Rộn ràng điệu múa Khmer

Nghệ nhân Đào Thị Riêng và Lý Tha với thanh thiếu niên tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn”. Ảnh: Đăng Huỳnh
Nghệ nhân Đào Thị Riêng và Lý Tha với thanh thiếu niên tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn”. Ảnh: Đăng Huỳnh
TP - Bà nội trợ Đào Thị Riêng và ông lái xe ôm Lý Tha, Cần Thơ luôn nhiệt tình biểu diễn các điệu múa Khmer, không tính chuyện tiền nong.

Dịp Tết cổ truyền 2016, những điệu múa lâm thôn, lâm liêu, sarikakeo… được ông Tha và bà Riêng (đều ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ) trình diễn trong chương trình “Sắc xuân miệt vườn” ở Bảo tàng Cần Thơ thu hút đông người xem. Nhiều người nhảy lên cùng múa trong tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng, khiến chương trình thêm hấp dẫn. Trước đó, hai nghệ nhân miệt vườn này đã mang các điệu múa đi trình diễn trong Tuần lễ Văn hóa- Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội (từ 16 - 19/11/2015). Họ cũng hướng dẫn sinh viên múa trong Ngày Di sản Việt Nam do Bảo tàng thành phố Cần Thơ tổ chức, hôm 23/11/2015.

Suốt mấy chục năm qua, hai nghệ nhân miệt mài hướng dẫn các điệu múa Khmer cho con em quanh chùa Settodor ở huyện Cờ Đỏ. Trong các lễ hội của người Khmer ở địa phương, hai nghệ nhân cùng nhiều thanh thiếu niên thường có mặt biểu diễn. Ông Lý Tha (54 tuổi) nói: “Cuộc sống chúng tôi còn nhiều vất vả nhưng rất vui vẻ. Chúng tôi tự hào khi các điệu múa văn hóa dân tộc được gần xa đón nhận”.

Bà Riêng (58 tuổi) từng là diễn viên chính của một đoàn nghệ thuật ở Cờ Đỏ, thường đóng các vai công chúa, tiểu thư vì thanh sắc nổi trội và dáng múa uyển chuyển. Hồi còn trẻ đó, mỗi dịp lễ hội của dân tộc Khmer, đoàn hát sáng đêm ở chùa. Sau khi gánh hát tan rã, bà có chồng, sinh con, lo nội trợ nhưng vẫn tham gia lễ hội ở địa phương và gần đây, được ngành văn hóa thành phố mời đi trình diễn xa.

Ông Lý Tha từng là diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp có tiếng như Samaky (tỉnh Minh Hải cũ), đoàn Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh), đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Quê ông ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng, hồi ở các đoàn chuyên nghiệp, ông nổi tiếng với các nhân vật hề, khuấy động sân khấu. Ông có gương mặt hoạt bát, đôi mắt tinh và cách nói bông đùa có duyên sân khấu. Ông còn có tài múa À dây kết hợp hát đối đáp. Cũng nhờ tài hoa đó, ông chinh phục được một cô gái Cờ Đỏ và an cư quê vợ gần 30 năm qua. Vì hoàn cảnh gia đình, ông Tha từ giã sân khấu hơn 20 năm, tuy nhiên, như ông nói, tiếng nhạc ngũ âm vẫn luôn rộn ràng trong tâm hồn.

Tình yêu nghệ thuật truyền thống Khmer của hai nghệ nhân, dù cuộc sống có nhiều lo toan, chưa hề vơi bớt. Mỗi dịp lễ hội, tiệc tùng không kể lớn bé, nếu có tổ chức múa hát Khmer mà mời là họ đi, không tính chuyện tiền nong. “Thỏa niềm đam mê lại quảng bá được văn hóa dân tộc Khmer cho nhiều người, nhất là lôi cuốn thanh niên tham gia, thế là cuộc sống vui rồi”, họ nói.

MỚI - NÓNG