Đối với các nhà quan sát, điều này không có gì bất ngờ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng quý 4/2018 của Trung Quốc là 49,4 – dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế Trung Quốc đang đi xuống. Mỗi khi chỉ số này xuống dưới 50 thì nghĩa là nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và triển vọng tăng trưởng tương lai cũng không khả quan.
Nguy cơ dễ bị tổn thương kinh tế của Trung Quốc là do mô hình tăng trưởng mất cân bằng. Ở những nền kinh tế phát triển khác như của Mỹ, chi tiêu của khách hàng đóng góp đến 2/3 hoặc hơn cho GDP nói chung. Tại Trung Quốc, tiêu dùng tăng 35% cách đây 10 năm, nhưng vẫn chưa gần mức 60% GDP, cho thấy một nền kinh tế mất cân bằng đang dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư, nên vì thế sẽ không bền vững trong dài hạn.
Thành công của Trung Quốc trong nỗ lực trở thành công xưởng của thế giới là rõ ràng, khi rất nhiều hàng hóa mà người dân khắp thế giới đang sử dụng hiện nay đều gắn mác “made in China”. Sự chú trọng vào tăng trưởng dựa trên xuất khẩu đi cùng những khoản đầu tư lớn cho hạ tầng, xây dựng, phát triển bất động sản, đường sắt cao tốc và cơ sở hạ tầng trung chuyển.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng đã thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm 2008 và 5 năm tiếp đó, nhưng cũng gây ra một khoản nợ khổng lồ để hỗ trợ kiểu tăng trưởng như vậy. Hiện nay, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đang ở mức báo động là 250%, một con số không bền vững và cũng là nhân tố tạo ra thách thức to lớn cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và Mỹ tăng thuế lên hơn 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc, lượng cầu đã giảm xuống vì giá những hàng hóa đó đã trở nên đắt hơn ở thị trường Mỹ. Có nhiều báo cáo cho biết các nhà xưởng ở Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm công nhân và không tuyển dụng thêm người. Tại trung tâm sản xuất ở tỉnh Quảng Đông, các nhà xưởng đang sa thải bớt công nhân và bảo họ về quê ăn Tết không lương vì số lượng đơn hàng từ các công ty Mỹ đã ít đi.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu ngấm vào nền kinh tế Trung Quốc khi người tiêu dùng nước này có tâm lý phải chuẩn bị cho tương lai bất định. Người tiêu dùng là những người đầu tiên nhân ra thay đổi trong nền kinh tế, và họ chuyển sang chi tiêu ít hơn vì lo sợ mất việc làm và giảm lương.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu nói chung. Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang cung cấp nguyên liệu đầu vào và thiết bị cho nền kinh tế chế tạo của Trung Quốc. Khi Foxconn lắp ráp iPhone ở Trung Quốc, nhiều linh kiện họ sử dụng được nhập từ Hàn Quốc, Nhật và Đức. Vì thế, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại cũng sẽ ảnh hưởng đến những khu vực khác của kinh tế toàn cầu.
Trong các tháng tới, giới phân tích cho rằng nên chuẩn bị tâm lý để chứng kiến kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống. Điều này sẽ được phản ánh trên thị trường bất động sản và chứng khoán, trong báo cáo tài chính của các công ty và tình trạng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài khi giá trị đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ thấp hơn, và sức ép lớn hơn lên ngành tài chính Trung Quốc khi các khoản nợ xấu ngân hàng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, 2019 sẽ là một năm thách thức đối với kinh tế Trung Quốc và các nhà làm chính sách nước này vì phải đương đầu với khó khăn tứ phía.