệm thuộc về ai ? và họ phải làm thế nào ? Tôi muốn biết cụ thể các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải làm thế nào. Tôi thay mặt thế hệ trẻ đang chờ đợi kết quả của các cơ quan liên quan: Giáo dục, Văn hoá, Đoàn Thanh Niên, gia đình và cả Thế hệ trẻ chúng ta nữa. (Trần Như Khánh,Email: khanh vhqchn)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Nếu có tình trạng đó, tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về chính thanh niên - những người đọc trẻ. Có lẽ học đọc quá ít, lại ít suy ngẫm và chưa chú ý đến các tác phẩm mang tính lịch sử của dân tộc. Có hiện tượng nhãn tiền rằng nhiều người VN lại thông thạo lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử chính dân tộc mình. Tôi không phải các cơ quan hữu trách cụ thể nên tôi cũng đang... chờ đợi cùng với bạn, xem họ làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Nhưng tôi thấy "hãy tự cứu mình trước khi trời cứu", nghĩa là bạn phải tự khắc phục tình trạng vô cảm trước các tác phẩm văn chương đã. Bạn sẽ thấy tình hình sẽ được cải thiện ngay. Chúc bạn thành công! 

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 26
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Thưa TBT Duơng Xuân Nam, giữa việc một HS giỏi văn không cảm nhận được cái hay của bài văn tế và việc rất nhiều HS, thanh niên thuộc vanh vách tên tuổi, tiểu sử, sự kiện lịch sử của Trung Quốc, ông có ý kiến gì không? (Đăng Khoa, 28 tuổi, TTHuế)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đó là điều rất đáng buồn, đáng lo ngại. Trong đó có trách nhiệm của báo chí, truyền hình... Chúng ta tuyên truyền quá nhiều, chiếu quá nhiều phim ảnh của nước ngoài mà giới thiệu quá ít những cái hay của văn chương nước nhà. Khi giới thiệu văn chương nước nhà lại thường lẫn lộn giữa cái hay và cái dở. Ngay cả các giải thưởng ở nước ta cũng chưa chọn được đích thực những cái hay cho nên chúng ta tự trách chúng ta trước khi trách cứ các em học sinh.

Cách đây hơn 30 năm, khi ở tuổi học trò tôi rất thích học môn văn và đọc tiểu thuyết nhưng bây giờ tôi thấy học sinh thường nói học môn văn không hấp dẫn hoặc học văn khó vào. Đề nghị cho biết nguyên nhân cơ bản tại dạy học, tại sách giáo khoa hay tại học sinh? Và phải làm gì để khơi dậy lòng yêu văn học của học sinh như những năm 1960-1970(Thạch văn Long, 50 tuổi, Hà nội)

Cô Phạm Thị Nga

Nguyên nhân thì có nhiều cả về khách quan và chủ quan, ví dụ về khách quan: HS hiện nay bị chi phối, phân tán thời gian nhiều như internet, sinh nhật, các hình thức vui chơi khác mà thế hệ những năm 60-70 không có được.

Về chủ quan, mục đích kỳ thi ĐH (chỉ thi 3 môn), HS chọn trường khối A  nhiều vì có nhiều cơ hội chọn lựa. Để thi đỗ ĐH các em chỉ tập trung học 3 môn thi.

Biện pháp để khơi dậy lòng yêu văn phụ thuộc nhiều yếu tố mà quan trọng là giáo viên. Cụ thể là bài dạy của thầy cô phải có sức cuốn hút, khơi dậy lòng yêu văn chương cho HS. (Nhưng nếu HS vô cảm thì cũng đành chịu) 

Bao giờ nền giáo dục có những đề thi "tự do" tôn trọng cảm xúc cá nhân của thí sinh, để cho cái nhân được lựa chọn những tác phẩm văn học mà mình yêu thích? Việc ra đề thi về văn học mà đặc biệt là thi học sinh giỏi của chúng ta còn cứng nhắc, rập khuân chưa phát huy khả năng sáng tạo, cảm nhận của thí sinh có phải không? Hướng ra đề thi như thế nào để học sinh phát huy được cảm xúc của mình? Đề thi văn, hướng đẫn chấm thi có nhiều "hạt sạn"(ví dụ như chuyện chấm thi hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu mà Báo Tiền Phong đưa tin),hướng khắc phục như thế nào?(PhamPhú Thép, 31 tuổi, Quảng Bình)

Thầy giáo Vũ Xuân Túc: Đổi mới dạy và học văn là đổi mới đồng bộ. Vì vậy không chỉ dừng lại ở việc đổi mới ở cách truyền thụ kiến thức văn học, mà còn đổi mới cả cách kiểm tra thi cử, trong đó có cách ra đề thi.

Đề thi môn văn không chỉ đúng mà còn phải hay, vì đó là cơ sở để kích thích khả năng sáng tạo của học sinh. Học sinh chỉ thích thú khi có điều kiện thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình trong bài thi nhưng mỗi người viết cũng phải tự kiểm tra lại mình xem cảm nhận của mình có sức thuyết phục người đọc không?

Trên thế giới, nhiều tác phẩm văn học kinh điển vẫn đwợc giảng dạy và thu hút nhiều sự cảm nhận cái hay, cái đẹp của nó; ngay cả người nước ngoài đọc vẩn thấy giá trị đích thực mà tác phẩm chuyển tải đến người đọc. Có ngiã là, những tác phẩm văn học cổ không có nghĩa là củ, là lỗi thời... Vậy, phải làm sao để HS Việt Nam học môn văn, đặc biệt là văn học cổ không cảm thấy mình đang đứng ngoài dòng chảy của văn học cổ, văn học có tính lich sử?(Đăng Khoa, 28 tuổi, TTHuế)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Em là người hiện đại, vì thế không thể đứng trong dòng chảy của văn học cổ như em vừa mới nói. Còn em muốn không cảm thấy mình không đứng ngoài dòng chảy của văn học cổ, em chỉ có cách đọc thật nhiều và biết ơn một cách "tự nhiên" những người anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc VN. Trong Văn học cổ có rất nhiều những "tinh thần hiện đại" mà chúng ta có thể cảm nhận khi chúng ta đọc thật nhiều, có tình cảm tri ân với tiền nhân.

Thưa anh Dương Kỳ Anh, theo anh thì bài Văn tế đó có thực sự làm anh rung động hay không? Hoặc có thực sự làm các văn nghệ sỹ của VN rung động hay không? Nếu hay và rung động như vậy thì sao chưa có tác phẩm điện ảnh nào được sáng tác dựa trên tác phẩm này để thế hệ sau có thể cảm nhận một cách sâu sắc hơn và tự nguyện hơn về tác phẩm này?(Dao Phuong Lan, 20 tuổi, Ha noi)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" thực sự làm cho tôi xúc động từ khi đi học phổ thông cho đến tận bây giờ. Điều đáng buồn là chúng ta chưa khai thác được để đưa lên phim ảnh. Còn vì sao, chắc phải hỏi các nhà làm phim ở nước ta.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 27
Cô Phạm Thị Nga trả lời bạn (Dao Phuong Lan, 20 tuổi, Ha noi)
Em đã yêu thích môn văn nhưng em không thể nhớ nổi một đoạn văn đầy trúc trắc hoặc những câu thơ mang ýnghĩa nhiều hơn là vần điệu; mà em chắc là nhiều thầy cô đang ngồi đó cũng vậy.. Do vậy có nên bắt học sinh trích dẫn các đoạn thơ văn trong bài thi - hay có thể chỉ hỏi về cảm nhận, còn thì cho phép học sinh được đọc văn bản tác phẩm đó trong khi thi?(Dao Phuong Lan, 20 tuổi, Ha noi)

Cô Phạm Thị Nga

Em nói rằng em yêu thích môn văn mà em lại không nhớ nổi một đoạn thơ, thì chứng tỏ là em chưa yêu thích thật sự. Bài thi là kiểm tra kiến thức, vì vậy việc cho phép học sinh đọc văn bản trong khi thi là không thể.

3. Thưa thầy Túc, em là một học sinh từng học văn của thầy ở trường Việt Đức. Cảm ơn thầy vì những bài giảng văn rất xúc tích của thầy. Những lúc thày giao đề văn về nhà cho cả lớp làm, rất ít bạn nộp lại. Thầy cảm thấy sao về tình trạng này? Có lúc nào thầy thấy buồn với thế hệ học sinh bây giờ không ạ? (Hà Trang,Email: anti0310@yahoo.com

Thầy Vũ Xuân Túc: Tôi không thấy buồn vì tôi thông cảm với hiểu được suy nghĩ của học sinh. Nhưng từ đó cũng phải nhìn lại mình làm thế nào để thôi thúc được học sinh tự thân có nhu cầu luyện tập.

Thưa nhà thơ Dương kỳ Anh: tôi không đồng ý khi anh cho rằng "điều đáng biểu dương ở em Thanh là dám nói thật"- Em ấy đã không không dám nói thật không phải là người dũng cảm, thẳng thắn vì nếu nói thật thì đầu tiên em ấy phải nói là em ấy đã không học nài này, không viết được gì vì em ấy không thích...

Tôi còn nhớ Lê-Nin đã nói "một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì đã là sự giả dối". Nhà thơ có nghĩ rằng với sự biểu dương em Thanh sau này sẽ có nhiều bài làm kiểm tra (không chỉ ở môn văn)đại loại như: em không thích làm bài nay vi nó vua dai vừa khó...?(Kim Oanh, 38 tuổi, TPHCM)

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Bạn đã không hiểu hết ý của tôi. Chúng ta biểu dương người nói thật nhưng phải nói thật đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ. Đó là điều mà tôi muốn nói.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 28

TS Hà Bình Trị trả lời bạn (Tuyết Nhung, 25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

Thưa tiến sỹ Hà Bình Trị, các em soạn văn hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào quyển sách để học tốt văn, có người thường nói đùa "để học tốt" là "để học dốt". Tôi thấy điều đó cũng không hoàn toàn vô lý. Vậy có nên "bỏ" quyển sách đó đi không?(Tuyết Nhung, 25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

TS Hà Bình Trị :

Hiện nay trên thị trường có nhiều sách để học tốt của nhiều môn. Trong đó có những cuốn để học tốt biên soạn theo lối mớm chữ cho HS, đấy có thể coi là loại "để học dốt" như chị nói. Nhưng cũng có không ít cuốn để học tốt đích thực, bổ ích với học sinh thậm chí bổ ích với giáo viên. Vậy chỉ nên lọai bỏ những cuốn không tốt, giữ lại cuốn tốt.

Bằng năng lực của mình, nhiều thầy cô đã giúp học sinh phân biết chính xác hai loại sách này.

Kính gửi cô Minh Thái. Nếu như cô là cô giáo của em Phi Thanh, cô có cho đó là chuyện bình thường của một nền giáo dục còn đang nhiều bất cập như hiện nay? Và cô có nghĩ rằng, thế hệ trẻ đang có những bước phát triển cả về trí lực và tâm hồn, chúng dễ dàng vượt qua mọi ngáng trở để làm được điều mình yêu thích, mơ ước và mong muốn. Chính vì thế, người lớn và nhất là các bậc phụ huynh, nếu không chịu tìm cách liên lạc với con cái thì chính họ sẽ mất liên lạc, không hiểu và không tìm được tiếng nói chung với chính con cái của mình?(Binh Nguyen, 27 tuổi, Hanoi)

TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi lại không cho đấy là chuyện bình thường, mặc dù nền giáo dục của chúng ta đang còn nhiều bất cập. Tất nhiên, thế hệ trẻ phải phát triển cả về trí lực lẫn tâm hồn để thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá đất nước, và chúng không dễ dàng vượt qua mọi ngáng trở để làm được điều mình yêu thích và mong muốn. Bản thân tôi cho rằng chính "sự không dễ dàng" ấy cũng là một giá trị giúp tuổi trẻ trưởng thành. Đương nhiên, người lớn và phụ huynh nếu không liên lạc với con cái sẽ chẳng bao giờ tìm được tiếng nói chung cả. Chúc bạn tìm được tiếng nói chung với con cái của bạn.

Kính gửi ông Hà Bình Trị. Vì sao hiện nay các bậc phụ huynh và các em học sinh lại coi nhẹ môn văn? Thậm chí có người còn phát biểu cực đoan rằng không bao giờ cho con em mình học ngành liên quan đến văn học. Lỗi này tại nhà giáo dục hay tại học sinh, phụ huynh?(Đông Cường, 32 tuổi, Yên Định, Hải Hậu, Nam Định)

TS Hà Bình Trị

Việc môn Văn nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung ít nhều bị coi nhẹ có tính chất thời đại, xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng đan xen vào nhau,  không chỉ tại một phía nào.

 Chúng tôi đã có dịp trình bày vấn đề này ở một só bài viết đã được công bố. Ở đây không có điều kiện một cách chi tiết.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 29
Thầy giáo Vũ Xuân Túc trả lời bạn (Hien, 24 tuổi, nguyenhien190681@yah«.com)
Thưa các thầy cô, thầy cô nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng các giáo viên dạy môn Văn trong các trườg PTTH hiện nay thường lấy các dàn ý phân tích tác phẩm văn học từ các cuốn sách của các nhà phê bình để làm giáo án giảng trên lớp.(Hien, 24 tuổi, nguyenhien190681@yah«.com)

Thầy giáo Vũ Xuân Túc: Tôi không nghĩ rằng tất cả các thầy, cô dạy văn đều như vậy. Nhưng có thể có một số giáo viên do chưa chú ý trau dồi năng lực chuyên môn cũng như nghiệp vụ của mình nên phải chọn cách "đi tắt" như thế.

Làm điều này, thực ra, một số thầy cô đã mắc vào chính lỗi của học trò. Nếu làm cách này, theo tôi, thầy cô sẽ không đạt được kết quả cao trong bài giảng cho dù có nạp vào bài giảng nhiều thông tin. Bởi lẽ, nếu không có sự hòa quyện phần trí tuệ và tâm hồn của mình trong phần tiếp nhận đó thì không thể tiếp nhận học sinh được.

Thưa thầy Túc, thầy nghĩ như thế nào về cách dạy môn Văn hiện nay tại các trường PTTH?(Hien, 24 tuổi, nguyenhien190681)

Thầy Vũ Xuân Túc: Câu hỏi này có phạm vi bao quát quá rộng nhưng tôi chỉ xin nói gọn. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng thực trạng giảng dạy môn văn ở nhà trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất là việc dạy văn ở nhà trường chưa bắt kịp được những nhu cầu nóng hổi của tuổi trẻ học đường hôm nay.

Phương pháp truyền thụ môn văn về cơ bản vẫn là của... "ngày hôm qua". Cùng với đó, sự bất cập của môn văn cũng không nằm ngoài những bất cập chung của giáo dục hiện nay. Cho nên, việc khắc phục phải được tiến hành đồng bộ.

Thua thay Tuc va co Nga. Van hoc la tinh yeu suot doi cua em.Hien nay em dang lam mot nghe khong lien quan den van hoc,em cung khong tot nghiep cac truong khoi xa hoi.Em muon kem cho mot hoc sinh thi vao DH nam 2005 mon van, vay em co the tim doc nhung tai lieu gi, o dau?va em co the lam cach nao khac nua de truyen dat?em tin la neu em co phuong phap em co the truyen dat duoc Em xin cam on thay,co.(Ngo Thuy Duong, 28 tuổi, 46-Tran Phu- Ha Noi)

Thầy Vũ Xuân Túc: Theo tôi, em có một khó khăn là ngành nghề hiện nay không liên quan đến văn học nhưng em có một ưu điểm rất quan trọng là có tình yêu với văn. Có tình yêu là có sáng kiến!

Em có thể tìm đọc sách tham khảo (như tôi đã nói ở phần trên) nhưng theo tôi, em nên khuyên học sinh phải bám sát sách giáo khoa và những bài giảng của thầy cô đã giảng. Ngoài ra, em có thể nhờ một người bạn có hiểu biết về văn tư vấn thêm về cách hiểu, cách viết.

Đặc biệt, em phải khuyên người em kèm phải viết thật nhiều. 

Thưa thầy Túc,làm thế nào để các em học sinh thích học môn văn hơn?(Văn Hùng, 25 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

Thầy Vũ Xuân Túc: Để học sinh thích văn hơn trước hết phải tìm và chọn được những tác phẩm vă chương vừa có giá trị, vừa tiêu biểu lại phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Cùng với đó, thầy cô giáo dạy văn phải tìm ra được phương pháp truyền thụ sao cho thích hợp. Nhưng, xin nhắc lại, điều quan trọng là mỗi học sinh phải tự hỏi văn chương cần thiết cho bản thân mình, cuộc sống của mình như thế nào?

Người dạy văn có cần phải tách bạch văn chương với đời thường (kinh tế) không bởi văn chương thì mơ mộng, mà cuộc sống thì cần phải thực tế? (Ngọc Ánh, 27 tuổi, Nguyễn An Ninh, Hà Nội)

Thầy Vũ Xuân Túc: Thực ra, bản chất văn chương và cuộc đời không tách bạch nhau. Ngay cả vấn đề kinh tế cũng vậy. Không có kinh tế thuần túy mà kinh tế nào cũng gắn với nhân cách của con người cụ thể.

Bên cạnh đó, không phải tất cả những tác phẩm văn chương đều mơ mộng, xa rời thực tế cả đâu. Có những tác phẩm đặt ra những vấn đề rất nghiêm túc, rất thiết thực, rất "cơm áo"... Vấn đề là ta phải tìm ở văn chương những lời giải đáp cho những vấn đề như thế.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 30
Tổng biên tập Dương Kỳ Anh tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng toàn thể khách mời

Thưa bạn đọc của Tiền Phong Online, trong suốt gần 3 tiếng đồng hồ vừa qua, bàn tròn trực tuyến "Để HS rung động trước những áng văn hay" đã nhận được rất nhiều sự tham gia, trao đổi sôi động của bạn đọc trong và ngoài nước. Có thể nói, đây là một chủ đề được bạn đọc quan tâm và tham gia đông đảo ở mức kỷ lục từ trước tới nay.

Chỉ bằng một cuộc tọa đàm trực tuyến cụ thể này, chúng tôi không nghĩ sẽ làm được điều gì to lớn, song thiết nghĩ những ý kiến trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên cũng phần nào giúp có cái nhìn đúng đắn, nhiều gợi mở về vấn đề dạy văn và học văn trong nhà trường hiện nay.

Xin trân trọng cám ơn bạn đọc đã nhiệt tình tham gia, cảm ơn các vị khách mời nhiều tâm huyết. Xin hẹn bạn đọc vào các buổi trực tuyến lần sau trên Tiền Phong Online.

Đôi nét về các khách mời :

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 31
“Suy tư nhiều về văn chương, và từ văn chương, suy ngẫm về cuộc đời và con người, ta sẽ hiểu được không chỉ cái nghĩa bề mặt đương nhiên của chữ, mà còn có thể tìm thấy cả bóng chữ nữa. Khi đọc được tác phẩm văn học hay, tôi sẽ còn muốn đọc đi đọc lại nó trong những đoạn khác nhau của cuộc đời, và thấy rằng có khi đi hết cả cuộc đời mình, chưa chắc tôi đã đi hết được chiều sâu vô cùng của tác phẩm văn học...” Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái nói về văn học và văn hoá đọc.

Nguyễn Thị Minh Thái tốt nghiệp khoa Ngữ văn – ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1972. Rồi làm Biên tập viên Nhà xuất bản Văn học; cán bộ Giảng dạy trường Viết văn Nguyễn Du; phóng viên tạp chí sân khấu - Hội nghệ sĩ Việt Nam; Nghiên cứu sinh Lý luận phê bình Nghệ thuật tại Viên Sân khấu Âm nhạc và Điện ảnh Saint Peterburg, Liên Xô (1986 – 1992); Chủ nghiệm khoa Văn hoá Du lịch, Phó chủ nhiệm khoa Văn hoá Quần chúng Trường Cao đẳng Văn hoá TP HCM, nay là ĐH Văn hoá nghệ thuật TPHCM.

Hiện TS Thái là Phó chủ nhiệm bộ môn Văn hoá Văn học – Khoa Báo chí – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QG Hà Nội.

Không chỉ là một nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái còn là một nhà báo nổi tiếng với cái nhìn sâu sắc và công bằng đối với nhiều vấn đề văn hoá, văn nghệ và xã hội.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 32
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tên thật là Dương Xuân Nam, sinh ngày 9/11/1948 tại Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội.  Từng có một tuổi thơ vất vả, nhờ hiếu học đã trở thành sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, năm 1972 vào bộ đội tên lửa. Sau chiến tranh chuyển sang nghề làm báo, từ năm 1987 là Ủy viên thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Ủy viên thường vụ Đảng ủy khối dân vận Trung ương, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Là một nhà báo nổi tiếng, năng động, một nhà hoạt động xã hội sôi nổi, Dương Kỳ Anh còn là một nhà thơ có nhiều tập thơ được chú ý: Và anh đợi (1991), Đi qua thời gian (1992), Miền ký ức (2002), Thơ với tuổi thơ (2005)...Ông cũng là tác giả một số tập truyện ngắn, gần đây nhất là tiểu thuyết Xuyên Cẩm ( 2004) được nhiều tờ báo lớn giới thiệu và đánh giá cao.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 33
Tiến sĩ Ngữ văn Hà Bình Trị
 Tiến sĩ Ngữ văn Hà Bình Trị, chuyên viên phụ trách môn văn, vụ GDTH, Bộ GD-ĐT

Thầy giáo Vũ Xuân Túc

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 34
Thầy giáo Vũ Xuân Túc

Năm 1985, thầy Vũ Xuân Túc về nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ văn của trường THPT Hà Nội - Amsterdam - Một "cái nôi" sản sinh, ươm mầm những học sinh xuất sắc của Thủ đô. Thầy làm tổ trưởng tổ văn cho đến khi về hưu, năm 2003.

Tâm sự về phương pháp dạy văn cho học sinh, thầy nói : "Khi “biến” thành học sinh trong tưởng tượng, người thầy sẽ tìm ra cách thuyết phục học sinh cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Và quan trọng hơn, trên cơ sở “hóa thân” đó, thầy giáo sẽ có cơ sở làm hình thành trong nhận thức của học sinh một phương pháp luận cảm nhận, đánh giá khoa học khi đứng trước bất cứ một tác phẩm văn học nào".

Thầy giáo Vũ Xuân Túc đã tham gia dạy và luyện thi cho 6 khóa học sinh giỏi của thành phố HN. Học sinh của thầy đã giành giải nhất, 2 giải nhì, 14 giải ba, 12 giải khuyến khích môn văn học (giải toàn quốc). Còn giải cấp thành phố, trò của thầy đạt được nhiều đến nỗi thầy cũng không thể nhớ hết.

Cô Phạm Thị Nga - Giáo viên dạy văn trường THPT Việt Đức, Hà Nội: Tôi luôn trân trọng ý kiến của học sinh!

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 35
Từng 2 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi môn văn cấp thành phố, nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cô giáo Phạm Thị Nga là một trong những giáo viên thường xuyên tham gia luyện thi học sinh giỏi văn cho học sinh của trường THPT Việt Đức.

Cũng như nhiều thầy, cô tâm huyết khác, suốt 30 năm đứng bục giảng, cô Nga cần cù với nhiệm vụ khơi dậy trong học sinh sự rung động trước cái chân - thiện - mỹ trong văn học, cũng như cuộc sống. Với nỗ lực của mình cùng các đồng nghiệp khác, cô Nga cảm thấy hạnh phúc khi có nhiều học sinh học giỏi môn văn, đạt giải cao trong những lần tham dự học sinh giỏi thành phố.

Cô Nga tâm sự: “Tôi luôn trân trọng và đánh giá cao nhưng ý kiến của học sinh trong giờ học. Có thể, những ý kiến của các em chưa thoát về nghĩa, còn ngây thơ trong cách diễn đạt, hay chưa hoàn toàn là một nhận thức logic, nhưng sự “phản hồi” của các em là một bằng chứng thiết thực cho thấy, các em quan tâm và hứng thú với văn học...”.

Trong những lần “đối thoại song phương” đó, cô Nga thừa nhận: “Có những ý kiến phát biểu của học sinh mà tôi chưa cảm nhận được ngay tại lớp. Nó không quá cao siêu, không quá phức tạp, đời thường thôi nhưng rất sáng tạo. Thậm chí xin thú thực, tôi chưa thấy tài liệu nào từng một lần đề cập đến ý tưởng đó. Những suy nghĩ đó của học sinh đáng quý lắm”!.

Nguyễn Xuân Diệp Linh - học sinh lớp 11A18 trường PTTH Việt Đức, Hà Nội : Giỏi  đều cả văn, toán lẫn hóa

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 36
Năm 2000: Đạt giải nhì môn Toán cấp quận Hai Bà Trưng khi đang học lớp 6. Lớp 7: Đạt giải khuyến khích quận. Lớp 8: Giải nhất Văn học quận. Thi tốt nghiệp đạt 58,5 điểm. Điểm trung bình các môn học đạt 9,7. Đó là thành tích của cô học sinh đứng số 1 trường THCS Lê Ngọc Hân Nguyễn Xuân Diệp Linh.

Phát huy "truyền thống" đó, ngay năm đầu tiên vào lớp 10A18 - Lớp gồm những học sinh xuất sắc của trường THPT Việt Đức, Diệp Linh đã “ẵm” về giải nhì môn Hóa toàn thành phố. Trong giải thi văn học sinh giỏi thành phố vừa qua, cô học sinh điểm cao nhất lớp 11A18, cũng như cao nhất trường THPT Việt Đức này ( điểm trung bình đạt 9,3) tiếp tục xuất sắc giành giải 3 môn văn học toàn thành phố.

Bí quyết của em để học giỏi văn là gì ? Đáp lại câu hỏi của tôi, cô học sinh dong dỏng nở nụ cười hồn nhiên: “Cũng không có gì đặc biệt đâu ạ! Mỗi khi đến giờ văn, em thường đọc trước toàn bộ tác phẩm ở nhà rồi tự rút ra những ý chủ đạo. Đến lớp, em chăm chú lắng nghe cô giảng và cố gắng giải quyết vấn đề ngay. Chỗ nào không hiểu, em sẽ hỏi trực tiếp cô chứ không “ngâm” để đấy”.

Ba sinh viên giỏi khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 37
Đoàn Thị Thanh Huyền, sinh viên năm thứ tư, K51, lớp Cử nhân tài năng, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội

- Nguyên là học sinh trường chuyên Trần Phú - Hải Phòng

- Giải Nhất môn văn Quốc Gia năm học 2000 – 2001 với đề bài “Sự tri âm của độc giả với tác phẩm văn học qua hai tác phẩm Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du và Kính gửi cụ Nguyễn Du của nhà thơ Tố Hữu”.

- Là sinh viên giỏi của khoa Ngữ Văn trường ĐH Sư Phạm HN với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao

- Hiện đang làm khoá luận tốt nghiệp về phương pháp giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 38
Hồ Thị Thanh Nga, sinh viên năm thứ ba, K52, Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư Phạm Hà Nội

- Nguyên là học sinh trường chuyên Lam Sơn – Thanh Hoá

- Giải nhì môn Văn Quốc gia năm học 2001 – 2002 vớí đề bài về phân tích vẻ đẹp trong ba bài thơ Thu của Nguyễn Khuyến

- Rất yêu thích văn học trung đại và có niềm say mê đặc biệt với văn học Trung Quốc. Mới đây, Nga đã gây ngạc nhiên trong khoa Ngữ văn bằng đề tài nghiên cứu khoa học về thể loại Từ trong văn học Trung Quốc - một thể văn rất khó và ít được nghiên cứu tại Việt Nam. Đặc biệt, Nga đã dịch nghĩa toàn tập Từ của Lý Thanh Chiếu (đời Tống) sang tiếng Việt.

Bàn tròn trực tuyến : Để học sinh rung động trước những áng văn hay ảnh 39
Phùng Diệu Linh, sinh viên năm thứ 4, K51, lớp cử nhân tài năng, khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội

- Nguyên học sinh trường chuyên Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang

- Giải Nhì Quốc gia môn văn khi mới đang là học sinh lớp 11, năm học 1999 – 2000 với bài viết về Giá trị nhân đạo trong các tác phẩm của Thạch Lam.

Linh vừa hoàn thành kỳ thực tập 5 tuần tại một trường trung học, cô tâm sự: “Có một điều làm em buồn nhất là học sinh không yêu thích môn văn. Lớp thực tập của em có 45 học sinh thì chỉ có 3 em thi khối D, số còn lại thi khối A. Có lẽ nguyên nhân khiến các em ít học văn là khối C rất khó xin việc làm.

Hiện có quá nhiều sách bài văn mẫu, các em chỉ chép rập khuôn mà không biết xử lý một tác phẩm văn chương như thế nào. Một nguyên nhân khác, có thể là do cách truyền đạt của thầy cô và giáo trình không cập nhật”. Linh nói.

Ý kiến phản hồi của bạn đọc

Tên: Nguyen Dac Tien, Email: tiennd@yahoo.com

Ý kiến của một cựu học sinh dốt văn !

Tôi nghĩ rằng trước khi học văn, thì học sinh hiện nay với khối lưọng kiến thức cần cập nhật học hỏi là rất nhiều, văn học là một trong các môn các em được học. Trong văn học cũng như nhiều môn khác, người Thày có trách nhiệm truyền cho học trò của mình niềm đam mê cũng như kiến thức. Do vậy người Thày có vai trò đầu tiên trong quá trình hình thành nên niềm đam mê, say đắm văn học, nếu không có các thày, làm sao học sinh có thể biết môn văn học hay như thế nào, cần thiết như thế nào ....

Học sinh làm sao đam mê được khi mà người thày lên lớp và đọc cho học sinh chép với một giọng đều đều, buồn buồn hoặc diễn tả bằng điệu bộ hết sức buồn cười (Tôi xin lỗi các Thày cô vì đã nói điều này) ... Có lẽ tôi sinh ra và học ở một trường miền núi nên thiệt thòi chăng ? Vì tôi cũng rất thích văn học, đọc nhiều, tuy nhiên chẳng thể nào khá môn văn được vì không thể "cảm" được hầu hết các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.

Sau này, khi ra công tác tại Hà Nội, tình cờ được nghe (trộm) giảng văn học trong một Trường THPT ở Gia Lâm, tôi đã không thể dứt ra được, tự nhiên, trong tôi có một cảm giác rằng mình là người kém may mằn vì không được ngồi trong lớp học kia để được nghe giảng văn - Cũng vẫn là tác phẩm ấy, nhưng cách giảng thật khác xa so với trước kia tôi được học. Sau đó tôi tìm hiểu và được biết rằng, giáo viên muốn dạy ở các trường ở Hà Nội phải là những thày cô giỏi - Thảo nào !!! Đây là ý kiến riêng của tôi - Một học sinh dốt văn, mong các Thày chiếu cố !

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.