Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều người cảnh tỉnh bằng hình ảnh con cá voi đang há mồm chờ cho các loại cá nhỏ lao đầu vào, rồi ngậm mồm hốt một mẻ. Có gì đâu, phiên giao dịch chiều 15/11, đã có lúc 70 mã cổ phiếu tăng trần trong số hơn 270 cổ phiếu tăng giá trên sàn HOSE. Đúng là “mưa tiền” với cổ phiếu đầu cơ. Vô lý tới mức, nhiều doanh nghiệp thua lỗ tới 5-7 quý, nhưng không ít nhà đầu tư chẳng bận tâm, vẫn nhao vào, để đẩy giá tăng vài chục lần. Có lẽ, ai cũng nghĩ, mình sẽ kịp kiếm lãi, rồi nhanh chóng thoát khỏi họng cá voi, theo kiểu “liều ăn nhiều”. Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt đang nhiều nhất trong lịch sử 21 năm.
Giá vàng trong nước cũng vậy, liên tục lập đỉnh và neo cao. Không những thế, mức tăng giá vàng trong nước còn cao hơn thế giới, trong khi thông tin về sức mua trên thị trường “mù mờ” và khó ai biết được nguồn cung cũng như quy mô sức mua. Nhìn chung, chứng khoán và vàng đang khiến người ta nghĩ về một chiếc bẫy với sự làm giá. Còn nhà đầu tư chắc vẫn tư duy: Mình có thể lướt sóng kịp.
Trước hiện tượng trên cùng với sự lập đỉnh song hành về giá của nhiên liệu đầu vào (xăng, dầu), một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, điều này tạo nên áp lực lạm phát. Về mặt quản lý nhà nước, cơ quan chức năng phải tìm cách kiềm chế giá xăng dầu, nếu không sẽ gây hệ lụy tạo nên mặt bằng giá mới với các loại hàng hóa khác. Trong khi đó, việc giải ngân đầu tư công chậm trễ tới mức có địa phương mới thực hiện chưa được 20%.
Một nền kinh tế mà tiền chỉ đổ vào chứng khoán, ứ đọng trong vàng, bất động sản, chưa chú trọng rót vào sản xuất thì rất cần bàn tay giám sát, điều tiết.
Năm 2022 được dự báo rủi ro lạm phát lớn nên áp lực điều hành chính sách tiền tệ cao. Nếu để tình hình tài chính các tổ chức tín dụng suy giảm sẽ khiến nợ xấu của ngân hàng gia tăng. Kể cả nhà nước huy động được khoảng 200 nghìn tỷ đồng nhàn rỗi trong dân, bài toán đặt ra là làm sao số tiền này thẩm thấu vào nền kinh tế một cách hiệu quả. Khi đó, sự cộng lực sức mạnh nội tại sẽ giúp giải quyết bài toán vĩ mô.