TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Áp lực từ cải cách tiền lương; trách nhiệm kiểm toán vụ Ngân hàng SCB

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cải cách tiền lương từ 1/7 gây áp lực lạm phát; hai 'tư lệnh ngành' nói về trách nhiệm kiểm toán trong vụ án SCB; thị trường vàng biến động sau quyết định mới của Trung Quốc; Hải Phòng xin ý kiến Trung ương lập khu kinh tế 20.000 ha... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Cải cách tiền lương từ 1/7 gây áp lực lạm phát, giá cả ra sao?

Sáng 6/6, nêu chất vấn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là sắp tới sẽ triển khai cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Đại biểu đề nghị cho biết công tác điều hành giá trong thời gian tới để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát?

Trả lời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, câu hỏi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra “hết sức chính xác”. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan rất nhiều đến các mặt hàng thiết yếu.

“Như tôi đã báo cáo hôm nay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu. Điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới, trong khi chúng ta đang thực hiện nhiều gói kích cầu, rồi chuẩn bị tăng lương… “, ông Hà nói.

Áp lực từ cải cách tiền lương; trách nhiệm kiểm toán vụ Ngân hàng SCB ảnh 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Như Ý.

Theo Phó Thủ tướng, đó là nguyên nhân dẫn đến biến động, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ảnh hưởng đến kiểm soát chỉ số lạm phát.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo về sản xuất, cung ứng lưu thông, phân phối và đảm bảo các mặt hàng, nhất là các mặt hàng Chính phủ quản lý, kiểm soát về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Hồng Hà, vấn đề này còn liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ. “Ví dụ như vừa qua, xử lý biến động giá vàng, với các giải pháp cụ thể nhằm mục đích ổn định giá trị của đồng tiền”, ông Hà nói.

Hai 'tư lệnh ngành' nói về trách nhiệm kiểm toán trong vụ án SCB

Sáng 5/6, Quốc hội chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu vụ án ở Ngân hàng SCB có nhiều công ty đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường.

"Cử tri đặt câu hỏi về trách nhiệm của kiểm toán và đặc biệt là trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước ở các vụ việc như SCB ra sao", ông Hải hỏi?

Trả lời sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, SCB bị truy tố và được xét xử với 3 tội danh: Thao túng thị trường chứng khoán; chiếm đoạt tài sản; nhận và đưa hối lộ.

Ông Tuấn khẳng định, Ngân hàng SCB không thuộc đối tượng, không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước, mà thuộc phạm vi kiểm toán độc lập. Bởi SCB là công ty đại chúng nên buộc phải kiểm toán độc lập. “Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho ngân hàng này”, ông Tuấn nói.

Được mời “chia lửa”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, với nguyên tắc, phạm vi thực hiện, “nơi nào có tài sản Nhà nước, nơi đó có hoạt động kiểm toán”.

“Kiểm toán Nhà nước mặc dù không kiểm toán Ngân hàng SCB nhưng cũng đã kiến nghị và lưu ý về trường hợp ở SCB”, ông Phớc cho hay.

"Chen nhau" mua vàng ở ngân hàng

Sáng 9/6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn 72,6 - 74,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, đi ngang so với cuối phiên giao dịch trước đó.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC về mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giữ nguyên so với phiên giao dịch t rước đó.

Tại thị trường TPHCM, hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng SJC 76 - 76,98 triệu đồng/lượng, giá nhẫn tròn trơn 72 - 73,2 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra.

Áp lực từ cải cách tiền lương; trách nhiệm kiểm toán vụ Ngân hàng SCB ảnh 2

Giá vàng liên tục giảm những ngày qua.

Tại 4 ngân hàng quốc doanh, giá vàng SJC bán ra mức 76,98 triệu đồng/lượng. Hết ngày nghỉ cuối tuần (ngày 9/6, sáng mai (ngày 10/6), các ngân hàng giao dịch, bán vàng miếng SJC trở lại cho người dân.

Sau 1 tuần các ngân hàng quốc doanh bán vàng trực tiếp cho người dân, giá vàng SJC giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Doanh nghiệp vàng cũng giảm giá bán vàng SJC tương đương giá bán của ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tạm thời chỉ mua vào, hết vàng SJC bán ra.

Nhiều người bất ngờ nhận ‘trát’ phạt nợ thuế, cấm xuất cảnh

Chị Thanh Hương ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sau khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2023, chị nhận được thông báo phải nộp phạt tiền chậm nộp thuế gần 10 triệu đồng. Chị Hương chia sẻ, năm 2022, chị có 2 nguồn thu nhập từ 2 đơn vị khác nhau. Do sơ suất không kiểm tra đơn vị trả thu nhập đã nộp thuế hay chưa, chị Hương ủy quyền cho cơ quan công tác quyết toán thuế TNCN.

“Sơ suất do ủy quyền cơ quan đã quyết toán thuế TNCN nên tôi không kiểm tra lại. Khi cơ quan quyết toán thuế TNCN năm 2023, tôi mới biết bị nộp phạt tiền chậm nộp. Số tiền phạt rất lớn, bằng gần 1 tháng lương của tôi”, chị Hương chia sẻ.

Áp lực từ cải cách tiền lương; trách nhiệm kiểm toán vụ Ngân hàng SCB ảnh 3
Người dân làm thủ tục kê khai thuế. Ảnh: LVN.

Theo chị Nguyễn Thu Dương - kế toán một doanh nghiệp tại Hà Nội, khi nhận ủy quyền quyết toán thuế TNCN năm 2023, nhiều người lao động nhận thông báo nộp phạt tiền chậm nộp của những năm trước đó. Với các trường hợp này, chị Dương nhận thông báo của cơ quan thuế và hướng dẫn cho người lao động nộp bổ sung.

“Đa số người lao động ngạc nhiên vì trước đó không nhận thông báo nộp phạt của cơ quan thuế. Sau khi trao đổi cụ thể từng khoản chậm nộp, nộp bổ sung, người lao động nộp đầy đủ nhưng cũng mong cơ quan thuế thông báo trước để tránh tình trạng bị phạt tiền chậm nộp”, chị Dương chia sẻ.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Thông tư 156/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC đã quy định rõ, trường hợp người nộp thuế là cá nhân cư trú có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công phải kê khai quyết toán thuế TNCN.

Người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đã bị cơ quan thuế kiểm tra phát hiện, ngoài việc bị xử phạt nộp đủ số tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước còn bị xử phạt về hành vi khai sai. Người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm. Ngành thuế được quyền truy thu số thuế còn thiếu trong vòng 10 năm. Sau khi thông báo tiền chậm nộp thuế, cá nhân không thực hiện, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp như đề xuất cấm xuất cảnh.

Hải Phòng xin ý kiến Trung ương lập khu kinh tế 20.000 ha

Tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hải Phòng ngày 4/6, ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý, thống nhất cao và xin ý kiến Trung ương về Đề án thành lập Khu kinh tế Nam Hải Phòng.

Theo đề án, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có tổng diện tích 20.000 ha, ven theo đường cao tốc ven biển, khu vực sông Văn Úc, khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn, khu vực sân bay Tiên Lãng, thuộc địa phận 4 quận/huyện, gồm: Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.

Áp lực từ cải cách tiền lương; trách nhiệm kiểm toán vụ Ngân hàng SCB ảnh 4
Phối cảnh Đề án Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Theo ông Lê Trung Kiên, đây là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại. Là đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới, đồng thời quan tâm giữ gìn giá trị văn hóa và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.

Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng sẽ được định hướng triển khai khu thương mại tự do, được ưu tiên phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

Dự kiến đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố, tương đương với 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023. Do đó, khu kinh tế này có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.

MỚI - NÓNG
Anh Trần Ngọc Nam tái cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam Khoá VI
Anh Trần Ngọc Nam tái cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam Khoá VI
TPO - Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã hiệp thương chọn cử 33 anh chị tham gia Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Anh Trần Ngọc Nam - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam khoá V, tiếp tục được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam khóa VI.
Cử tri đề nghị giám sát đóng BHXH cho người lao động
Cử tri đề nghị giám sát đóng BHXH cho người lao động
TPO - Theo cử tri TPHCM, thời gian qua có nhiều người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội vì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng và tuyên bố phá sản. Điều này gây ra sự hoang mang cho người lao động, làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.