Bản tin 8H: Chủ tịch Quốc hội phê chuẩn Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành 4 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc phê chuẩn nhân sự Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình và TP Cần Thơ.

Ngày 23/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành 4 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) phê chuẩn nhân sự Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình và TP Cần Thơ. Cụ thể, tại Nghị quyết số 887/NQ-UBTVQH15, UBTVQH quyết nghị phê chuẩn ông Lê Quang Mạnh thôi làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ để thực hiện nhiệm vụ khác. Tại Nghị quyết số 889/NQ-UBTVQH15, UBTVQH quyết nghị phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XV TP. Cần Thơ. Tại Nghị quyết số 888/NQ-UBTVQH15, UBTVQH quyết nghị phê chuẩn bà Nguyễn Thị Thu Hà thôi làm nhiệm vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XV tỉnh Ninh Bình để thực hiện nhiệm vụ khác. Tại Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH15, UBTVQH quyết nghị phê chuẩn kết quả bầu ông Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khoá XV tỉnh Ninh Bình. Các Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bản tin 8H: Chủ tịch Quốc hội phê chuẩn Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ảnh 1

Giám đốc Công an TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Thuận làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XV TP. Cần Thơ.


UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thành phố. Theo báo cáo của UBND thành phố, từ ngày 1/5/2023 đến 30/9/2023, thành phố có 23 công chức nghỉ việc và 179 viên chức thôi việc. Cũng trong thời gian này, TP HCM tuyển dụng thêm 64 công chức và 781 viên chức. Phân tích nguyên nhân, UBND thành phố nhìn nhận yếu tố chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc; tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống; văn hóa công sở.


Sáng 23/10, tại huyện Nậm Nhùn, Tỉnh ủy Lai Châu tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về công tác cán bộ. Tại hội nghị đã công bố Quyết định số 986-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định ông Trần Quốc Khanh thôi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn nhiệm kỳ 2020 - 2025, điều động đến nhận nhiệm vụ tại Thanh tra tỉnh, bổ nhiệm giữ chức Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm, kể từ ngày 20/10/2023; Quyết định số 988-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu điều động và chỉ định ông Mùa A Trừ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2018 - 2023 tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ ngày 20/10/2023.


Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc điều chỉnh dự toán vay lại năm 2023 của các địa phương. Tổng dự toán vay của các địa phương năm 2023 được Quốc hội quyết định là 34.511,5 tỷ đồng. Trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.394,8 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, tính đến ngày 31/8, có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, dẫn đến thay đổi mức vay của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt. Cụ thể, có 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng là 349,344 tỷ đồng. Tuy nhiên, có tới 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số đề nghị giảm là 5.565,149 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho hay việc điều chỉnh mức vay của từng địa phương năm 2023 cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.


Theo thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, trong 401 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng từ năm 2018 đến hết tháng 8/2023 xin nghỉ việc có 6 kiểm lâm; 222 người làm việc tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và 173 người làm việc tại các Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp. Tình trạng người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc được Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định do môi trường làm việc nặng nhọc, áp lực về trách nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm nói riêng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nói chung.


Chiều 23/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết đến hết tháng 9/2023, việc giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đã đạt hơn 96,4 ngàn tỷ đồng. Về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến cuối tháng 8/2023, đã hỗ trợ khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng với hơn 2.100 khách hàng. Chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân 21.291 tỷ đồng cho hơn 366 ngàn lượt khách hàng. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động. Ngoài ra đã phân bổ hơn 166 ngàn tỷ đồng vốn chương trình trong kế hoạch 2022, 2023.


Sở Công Thương tỉnh Gia Lai vừa kiểm tra, rà soát lại việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc tổ chức thi công nhà máy thuỷ điện Ia Glae 2. Qua đó, Sở khẳng định chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng công trình nhà máy thủy điện Ia Glae 2 chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung, trình tự, biện pháp thi công trong mùa mưa lũ khi thi công phần tường thượng lưu (nối tiếp phần tường đã hoàn thành ở cao trình 346,0m); không đảm bảo tiến độ thi công phần thân đập; chưa cập nhật kịp thời diễn biến bất thường của thời tiết; chưa có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn phần tường thượng lưu nên khi xuất hiện lũ lớn bị cuốn trôi. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Đại diện Công ty CP thủy điện Khải Hoàng (chủ đầu tư công trình nhà máy thủy điện Ia Glae 2) giải trình do mưa to diện rộng, nước đổ về đột ngột, tốc độ dòng chảy lớn tạo thành lũ làm gãy một phần tường.

MỚI - NÓNG