Apple phải xin lỗi lại Samsung vì mỉa mai đối thủ
> Samsung yêu cầu Apple cấm bán iPhone 5 tại Mỹ
> Samsung phải bồi thường Apple hơn 1 tỷ USD
Một tòa án ở Anh vừa yêu cầu Apple phải đăng lại lời xin lỗi Samsung trên website của mình thừa nhận rằng hãng công nghệ Hàn Quốc không xâm phạm thiết kế đã đăng kí của Apple cho các sản phẩm máy tính bảng.
Apple buộc phải đăng tải lại lời xin lỗi Samsung vì thái độ bất hợp tác trước đó. |
Apple cũng được yêu cầu phải đặt lời xin lỗi này ở một vị trí nổi bật hơn trên trang chủ. Trước đó, vào ngày 18-10, toà án Anh đã tuyên bố Samsung không sao chép bản quyền thiết kế máy tính bảng iPad của Apple, mặc dù có một vài điểm tương đồng giữa 2 sản phẩm.
Phán quyết đến từ tòa án nước Anh đối với vụ kiện này lại đi ngược mong muốn của Apple, không chỉ thế, theo lệnh từ tòa án này, Apple buộc phải đăng một lời xin lỗi công khai đối với Samsung rằng hãng điện tử Hàn Quốc không hề sao chép các thiết kế của họ..
Tuy nhiên, Apple lại đăng tải lời xin lỗi đối thủ với một thái độ có phần mỉa mai khi cho rằng các sản phẩm của hãng sản xuất điện tử Hàn Quốc "không quá mới mẻ" và không ấn tượng bằng các thiết bị mang thương hiệu "Quả táo".
Trong nội dung bản thông cáo được Apple đăng tải trên website của mình, Apple cũng không hề đưa ra bất cứ một lời xin lỗi nào theo yêu cầu từ phía tòa án Anh. Hãng công nghệ Mỹ thậm chí còn trưng ra hàng loạt các thông tin, kết quả của vụ kiện cáo này được phát quyết bởi các tòa án liên bang tại Mỹ và Đức khẳng định rằng Samsung đã vi phạm các thiết kế được Apple đăng ký bản quyền và phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho Apple.
Trước thái độ thiếu thành khẩn của Apple, Samsung đệ đơn khiếu nại tuyên bố mà Apple đưa ra trên trang web của hãng này là "không chính xác và gây hiểu lầm". Thẩm phán của tòa án Anh đồng ý với quan điểm của Samsung và yêu cầu Apple phải đăng lại lời xin lỗi Samsung lên website của mình trong vòng 48 tiếng. Sau khi nhận được trát từ tòa án Anh, phía Apple lại cho rằng họ sẽ cần tới 2 tuần để thực thi phán quyết này tuy nhiên vị thẩm phán trên đã bác bỏ ý kiến của Apple.
Theo Võ Hiền
Dân trí