> Triển lãm làng nghề thủ công tại phố cổ
> Phố nghề trăm tuổi đang biến mất
Những phát biểu thẳng thắn, đầy trăn trở, tâm huyết của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong buổi làm việc cùng 6 phó chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo nhiều sở, ngành của Hà Nội chiều qua tại hội nghị góp ý cho dự thảo “Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội” cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của những người lãnh đạo thành phố đối với công việc bảo tồn và gìn giữ linh hồn của vùng đất Thăng Long. Nói đến Thăng Long - Hà Nội là nói đến 36 phố phường đã đi vào lịch sử của Thủ đô ngàn năm tuổi.
Quan trọng là thế, ấy vậy mà việc bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội cũng thật gian nan và có cả thời gian dài còn bị...thả nổi?
Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều kiến trúc sư tên tuổi đều thốt lên rằng, chúng ta đang có nguy cơ làm biến dạng các giá trị văn hoá, kiến trúc và tinh thần vô giá của phố cổ Hà Nội bởi thiếu sự quan tâm đúng tầm, thiếu những quy định quản lý phù hợp.
Lấy việc quản lý dân cư tại đây làm ví dụ. Ngay trong bản quy hoạch 108 xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 đã yêu cầu giảm mật độ dân số khu vực đô thị trung tâm, trong đó có khu vực phố cổ.
Khi đó dân số tại 4 quận này (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ có 96 vạn dân. Hà Nội đặt mục tiêu giảm dân số tại khu vực này đến năm 2020 xuống còn 80 vạn người. Tuy nhiên, không những không giảm được mà nay dân số đã lên tới 1,2 triệu người ở khu vực 4 quận nội đô.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định, việc thiếu kiểm soát dân số dẫn đến gia tăng quá mạnh dân cư tại khu vực phố cổ, khu vực trung tâm cộng với đầu tư hạ tầng kém, quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo... ảnh hưởng không nhỏ các giá trị văn hoá, lịch sử của phố cổ.
Điều mà KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt ra trong quản lý phố cổ đó là bên cạnh những bản quy chế, quy định mới cần phải có được những giải pháp mạnh đi kèm.
“Nếu thiếu giải pháp, thiếu quyết tâm, quản lý phố cổ sẽ lại giống như câu chuyện giảm mật độ dân số như vừa nêu. Và khi đó, lại có những công trình kỳ lạ mọc lên, những công trình kiến trúc không giống ai làm biến dạng cả phố cổ”-KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc mà thành phố sắp ban hành được nhiều người ví như chiếc áo mới trong quản lý phố cổ. Liệu đi liền với chiếc áo mới lần này, Hà Nội có đủ quyết liệt và giải pháp để thực sự khoác lên phố cổ- di sản của Thủ đô một diện mạo mới?