Ngày 11/3, Công an tỉnh Quảng Ngãi đang làm rõ vụ xe cấp cứu bị chặn lại khi vào cổng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để chở bệnh nhân chuyển viện. Trước đó, lúc 17h47 ngày 9/3, khu cấp cứu của Khoa Khám bệnh và Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi tiếp nhận bệnh nhân Đinh Trung Thắng (18 tuổi, ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn) bị chấn thương sọ não. Tối 9/3, gia đình gọi xe cấp cứu để chở Thắng đi Đà Nẵng thì bị nhiều người ngăn chặn, buộc gia đình phải đưa Thắng xuống băng ca di chuyển từ khu cấp cứu ra ngoài cổng bệnh viện xa hơn 50 m. Theo người nhà, do chậm trễ, Thắng không qua khỏi. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho hay, tình trạng trên do nhóm người kinh doanh dịch vụ xe cấp cứu tư nhân cự cãi, tranh giành bệnh nhân.
Xe cấp cứu bị chặn buộc gia đình phải di chuyển bệnh nhân bằng băng ca. Ảnh: Zing |
Chiều 11/3, Đại úy Phan Văn Đức, Trưởng Công an xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho biết, gia đình đã tìm thấy cháu T.T.Q.N. (SN 2009, học sinh lớp 7 trường THCS Đại Minh, xã Minh Thành), ở tỉnh Bắc Ninh. Gia đình cho biết, đã liên lạc được với cháu N. sau nhiều ngày mất tích. Qua tìm hiểu, N. nghe theo bạn đi kiếm việc làm. Trước đó, ông Trần Viết Chính (SN 1967, trú xã Minh Thành, huyện Yên Thành) cho biết, vào khoảng 17h ngày 7/3, con gái ông là cháu N. đạp xe đi chơi, nhưng đến khuya không thấy về. Gia đình tìm kiếm em N. khắp nơi nhưng vẫn không có tin tức nên đã trình báo cơ quan công an.
Liên quan đến công tác bảo hộ công dân tại Ukraine, tính đến 16h ngày 11/3/2022, các cơ quan đại diện đã đón hơn 4.500 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, cụ thể: khoảng 950 người tại Romania, trong đó có 287 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 7/3 và hiện còn 610 người đăng ký nguyện vọng về nước. Khoảng 2.800 người được đón tại Ba Lan, trong đó 300 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 9/3 và hiện còn 500 người đăng ký nguyện vọng về nước; 660 người tại Hungary, hơn 100 người tại Slovakia, khoảng 20 người tại Nga.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM vừa có báo cáo việc chi hỗ trợ cho thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ nguồn quỹ vận động, phòng chống dịch của Sở. Theo đó, có 20 người được hỗ trợ kinh phí số tiền 4,6 triệu đồng/người, 1 người được hỗ trợ 1,6 triệu đồng và 1 người được hỗ trợ 3 triệu đồng. Cũng theo báo cáo, tính đến 10/8/2021 có 30 đơn vị có đóng góp quỹ với tổng số tiền 461.207.600 đồng. Trong đó, Công đoàn Sở huy động hơn 351 triệu đồng, Văn phòng Sở 60 triệu đồng và Ban Tuyên giáo Đảng ủy Sở 50 triệu đồng. Sở đã chi hỗ trợ kinh phí với số tiền hơn 262 triệu đồng. 199 triệu đồng còn lại được chủ trương mua 42.373 khẩu trang.
Sở Y tế Hà Nội thông báo từ 18h ngày 10/3 đến 18h ngày 11/3, thành phố ghi nhận 31.899 ca mắc COVID-19, trong đó có 11.791 ca cộng đồng và có thêm 11 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 541 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (2.112); Hà Đông (1.984); Sóc Sơn (1.972); Long Biên (1.896); Thanh Trì (1.820)... Như vậy, số ca mắc COVID-19 tính từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 24/7) đến nay là 514.389 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 556.596 ca.
Ngày 11/3, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 169.114 ca nhiễm mới với 24 ca nhập cảnh và 169.090 trường hợp trong nước (tăng 8.429 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố, có 112.937 ca cộng đồng. Ngoài ra Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 19.326 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 5.448.935 ca nhiễm. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 74.857 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.983.222 ca. Từ 17h30 ngày 10/3 đến 17h30 ngày 11/3 ghi nhận 71 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.228 ca. (XEM CHI TIẾT)