Ấp Khmer nghèo nuôi con thành đạt

Vợ chồng ông Trần Kha trước nhà. Ảnh: Hòa Hội
Vợ chồng ông Trần Kha trước nhà. Ảnh: Hòa Hội
TP - Ấp Kinh Đào, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành, Sóc Trăng) có đông đồng bào Khmer nghèo sinh sống được biết đến với tinh thần hiếu học bậc nhất của tỉnh khi nhiều gia đình có con ăn học thành tài.

Trưởng ấp Kinh Đào, ông Lâm De cho biết, ấp có 434 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 80%, còn nghèo nhưng rất tự hào về tinh thần hiếu học. Đến nay, đã có người trở thành giám đốc doanh nghiệp, 2 người có bằng thạc sỹ, 52 người có bằng cử nhân; một số em còn đang học đại học, cao đẳng chưa thống kê hết.

“Gánh rau trạng nguyên”

Theo trưởng ấp Lâm De, nhiều hộ nghèo nhưng cố gắng làm ăn để lo cho con ăn học, điển hình là gia đình ông Trần Kha. Căn nhà mái lá lụp xụp của ông Kha nằm tít ngoài đồng, đường lộ lồi lõm khó đi. “Ông Kha nhà nghèo lắm, sống bằng nghề xịt lúa (phun thuốc) thuê mà nuôi 3 con ăn học đại học. Ông là tấm gương sáng của xã, được nhiều người quý mến và học theo”, trưởng ấp De giới thiệu.

Trưa cuối tháng 2 trời nắng gay gắt, ông Kha người đen nhẻm, chân còn bám bùn đất vừa từ ngoài đồng về. Ông nói: “Tôi dậy từ 1 giờ sáng để nhổ rau muống, cải xanh, gánh bộ hơn 2 cây số đem ra chợ cho vợ bán rồi về xịt thuốc thuê đến giờ”. Ông cho biết, trong buổi sáng xịt được 30 bình thuốc sâu, mỗi bình 8.000 đồng, kiếm được 240.000 đồng. Ngồi trò chuyện, ông Kha kể: “Suốt 18 năm nay, hằng ngày tôi đều gánh rau ra chợ cho vợ ngồi bán nên người dân trong ấp trêu là “gánh rau trạng nguyên” nhưng tôi mặc kệ, miễn sao làm ăn chân chính kiếm tiền lo con ăn học thành tài là được rồi”.

 Vợ chồng ông Kha có 4 người con, trong đó 3 con học đại học. Cụ thể, con trai lớn Trần La học kỹ sư cơ khí ở TP HCM, ra trường cách nay 3 năm rồi hùn vốn với bạn bè mở Cty Cơ khí Thành Đở, chuyên thiết kế, gia công khuôn mẫu, trụ sở tại xã Bình Mỹ (Củ Chi, TPHCM). Anh La giữ chức giám đốc sản xuất; con gái thứ ba Trần Thị Ủy là kỹ sư thủy sản trường ĐH Cần Thơ, ra trường đã 2 năm. Hiện nay, cô đang làm việc cho một doanh nghiệp thủy sản trong khu công nghiệp Trà Nóc ở thành phố Cần Thơ. Con trai thứ tư là Trần Diệu đang học đại học năm cuối ngành cơ khí trường ĐH Cửu Long ở tỉnh Vĩnh Long. Còn con gái út Trần Thị Bình năm rồi thiếu nửa điểm là đậu ĐH Y dược Cần Thơ. Hiện tại, ông chuẩn bị cho cô Bình lên Cần Thơ ôn tập để chuẩn bị thi lại vào Đại học Y dược Cần Thơ vào tháng 7 tới. 

Ông Kha kể, nhiều lúc nhà không có tiền mà con gọi điện về xin tiền đóng học phí, mỗi đứa 3 – 4 triệu đồng. Lúc do, phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao gửi lên cho con, ba mẹ ở nhà làm thuê trả lại. “Ban ngày tiếp xúc nhiều với thuốc sâu. Tối bị ngộ độc nên nửa đêm nóng, mê sảng chạy lung tung quanh xóm, may nhờ hàng xóm kéo về nhà, đến sáng mới tỉnh”, ông nhớ lại.

Nhà nước giúp sức

Trưởng ấp Lâm De cho biết, hầu hết con em trong ấp được học đến đại học là nhờ nhà nước hỗ trợ vay vốn. Bản thân ông cũng vay tiền cho con trai học đại học ở Cần Thơ. Hiện tại, con ông đang dạy trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ở TP Sóc Trăng. Còn gia đình ông Thạch Kha vay 120 triệu đồng. “Nếu không có khoản tiền vay này, cho dù vợ chồng tôi có cố gắng cách mấy cũng khó mà lo nổi số tiền hàng trăm triệu đồng cho 3 đứa đến ra trường”, ông Kha nói.

Anh Lâm Phúc Hải, 31 tuổi, là người dân tộc Khmer đầu tiên của ấp đậu đại học. Hiện nay, anh Hải có bằng thạc sỹ chuyên ngành công nghệ sinh học, phụ trách mảng khoa học công nghệ và khuyến công của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành. Anh Hải kể, nhà nghèo, điều kiện ở địa phương còn nhiều hạn chế từ văn hóa đến đời sống nên anh quyết tâm học để mang tri thức về phục vụ quê hương. “Ngoài phấn đấu của bản thân, động viên từ gia đình thì hỗ trợ của nhà nước là điều không thể phủ nhận vì nếu không có khoản vay vốn và ưu đãi cho người dân tộc thiểu số nâng cao trình độ thì mình khó mà được như hôm nay”, anh Hải nói.

Ấp Khmer nghèo nuôi con thành đạt ảnh 1

Trưởng ấp Lâm De đang xem giấy khen.

Bà Lâm Thị Hồng, 53 tuổi, có 2 con học ở trường ĐH Cần Thơ, đứa lớn học ngành kinh tế nông nghiệp đã ra trường và đang làm cán bộ ở xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Tú. Còn con gái út cũng vừa tốt nghiệp ĐH ngành sư phạm. Bà cho biết, gia đình có 0,5 ha đất trồng lúa nhưng tiền vay không đủ nên bà bán 0,3 ha để lo cho con. “Chỉ có văn hóa mới giúp con mình thoát khỏi cảnh nghèo. Vì thế, bất kỳ giá nào, kể cả bán đất tôi cũng phải cho con ăn học”, bà Hồng nói. 

Trong ấp còn có nhiều gia đình điển hình về phong trào hiếu học mà phải kể đến  ông Trần Văn Đạt, thuộc hộ nghèo nhưng có 5 người con học đại học, đều ra trường và đi làm. Trong đó, con trai út Trần Quốc Trung là thạc sỹ chuyên ngành xây dựng học ở Hà Lan về. Hiện tại, anh Trung đang làm việc cho Cty Dầu khí Cửu Long.

Ông Lý Lái, phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Hồ Đắc Kiện cho biết, địa phương luôn tạo điều kiện và khuyến khích tinh thần ham học đối với con em dân tộc Khmer. Cụ thể, ngoài các chính sách hỗ trợ vay vốn của nhà nước, hội và chính  quyền còn hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp miễn giảm chi phí học tập. Bên cạnh đó, hội vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn về tiền bạc, quần áo và sách vở.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).