Xuân sớm với bà con Khmer

Xuân sớm với bà con Khmer
TP - Bà con Khmer trước đây không có đất và nhà, sống lay lắt trên bãi bồi ven biển, nay đã rộn ràng trong những căn nhà mới ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Còn bà con Khmer ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) phấn khởi đón hàng nghìn người con học hành thành đạt ở xa về quê, kết quả của phong trào hiếu học nhiều năm.

Khu dân cư mới

Nhiều hộ Khmer chộn rộn trước ước mơ lớn đã thành hiện thực. Được cấp nhà mới, cấp đất sản xuất, chấm dứt cảnh sống tạm bợ trong những căn chòi dột nát tại khu rừng phòng hộ ven biển. Tại khu nhà mới, điện thắp sáng choang, nước sinh hoạt trong vắt, có đất sản xuất còn được hỗ trợ vốn, phương tiện, và cách thức làm ăn, đào tạo nghề lao động phổ thông tại chỗ. Những vườn rau xanh tươi đang được thu hoạch để mang ra chợ, hình ảnh trước đây không hề có.

Bà Sơn Thị Xịa, người cao tuổi nhất ở khu nhà mới cho hộ nghèo ở ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, cho biết bà sống gần đời người chưa bao giờ dám mơ ước có được căn nhà tường như thế này. Nhiều năm trước, cả gia đình bà có tám người nhưng không có đất, không có nhà, không công ăn việc làm ổn định, phải đi khắp nơi làm thuê làm mướn, rày đây mai đó. “Hàng chục năm qua, chưa Tết nào cả nhà được sum họp ấm cúng thì Tết năm nay gia đình tôi và nhiều hộ Khmer trong khu nhà mới này đã được sum họp, vui lắm”, bà Xịa cười rạng rỡ.

Các hộ Khmer được sắp xếp vào ở khu nhà mới ở ấp Biển Tây A, đều vui mừng nói “niềm vui không dám mơ”. Nhiều năm trước đây, họ phải sống lay lắt, tạm bợ trong rừng phòng hộ ven biển, không có nhà cửa kín đáo chứ đâu dám mong nhà xây tường. Bà con chỉ lấy cây đước, cây mắm khô cất chòi che ở tạm trong cảnh dột nát; mà sống lậu ven rừng, ven đê biển thì không có điện, nước, đường sá, chợ, trường học, trạm y tế. Cuộc sống khổ sở, cơ cực lắm. Bây giờ đã có nhà ở tốt, lại còn có đất sản xuất!

Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, ông Lưu Hoàng Ly, cho biết: khu định cư gần 60 ha, để lo 1.000 căn hộ. Bước đầu đã có hơn 300 căn được xây dựng và trao tặng cho các hộ Khmer nghèo. Mỗi gia đình được cấp một căn nhà tường, mái lợp tôn, trị giá hơn 45 triệu đồng và 300 m2 đất để trồng hoa màu, chăn nuôi. Tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, do sự đóng góp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam hỗ trợ 30 tỷ đồng. Ông Hoàng Thanh Tuấn, GĐ Cty Cổ phần xây dựng Hoàng Phát - Bạc Liêu, cho biết, ngoài việc xây dựng nhà ở, doanh nghiệp của ông còn hỗ trợ thêm tiền giúp bà con Khmer nghèo mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, công cụ lao động sản xuất.

Xã hiếu học

Xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) có 83% trong tổng số 17.697 nhân khẩu là người dân tộc Khmer. Xã làm nông nên nghèo, cả 8/8 ấp vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn đến 20%; tuy nhiên, Đại Tâm luôn tự hào về truyền thống hiếu học.

Phó chủ tịch UBND xã Đại Tâm, ông Trần Chín Tâm, cho biết trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%. Xã đã phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2008 và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 vào năm 2010; cả xã có 15 chi hội khuyến học với 1.872 hội viên, chiếm 10,58% dân số.

Tính đến cuối năm 2015, xã Đại Tâm có 756 người trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Trong đó trên đại học có 27 người. Nhiều người con của xã Đại Tâm đã trở thành lãnh đạo ở trung ương và địa phương như nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long Lý Đại Hồng, Phó GĐ Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng Lý Đại Lượng, Phó chủ tịch UBND huyện nhà Mã Thạnh…

Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Kiêm Phong Vĩnh kể thêm: “Chỉ riêng số con em Đại Tâm đang đứng trên bục giảng cũng 450-500 người. Có nhiều hộ nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê kiếm sống nhưng không để con nghỉ học, xoay xở cho con được học hành. Có người chạy xe ôm, có người phải bán đất để có tiền cho con ăn học. Ngoài những học sinh đã thành đạt, hiện nay ở xã cũng còn rất nhiều học sinh đang học, dù nhà nghèo nhưng học giỏi”.

Nhiều gia đình ở Đại Tâm được vinh danh gia đình hiếu học, con cái có nhiều đóng góp cho quê hương. Những gia đình tất cả con cái đều tốt nghiệp đại học, làm việc thành đạt như ông Diệp Tấn Phường (ấp Đại Chí), ông Trần Văn Kiều và ông Chung Hữu Duyên (ấp Tâm Thọ), mỗi nhà có 4 người con, ông Hứa Chung Hải (ấp Tâm Lộc) có 5 người con, ông Liêu Anh Dũng (ấp Đại Thành) có 6 người con. Gia ông Trầm Xuân Ngọc (ấp Tâm Thọ) có 8 người con tốt nghiệp đại học và trung cấp.

Phó Chủ tịch UBND xã Trần Chín Tâm phấn khởi: “Năm 2015, toàn xã có 752 hộ được công nhận gia đình hiếu học. Càng gần tết, không khí ở xã càng rộn ràng khi hàng nghìn người con học hành thành đạt, đi làm ăn xa trở về”.

MỚI - NÓNG
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
TPO - Đường Lê Đức Anh đi qua các khu đô thị cao cấp, kiểu mẫu thuộc phường Thủy Vân (TP. Huế) thời gian gần đây luôn trong tình trạng ngập nước, mặt đường bị các phương tiện vận tải cày xới, băm nát nhưng không được duy tu, sửa chữa kịp thời khiến tai nạn xe cộ thường xuyên xảy ra. 
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
TP - Qua bàn tay khéo léo, kiên trì của người thợ lão luyện, những chiếc quạt cổ sáng bóng trở lại và chạy êm ru. Quạt cổ phả ra làn gió nhẹ, mơn man khiến chủ nhân như đang được ngồi giữa cánh đồng bát ngát. Trong thời buổi con người vật lộn, sống gấp như hiện nay thì ai cũng muốn có được những giây phút thư thái như thế…