Bản tin 8H: Xô xát tại dự án thủy điện Mây Hồ, 8 người bị thương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một số người dân ngăn cản thi công tại khu vực thủy điện Hồ Mây (Lào Cai) dẫn đến xảy ra xô xát với nhóm công nhân khiến 8 người bị thương.

Tối 14/3, ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cho biết, khoảng 14h15 cùng ngày, do muốn ngăn cản việc thi công dự án thủy điện Mây Hồ tại thôn Lủ Khấu (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) nên một số người dân của xã Ngũ Chỉ Sơn đã xảy ra xô xát với công nhân thuộc công ty Trách nhiệm hữu hạn năng lượng Mây Hồ. Vụ việc khiến 8 người bị thương. Lực lượng chức năng hiện đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Bản tin 8H: Xô xát tại dự án thủy điện Mây Hồ, 8 người bị thương ảnh 1

Hiện trường vụ xô xát. Ảnh: VietNamPlus


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 15/3 do ảnh hưởng của hội tụ gió ở mực 5.000m có thể khiến mưa rào và dông quay trở lại Bắc Bộ, khu vực đồng bằng cũng nằm trong diện ảnh hưởng của đợt mưa này. Nhiệt độ ở mức ổn định 22-27 độ C. Trong khi đó, nhiều nơi ở Tây Bắc Bộ bắt đầu oi nóng khi nhiệt độ trong ngày lên đến 28-30 độ C, có nơi trên 31 độ C. Ban đêm, nền nhiệt hạ nhanh xuống ngưỡng 19-22 độ C. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, sương mù xuất hiện vào sáng sớm. Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa trái mùa tập trung về chiều tối.


Trong “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID- 19” do Bộ Y tế ban hành ngày 14/3 có quy định: “Người mắc COVID-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly”. Nhiều người cho rằng điều này có nghĩa F0 được phép ra khỏi nhà. Tuy nhiên, tối 14/3, Bộ Y tế có thông tin khẳng định nơi cách ly ở đây là trong căn nhà, không có chuyện F0 được ra khỏi nhà, ra ngoài đường. Để tránh hiểu sai, Tổ biên tập hướng dẫn này của Bộ cũng đã điều chỉnh quy định trên thành "Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà…”.


Sở Y tế Hà Nội thông báo từ 18h ngày 13/3 đến 18h ngày 14/3, thành phố ghi nhận 27.833 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.491 ca cộng đồng. Bệnh nhân phân bố tại 511 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Sóc Sơn (1.739); Đông Anh (1.701); Hoài Đức (1.636); Hoàng Mai (1.595); Long Biên (1.552). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 839.391 ca. Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc COVID-19 phải nhập viện ở Hà Nội chiếm 0,8% tổng số ca đang điều trị, theo dõi trên toàn thành phố. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi ở Hà Nội là 1.116.497 người.


Ngày 14/3, Bộ Y tế cho biết ghi nhận 161.262 ca nhiễm mới với 15 ca nhập cảnh và 161.247 trường hợp trong nước, tại 61 tỉnh, thành phố, có 113.084 ca cộng đồng. Cùng ngày, Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai đăng ký bổ sung F0 lần lượt là: 32.400 ca, 30.000 ca, 25.112 ca và 16.016 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.377.438 ca nhiễm. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 108.407 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.271.978 ca. Trong 24 giờ ghi nhận 92 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.477 ca. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 14/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy. Theo Quyết định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang điều động ông Hoàng Đình Phới - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thôi tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, thôi giữ chức Bí thư Huyện ủy Quản Bạ để bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang từ ngày 14/3. Điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Thâm - Ủy viên Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nội vụ giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang từ ngày 14/3. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG