Điện về, đồng bào Khmer vui như mở hội

Nhờ có điện, ông Thạch Hiếu phát triển nghề mộc, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: Đại Dương
Nhờ có điện, ông Thạch Hiếu phát triển nghề mộc, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: Đại Dương
TP - Hàng chục nghìn hộ dân đồng bào Khmer ở Trà Vinh đã và đang được kéo điện lưới quốc gia đến nhà. Điện đi tới đâu, bà con mừng vui như mở hội đến đó.

Đến thăm nhà anh Thạch Sa Rót (ấp Ba Sát, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)  đúng lúc anh đang ngồi xem lại vở tuồng do gánh hát ở địa phương tự biên, tự diễn. “Tụi mình mới thành lập gánh hát được ba tháng, tự dàn dựng vở và biểu diễn cho bà con xem. Đêm diễn đầu tiên được tổ chức ở trong chùa cách đây ít hôm, bà con kéo đến xem như đi hội”- anh Sa Rót hồ hởi kể. 

Anh cho biết, lần đầu tiên ở ấp thành lập được gánh hát và hát bằng tiếng Khmer nên bà con rất vui. “Nhờ có điện, tụi tui mới dễ luyện tập và biểu diễn. Cũng nhờ có điện nên sau khi ghi hình mới đưa vào màn hình tivi mở xem lại để rút kinh nghiệm”- Sa Rót nói. 

Anh cũng cho biết, trước đây nhà anh phải dùng ké điện của nhà hàng xóm với tình trạng “điện mù mù” vì kéo dây xa. Mới đây, nhà anh đã được kéo điện vào tận nhà và được gắn đồng hồ riêng. “Điện sáng rỡ, mừng hết biết”- Sa Rót bày tỏ niềm vui. 

Ở cùng ấp Ba Sát, gia đình ông Thạch Hiếu cũng trong tâm trạng phấn khởi. Ông kể, ngoài làm ruộng, ông còn tranh thủ những ngày nông nhàn làm nghề mộc tăng thêm thu nhập. 

“Trước đây toàn phải làm bằng tay nên mất khá nhiều thời gian mới hoàn thành một sản phẩm. Mấy tháng qua, khi có điện, tôi bắt đầu mua sắm máy móc và mọi công đoạn từ cưa, xẻ đến bào, khoan…đều làm bằng máy nên tốc độ vừa nhanh lại vừa khỏe. Thu nhập cũng theo đó tăng lên”- ông Hiếu chia sẻ.

Ấp Ba Sát có 389 hộ, với 1.215 nhân khẩu, trong đó hầu hết là người Khmer. Đến nay, trên 99% hộ dân trong ấp có điện. Trưởng ấp Ba Sát, ông Thạch Tuấn cho biết trước đây khi chưa có điện, nhiều hộ dân trong ấp sử dụng điện câu đuôi, chất lượng điện áp không đảm bảo nên không thể dùng điện phục vụ sản xuất, chưa kể giá rất cao. 

Từ khi dự án cấp điện cho đồng bào Khmer được thực hiện, điện về thắp sáng từng nhà dân đã làm thay đổi bộ mặt của ấp nghèo này. “Nhờ có điện, nhiều hộ dân trong ấp phát triển nghề xay xát gạo, chăn nuôi bò, heo và nâng cao đời sống”- ông Tuấn nói, đồng thời chỉ ra những trường hợp tiêu biểu.

Gia đình  ông Sơ Xa Bời (ấp Ba Sát) chuyên nuôi heo nái. Khi có điện, ông đầu tư mô-tơ bơm tưới nước cho heo. Nhờ thuận lợi trong việc chăm sóc, ông mạnh dạn nâng số lượng heo và hiện trong chuồng nhà ông có đến 12 con heo nái, cho nguồn thu cao. Trong khi đó, ông Kiên Tìa tận dụng lợi thế của điện để nâng cao năng suất lúa. 

Nhà ông có 15 công ruộng, trước đây năng suất chỉ đạt 18-19 giạ/công/vụ. Từ khi có điện, ông chăm chỉ theo dõi và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất do các kênh truyền hình chuyên về khoa học kỹ thuật hướng dẫn và áp dụng vào sản xuất. Kết quả, năng suất lúa gia đình ông tăng lên 26-27 giạ/công/vụ.

Ông Dương Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Đôn Châu cho biết tỷ lệ hộ dân có điện trong xã hiện đạt 96,41% và hoàn thành tiêu chí thứ 4 trong xây dựng nông thôn mới. Không riêng Đôn Châu, theo ông Ngô Văn Phil - Chủ tịch UBND xã Đông Hải (huyện Duyên Hải) đời sống của người dân xã Đông Hải, nơi phần lớn là đồng bào Khmer, cũng khá lên nhờ có điện phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới tiêu hoa màu. 

Ông cho biết cả xã có 2.073 hộ dân với 8.690 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Khi dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu đồng bào Khmer (3 giai đoạn) được triển khai, trên địa bàn xã có 558 hộ dân được cấp điện, nâng tỷ lệ hộ dân có điện từ 90,04% (năm 2011) lên 98,4% vào thời điểm hiện tại.

Phủ điện đến từng hộ dân Khmer

Dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) làm chủ đầu tư được triển khai tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.  Tại Trà Vinh, ông Đặng Văn Dình-Phó GĐ Công ty Điện lực Trà Vinh cho biết, dự án gồm 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng. 

Giai đoạn 1 và 2 đã hoàn thành, cấp điện cho trên 28.600 hộ dân. Riêng giai đoạn 3 đang triển khai thi công dự kiến hoàn thành trong quý I/2016, cấp điện cho 6.306 hộ. Sau khi hoàn thành dự án, hầu hết các hộ dân trong tỉnh có điện lưới quốc gia, trong đó trên 97,41% hộ dân Khmer trong toàn tỉnh có điện.

MỚI - NÓNG